Siết chặt quản lý các cụm công nghiệp đang hoạt động tại Hà Nội

UBND TP.Hà Nội vừa yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý các cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động trên địa bàn Thành phố.

Hà Nội đã có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động diện tích là 1.337 ha (Ảnh minh họa)

Hà Nội đã có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động diện tích là 1.337 ha (Ảnh minh họa)

UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Công Thương nghiên cứu, hoàn thiện, báo cáo UBND Thành phố ban hành “Quy chế phối hợp quản lý CCN trên địa bàn Thành phố”, làm cơ sở cho việc triển khai công tác quản lý các CCN. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện, các sở, ngành liên quan xây dựng chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2025, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo nhằm giải quyết, khắc phục những tồn tại, vướng mắc, đảm bảo hoạt động tại các CCN tuân thủ theo đúng quy định của Nhà nước và Thành phố.

Công an Thành phố tăng cường kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH); tuyên truyền phổ biến kiến thức, quy định pháp luật tại các CCN, xử lý nghiêm những vi phạm (nếu có) theo quy định. Đặc biệt, rà soát, yêu cầu chủ đầu tư các CCN trên địa bàn Thành phố tổ chức thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC theo đúng quy định; kiên quyết xử lý vi phạm hành chính, tạm đình chỉ theo quy định đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện về PCCC&CNCH, hoạt động sai phép, không phép, có người lưu trú qua đêm….

Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, xử lý các vi phạm theo quy định về công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, quản lý và sử dụng đất tại các CCN. Phối hợp với UBND cấp huyện, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan hướng dẫn chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN, các đơn vị sản xuất trong CCN thực hiện các quy định của pháp luật và của Thành phố về xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại...

Phối hợp với UBND cấp huyện, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan hướng dẫn chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN, các đơn vị sản xuất trong CCN thực hiện các quy định của pháp luật và thành phố về xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý về vi phạm môi trường, xả thải không đạt quy chuẩn.

Được biết, tính đến hết tháng 6/2019, Hà Nội đã có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, diện tích là 1.337 ha với khoảng 3.100 cơ sở sản xuất đang hoạt động. Trong số này có 3 cụm công nghiệp tập trung gồm: Cụm công nghiệp Chương Mỹ rộng 50 ha; cụm công nghiệp Sơn Tây rộng 70 ha; cụm công nghiệp Phúc Thọ rộng 55 ha. Ðây là điều kiện cơ bản để phát triển làng nghề, kinh tế nông thôn và kêu gọi đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế của Hà Nội.

Tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP. Hà Nội khóa XV diễn ra hồi tháng 7 vừa qua, Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng thông tin rằng năm nay Thành phố cố gắng xét duyệt được ít nhất một nửa trong 40 cụm công nghiệp đã có quy hoạch. Với tiến độ này, đến cuối năm nay, Thành phố sẽ có được 30 cụm công nghiệp mới. Tuy nhiên, cũng theo ông Thăng, công nghiệp của Hà Nội đang tồn tại trong đô thị chứ không phải công nghiệp di dời ra khỏi đô thị nên chúng ta phải xác định sản xuất công nghiệp sạch, bền vững, áp dụng khoa học công nghệ và thiết bị hiện đại.

Cũng theo vị lãnh đạo này, công nghiệp Hà Nội không thể theo mẫu số chung của toàn quốc, nhưng vẫn khẳng định Hà Nội là trung tâm, đầu tàu kinh tế của khu vực phía Bắc; các khu công nghiệp cố gắng kết hợp giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài để có các khu công nghiệp sạch, hiện đại. "Từ năm 2016 đến nay, mẫu số của Thành phố là mỗi ha tại khu công nghiệp tối thiểu 20 triệu USD mới được vào đầu tư”, ông Thăng nhấn mạnh.

Linh Nga

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/siet-chat-quan-ly-cac-cum-cong-nghiep-dang-hoat-dong-tai-ha-noi-159912.html