Siết chặt quản lý, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc

Ngày 14-3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký ban hành Chỉ thị 02/CT-BCT yêu cầu tăng cường thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự chế biến, pha chế, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Tình hình tự chế biến tự bày bán rượu không rõ nguồn gốc hiện đang phổ biến tại vùng dân tộc thiểu số, biên giới. Ảnh: Bình Minh

Thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, không bảo đảm an toàn thực phẩm, đặc biệt là vụ ngộ độc nghiêm trọng tại huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu ngày 13-2-2017 đã làm 69 người bị ngộ độc, trong đó có 9 người tử vong.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã có những văn bản gửi các Sở Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để nhanh chóng nắm bắt tình hình, tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, ngăn ngừa những vụ việc đáng tiếc tương tự xảy ra.

Theo Chỉ thị mới được ban hành, Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự chế biến, pha chế, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu không nhãn mác, không dán tem, không rõ nguồn gốc xuất xứ dưới mọi hình thức.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu Sở Công Thương tỉnh, thành chỉ đạo các Chi cục Quản lý thị trường chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu (bán buôn, bán lẻ, bán tại các cửa hàng ăn uống…), đặc biệt là rượu sản xuất thủ công.

Bộ này còn yêu cầu cơ quan trong ngành chú trọng kiểm tra, phát hiện các hành vi sản xuất rượu giả, sử dụng cồn công nghiệp, sử dụng nguyên liệu bị cấm để pha chế rượu, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, vi phạm về ghi nhãn, quảng cáo, vi phạm về công bố hợp quy và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng người tiêu dùng, góp phần ngăn chặn các vụ ngộ độc rượu diễn ra trên địa bàn.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu; tiến hành rà soát, cập nhật bổ sung để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự pha chế, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ; chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế rà soát, cập nhật bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự pha chế, các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, lẻ...

Bình Minh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/siet-chat-quan-ly-kinh-doanh-ruou-khong-ro-nguon-goc/