SIẾT CHẶT QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI, LẬP LẠI TRẬT TỰ XÂY DỰNG

Tại Hội nghị Thành ủy TP Hồ Chí Minh lần thứ 34, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy tiếp tục chỉ đạo chấn chỉnh trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn. Trước đó, Chỉ thị 23 của Thành ủy thành phố về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TTXD yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung xử lý dứt điểm tình trạng xây dựng không phép, trái phép, sai phép…

Đây là sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền TP Hồ Chí Minh nhằm lập lại TTXD, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm liên quan đến lĩnh vực đất đai. Theo thống kê, từ đầu năm 2017 đến cuối tháng 6-2019, tổng số công trình xây dựng không đủ điều kiện cấp giấy phép trong toàn thành phố lên tới 2.573 trường hợp, chiếm tỷ lệ 73,5% trên tổng số công trình xây dựng không phép; chiếm 37,6% tổng số công trình vi phạm. Có quận trong 9 tháng năm 2019, tỷ lệ công trình xây dựng không phép tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm trước; trung bình chưa đầy hai ngày lại có một công trình xây dựng không phép mọc lên. Trong số đó có cả những công trình xây dựng không phép của cán bộ cấp quận và cán bộ phường đã tồn tại từ nhiều năm nay.

 Ảnh minh họa/ TTXVN.

Ảnh minh họa/ TTXVN.

Hiện nay, không chỉ TP Hồ Chí Minh mà hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước đều ít nhiều xảy ra những vụ việc xây dựng không phép, sai phép. Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý tài nguyên đất, quy hoạch các khu kinh tế, khu dân cư và chiến lược phát triển của đất nước. Để xảy ra vấn đề trên là do công tác quản lý đất đai của chính quyền các địa phương bị buông lỏng; trách nhiệm với công việc của cán bộ thuộc các ngành chức năng liên quan làm chưa đến nơi đến chốn, thiếu sâu sát cơ sở, không nắm được địa bàn… Ngoài ra, một số cán bộ thiếu gương mẫu, tiêu cực, bản thân và gia đình vi phạm pháp luật, vi phạm quy định sử dụng đất đai. Hệ lụy của việc buông lỏng quản lý đất đai dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bất động sản lợi dụng để thao túng, trục lợi, chuyển nhượng đất, thực hiện quy hoạch và dự án kinh doanh bất động sản trái pháp luật; phân lô, bán nền trên diện tích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở; mua bán nhà, đất khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, cơ sở pháp lý… gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển kinh tế-xã hội, tạo ra dư luận không tốt trong nhân dân. Đây cũng là nguyên nhân hình thành các công ty địa ốc "ma", dự án "ma", gây thiệt hại cho Nhà nước và người dân, làm mất trật tự an ninh, an toàn xã hội.

Với trách nhiệm và tinh thần quyết tâm lập lại TTXD, Thành ủy thành phố đã ban hành Chỉ thị 23 yêu cầu bí thư, chủ tịch UBND cấp quận trở xuống cam kết với cấp ủy cấp trên trực tiếp về việc lập lại TTXD trước tháng 6-2020; nếu không cam kết thì điều chuyển công tác khác… Sự quyết tâm siết chặt quản lý đất đai, chấn chỉnh TTXD của Thành ủy TP Hồ Chí Minh khẳng định một vấn đề cốt lõi trong công tác quản lý, điều hành, đó là yếu tố con người. Lập lại TTXD phải bắt đầu trước hết từ cấp ủy, chính quyền cơ sở, từ nhận thức, trách nhiệm quản lý và sự gương mẫu, liêm minh của cán bộ, đảng viên, công chức trong thực thi công vụ được giao. Hy vọng, các địa phương khác cũng làm quyết liệt như TP Hồ Chí Minh, có nhiều biện pháp ngăn chặn hữu hiệu hơn để tài nguyên đất được sử dụng hiệu quả, quản lý chặt chẽ công tác xây dựng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội cho đất nước trong giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay.

CHÂU GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/siet-chat-quan-ly-dat-dai-lap-lai-trat-tu-xay-dung-604372