Siết chặt quản lý bữa ăn bán trú

Ngay sau khi xảy ra 2 sự cố về an toàn thực phẩm tại bếp ăn bán trú trường học trên địa bàn huyện Đông Anh, trong khoảng một tháng nay, hai Đoàn kiểm tra công tác an toàn thực phẩm số 1 và số 2 của thành phố Hà Nội đã tăng cường kiểm tra bếp ăn bán trú của các trường học trên địa bàn. Mục tiêu mà các đoàn kiểm tra hướng tới là siết chặt quản lý bữa ăn bán trú, tiến tới ngăn chặn triệt để các vụ ngộ độc trong trường học.

Đoàn kiểm tra công tác an toàn thực phẩm số 1 của thành phố Hà Nội kiểm tra bếp ăn bán trú tại Trường Mầm non xã Liên Hà (huyện Đan Phượng). Ảnh: Lộc Xuân

Đã kiểm tra bếp ăn bán trú của hơn 20 quận, huyện

Trong năm học 2020-2021, Hà Nội có 4.553 bếp ăn tập thể trường học và căng tin. Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc loại hình này cần được các nhà trường tuân thủ nghiêm ngặt quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm, từ nhập nguyên liệu, chế biến, tập huấn cho nhân viên phục vụ cũng như khi chia suất ăn, không để tái diễn sự cố về mất an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, Hà Nội cũng yêu cầu các trường học nghiêm túc thực hiện việc lưu mẫu thức ăn, sổ kiểm thực 3 bước theo đúng quy định. Việc làm này sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc thực phẩm khi cần. Với bất cứ nguyên liệu thực phẩm nào mà ban phụ huynh hay nhà trường thấy nghi ngờ về chất lượng đều có thể lưu lại, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội sẽ hỗ trợ xét nghiệm kiểm tra.

Sau khoảng một tháng ra quân kiểm tra chuyên đề an toàn thực phẩm bếp ăn bán trú, hai Đoàn kiểm tra công tác an toàn thực phẩm số 1 và số 2 của thành phố đã kiểm tra được hơn 20 quận, huyện có bếp ăn bán trú. Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Trưởng đoàn kiểm tra công tác an toàn thực phẩm số 1 của thành phố đánh giá, qua kiểm tra, các nhà trường đều xuất trình đầy đủ hồ sơ thủ tục pháp lý nguồn gốc thực phẩm theo quy định. Nhân viên trực tiếp nấu bếp đều được khám sức khỏe và có kiến thức về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nhiều trường học còn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho bếp ăn như: Tủ sấy bát đĩa, hệ thống bếp từ, giá inox đựng bát đĩa… Một số trường còn thành lập ban chăm sóc bán trú và tổ kiểm soát an toàn, vệ sinh thực phẩm, bảo đảm thực phẩm đưa vào trường học luôn tươi ngon, an toàn.

Đơn cử như tại Trường Mầm non xã Liên Hà (huyện Đan Phượng), qua kiểm tra cho thấy, nhà trường đã nghiêm túc thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định, chủ động trang bị cơ sở vật chất khang trang, sạch sẽ, có lưới chắn côn trùng. Bếp ăn được triển khai theo nguyên tắc một chiều, có tủ lưu mẫu thức ăn, tủ sấy bát… Còn tại Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Xanh Tuệ Đức (huyện Thanh Oai), xét nghiệm nhanh cho thấy các mẫu bát, đĩa đều bảo đảm an toàn, vệ sinh; các mẫu rau cũng cho kết quả âm tính với thuốc bảo vệ thực vật…

Tuy nhiên, cơ sở vật chất ở một số trường chưa được đầu tư, nâng cấp, bếp ăn còn chật chội, người chế biến chưa chú trọng vệ sinh cá nhân, còn đeo đồ trang sức khi chế biến thực phẩm… dẫn đến nguy cơ thực phẩm nhiễm vi sinh rất cao. Đơn cử như tại quận Thanh Xuân, có trường, nhân viên trực tiếp chế biến bữa ăn bán trú học đường không đội mũ, đeo khẩu trang, không thực hiện chế độ kiểm thực ba bước; không thực hiện lưu mẫu thức ăn. Dụng cụ thu gom chất thải tại bếp ăn không có nắp đậy… “Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi đã chấn chỉnh và yêu cầu nhà trường phải lập tức khắc phục ngay tình trạng này”, ông Trần Văn Chung nhấn mạnh.

Tăng cường kiểm tra thực phẩm đầu vào tại các trường

Đề cập đến các giải pháp trong công tác quản lý bếp ăn trường học trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Khánh Bình cho rằng, với những trường có bếp ăn bán trú, huyện đã yêu cầu hiệu trưởng các trường ký cam kết và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt, liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm huyện đề nghị các nhà trường thường xuyên báo cáo đơn vị cung cấp sản phẩm. Qua đó, huyện có biện pháp quản lý, giám sát việc truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học hiệu quả hơn.

Còn theo Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy Đinh Thị Hương, quận đã chỉ đạo tất cả đơn vị trường học hằng năm tiến hành rà soát, kiểm tra thẩm định năng lực thực tế của các nhà thầu, nhà cung cấp cho bếp ăn tập thể trường học thông qua việc đến tận cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm để kiểm tra, đồng thời thường xuyên rà soát các danh mục thực phẩm mới. Các cơ quan chức năng trên địa bàn quận cũng thường xuyên phối hợp kiểm tra đột xuất công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm trong trường học. Cùng với đó, tại các trường học, chúng tôi cũng đề nghị huy động sự tham gia của cha mẹ học sinh trong công tác giám sát, giao nhận thực phẩm, chế biến, chia suất ăn…

Để tiếp tục tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn của trường học trên địa bàn Hà Nội, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, đối với thực phẩm được đưa vào bếp ăn, các cơ sở phải truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Ngoài việc kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn, Đoàn kiểm tra của thành phố còn tăng cường kiểm tra các cơ sở cung cấp suất ăn. Do đó, nhiệm vụ của các quận, huyện là cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra định kỳ và đột xuất, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm đầu vào tại các trường; thông báo công khai, minh bạch các đơn vị đạt tiêu chuẩn và các đơn vị không đạt tiêu chuẩn để các nhà trường lựa chọn nhà cung cấp bảo đảm an toàn thực phẩm theo đúng quy định.

Xuân Lộc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/983502/siet-chat-quan-ly-bua-an-ban-tru