Siết chặt quản lý nhà ở xã hội

Nhằm hỗ trợ các đối tượng chính sách, khó khăn về nhà ở cải thiện chỗ ở, nhiều năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều dự án xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, chính sách này đang bị lợi dụng, thậm chí một số đối tượng trục lợi, cần phải có chế tài để quản lý chặt chẽ hơn.

Dự án nhà ở xã hội tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh.

Thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020, tính đến hết năm 2020, diện tích nhà ở bình quân trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt 27,25 m2/người, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Tổng diện tích sàn nhà ở đạt 224,73 triệu mét vuông, tăng 49,67 triệu mét vuông so với năm 2016. Chất lượng nhà ở ngày càng được nâng cao, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân. Đáng chú ý, thành phố đã hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà đơn sơ; nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố, bán kiên cố đạt hơn 99%.

Đóng góp vào kết quả phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố có loại hình nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân, sinh viên. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, thành phố Hà Nội có 23 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, đưa vào sử dụng, với diện tích hơn 1,2 triệu mét vuông sàn, tương đương gần 12.700 căn hộ. Bên cạnh đó còn 43 dự án đang triển khai với diện tích khoảng 3,56 triệu mét vuông sàn xây dựng, tương đương hơn 49.720 căn hộ.

Để có nhiều nhà đầu tư tham gia dự án phát triển nhà ở xã hội, thành phố triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ về tiền sử dụng đất, thuế giá trị gia tăng, vay vốn ngân hàng..., nhất là khống chế lợi nhuận của nhà đầu tư nhằm giảm giá thành sản phẩm. Đối tượng sử dụng nhà ở xã hội cũng được quy định chặt chẽ. Tuy nhiên, do giá bán nhà ở xã hội thấp hơn giá bán nhà ở thương mại, nguồn cung hạn chế, cộng với việc kiểm tra, giám sát sử dụng nhà ở xã hội thiếu chặt chẽ dẫn đến tình trạng sử dụng không đúng mục đích, sai đối tượng.

Theo quy định, để được thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội, người dân cần có đủ giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được hỗ trợ, thu nhập thấp, chưa có nhà ở hoặc nhà ở không bảo đảm điều kiện sống... Trên cơ sở đó, chủ đầu tư, Sở Xây dựng xét duyệt hồ sơ đăng ký. Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, về cơ bản, việc xét duyệt các đối tượng mua nhà được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định, nhưng công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng nhà ở xã hội còn nhiều hạn chế. Thời gian qua, Sở Xây dựng và chính quyền các địa phương đã kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp người mua nhà ở xã hội sử dụng không đúng mục đích, như bán, cho thuê lại, không sử dụng căn hộ kéo dài. Điển hình như tại dự án nhà ở xã hội ngõ 622 phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng có 57 trường hợp vi phạm; dự án nhà ở xã hội tại ô đất CC-1, lô đất N1+N3 Khu đô thị Quốc Oai, huyện Quốc Oai có 65 trường hợp; dự án khu nhà ở cho người thu nhập thấp Ecohome 1 có 200 trường hợp và Ecohome 2, quận Bắc Từ Liêm có 158 trường hợp vi phạm...

Nhằm chấn chỉnh tình trạng nhà ở xã hội sử dụng không đúng mục đích, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành chuyên đề “Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Thành phố tập trung tăng cường giám sát khi xét duyệt đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã với Sở Xây dựng để kiểm tra danh sách các đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, xác định đúng đối tượng được hỗ trợ về nhà ở xã hội. Khi phát hiện trường hợp không đủ điều kiện được hưởng chính sách theo quy định, các địa phương và chủ đầu tư thông báo tới Sở Xây dựng để xử lý dứt điểm. Thành phố yêu cầu Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, các chủ đầu tư tăng cường giám sát sử dụng nhà ở xã hội, giám sát đối tượng sau khi được mua, thuê, thuê mua nhà. Công an thành phố thông qua công tác quản lý nhân khẩu, kiểm tra thường xuyên, xác định các trường hợp bán lại, cho thuê lại, cho ở nhờ, không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích nhà ở xã hội.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, Mạc Đình Minh cho biết, để tăng cường công tác quản lý nhà ở xã hội, Sở đã xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu các đối tượng đã được hưởng chính sách mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Khi chủ đầu tư báo cáo danh sách dự kiến xét duyệt được mua, thuê nhà ở xã hội, Sở sẽ kiểm tra nhằm loại trừ trường hợp một người được hỗ trợ nhiều lần và trường hợp không đúng đối tượng. Đồng thời, Sở Xây dựng cũng lập kế hoạch kiểm tra việc sử dụng nhà ở xã hội; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Bài và ảnh: MINH VÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tranghanoi-tin-chung/siet-chat-quan-ly-nha-o-xa-hoi-685652/