Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm

Nhiều bạn đọc phản ánh, thời gian qua, tình trạng an ninh trật tự ở phần lớn các điểm diễn ra lễ hội đã được quản lý và cơ bản ổn định. Nhưng do lượng du khách tham quan, vãn cảnh tăng cao, dịch vụ ăn uống chiếm tỷ lệ lớn, lại thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, là một trong những nguyên nhân gây mất an toàn thực phẩm (ATTP), gây lo lắng cho người dân.

Kiểm tra công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại khu vực chùa Hương.

Lễ hội chùa Hương, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), kéo dài suốt ba tháng đầu năm, thu hút hàng nghìn du khách. Theo Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương, trước khi lễ hội diễn ra, chính quyền địa phương đã tổ chức tập huấn các kiến thức an toàn thực phẩm cho tất cả số hộ kinh doanh, cấp giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và tiến hành khám sức khỏe cho những người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm. Các tổ thanh tra, kiểm tra cũng được thành lập, làm nhiệm vụ liên tục kiểm tra vấn đề an toàn thực phẩm của các hàng quán. Nhưng quy định là vậy, trên thực tế các biện pháp của chính quyền vẫn chưa đủ mạnh và quyết liệt trong khi số lượng khách quá tải. Vẫn còn tình trạng nhà hàng, quán cơm bày bán thực phẩm tươi sống, lẫn lộn với thực phẩm chín ngay trước cửa quán, không tuân thủ việc bảo quản thực phẩm trong tủ chuyên dụng; hay tình trạng các cơ sở kinh doanh ăn uống không bố trí các thùng đựng rác cho nên thực khách vô tư xả thức ăn thừa, giấy ăn ngay xuống nền đất. Thậm chí qua quan sát, nhiều bát được rửa trong chiếc chậu đen ngòm, váng mỡ; người bán hàng không đeo găng tay, thản nhiên đếm tiền rồi lại bốc thức ăn cho khách…

Có thể thấy, dù các cơ sở kinh doanh ở đây đều đã được cấp giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh ATTP, song những quy định tối thiểu về việc bảo quản thực phẩm, vệ sinh dụng cụ lại chưa được chấp hành nghiêm. Theo lý giải của các chủ nhà hàng, trung bình mỗi ngày lễ hội chùa Hương đón tiếp khoảng 3.000 khách, do lượng khách đông, cho nên công tác bảo đảm ATTP không tránh khỏi những sơ suất. Bên cạnh đó, do địa hình các khu du lịch, lễ hội thường ở trên núi cao cho nên việc sử dụng nước sinh hoạt còn khó khăn, dẫn đến việc chế biến thức ăn cho khách hàng thường có tính chất qua loa, đại khái, không bảo đảm tiêu chí ATTP.

Phủ Tây Hồ là điểm du lịch tín ngưỡng nằm trên địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội), vào dịp đầu xuân năm mới luôn thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Theo ước tính, vào ngày cao điểm có hàng nghìn lượt người đến lễ. Theo đó, các dịch vụ kinh doanh cũng mọc lên như nấm. Dọc hai bên đường lối đi vào phủ, các nhà hàng ăn uống: bún ốc, bún cá, bánh tôm, bánh bột lọc, bánh đúc… nằm san sát nhau. Hàng nào cũng đông thực khách. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là các loại bánh trái, thức ăn bày biện ngay phía trước cửa hàng bốc khói nghi ngút, nhưng không được che đậy hoặc đựng trong tủ kính. Khi thấy chúng tôi băn khoăn với việc chế biến thức ăn theo kiểu qua loa, không đeo găng theo đúng quy định, một nhân viên quán bánh tôm cho biết: “Quán nhà em kinh doanh cả chục năm rồi, có giấy chứng nhận ATTP hẳn hoi, anh chị cứ yên tâm”. Thực tế, bằng mắt thường cũng thấy, phần lớn các cửa hành kinh doanh thực phẩm nơi đây không bảo đảm các tiêu chí về kinh doanh thức ăn, đồ uống đường phố… Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, với việc áp dụng nhiều biện pháp như điều xe lưu động đến các lễ hội để tổ chức lấy mẫu, làm các xét nghiệm nhanh về thực phẩm ngay tại chỗ, nhìn chung, vấn đề vệ sinh ATTP tại các lễ hội trong năm nay đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do tính chất thời vụ, việc kinh doanh mặt hàng ăn uống tại các lễ hội vẫn thể hiện sự tạm bợ, lộn xộn...

Trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân 2018, qua hai tháng kiểm tra công tác bảo đảm ATTP của thành phố và các quận, huyện, xã, phường đã phát hiện hàng nghìn cơ sở vi phạm, tiến hành xử phạt với số tiền hơn năm tỷ đồng.

Để bảo đảm kiểm soát được tình hình ATTP cùng với việc thực hiện tốt quy định về vệ sinh ATTP, các ngành chức năng cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông đến các đối tượng sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm (điều kiện ATTP đối với cơ sở, trang thiết bị, vệ sinh cá nhân người sản xuất, chế biến thực phẩm; quy định nguồn gốc, bảo đảm ATTP đối với nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, ghi nhãn thực phẩm; vệ sinh ăn uống; lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn…). Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP. Kết hợp lấy mẫu thực phẩm, ưu tiên xét nghiệm sớm các chỉ tiêu về ATTP. Phát hiện sớm, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP theo đúng quy định của pháp luật. Ban tổ chức các lễ hội, ban quản lý các điểm di tích cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Qua đó tạo sức răn đe, bảo đảm quyền lợi, an toàn cho du khách khi sử dụng thực phẩm tại các khu vực lễ hội.

“Nguyên nhân của việc mất ATTP là do ý thức, trách nhiệm bảo đảm ATTP của cộng đồng chưa cao, nhất là việc chấp hành các quy định, hướng dẫn bảo đảm ATTP chưa nghiêm. Nhiều cơ sở chạy theo lợi nhuận đã gian dối trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; dễ dãi trong lựa chọn, chế biến và tiêu dùng thực phẩm”.

NGUYỄN VĂN TOÀN (Chuyên viên Bộ Y tế )

“Mỗi địa điểm diễn ra lễ hội lại có hàng trăm hàng quán kinh doanh thực phẩm. Nhiều hàng quán trong số này không đáp ứng đủ các điều kiện về vệ sinh ATTP. Bên cạnh đó do thực phẩm được bày bán lộ thiên, dụng cụ ăn uống không được vệ sinh sạch sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thực khách”.

BS NGUYỄN THU HẠNH (Viện Dinh dưỡng quốc gia)

“Các lễ hội thường tổ chức ngoài trời, dịch vụ ăn uống cũng mang tính chất tạm thời, lều quán đơn giản, thiếu nước sạch, thiếu thu gom chất thải, thiếu điều kiện bảo quản và chế biến thực phẩm an toàn; nhiều nơi bố trí ngay ở đường đi, lối lại, môi trường thường bị ô nhiễm do gió bụi, mưa nắng”.

HOÀNG TUẤN KHANH (Huyện Mỹ Đức, Hà Nội)

“Nguyên nhân của việc mất ATTP là do ý thức, trách nhiệm bảo đảm ATTP của cộng đồng chưa cao, nhất là việc chấp hành các quy định, hướng dẫn bảo đảm ATTP chưa nghiêm. Nhiều cơ sở chạy theo lợi nhuận đã gian dối trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; dễ dãi trong lựa chọn, chế biến và tiêu dùng thực phẩm”.

NGUYỄN VĂN TOÀN (Chuyên viên Bộ Y tế )

“Mỗi địa điểm diễn ra lễ hội lại có hàng trăm hàng quán kinh doanh thực phẩm. Nhiều hàng quán trong số này không đáp ứng đủ các điều kiện về vệ sinh ATTP. Bên cạnh đó do thực phẩm được bày bán lộ thiên, dụng cụ ăn uống không được vệ sinh sạch sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thực khách”.

BS NGUYỄN THU HẠNH (Viện Dinh dưỡng quốc gia)

“Các lễ hội thường tổ chức ngoài trời, dịch vụ ăn uống cũng mang tính chất tạm thời, lều quán đơn giản, thiếu nước sạch, thiếu thu gom chất thải, thiếu điều kiện bảo quản và chế biến thực phẩm an toàn; nhiều nơi bố trí ngay ở đường đi, lối lại, môi trường thường bị ô nhiễm do gió bụi, mưa nắng”.

HOÀNG TUẤN KHANH (Huyện Mỹ Đức, Hà Nội)

QUANG MINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/36059002-siet-chat-quan-ly-an-toan-thuc-pham.html