Siết chặt quản lý nuôi nhốt gấu

Ngày 17/9, Cục Kiểm Lâm (Bộ NN&PTNT) đã họp bàn với một số cơ quan liên ngành về biện pháp siết chặt quản lý, đặc biệt là tìm giải pháp chấm dứt hành vi buôn bán mật gấu trái phép.

Cách đây vài ngày, một số cơ quan báo chí đã lên tiếng về tình trạng một số trại nuôi gấu ở Quảng Ninh, núp dưới bóng phục vụ tham quan du lịch, đã bí mật tổ chức hút mật trái phép để bán cho khách nước ngoài với giá 20-30 USD/cc, gây bất bình rất lớn trong dư luận. Xác nhận về tình trạng này, ông Đỗ Quang Tùng, Chánh Văn phòng Cites (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) cho biết: Hiện trên địa bàn Quảng Ninh có 15 cơ sở nuôi nhốt gấu, với 320 cá thể, tập trung ở huyện Yên Hưng và TP Hạ Long. Trong 15 cơ sở trên, có 7 cơ sở được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cấp giấy phép hoạt động đưa đón khách quốc tế du lịch, tham quan; song thực chất là mua mật gấu. "Việc môi giới và bán mật cho khách đều thông qua các đầu nậu người nước ngoài. Phần lớn khách du lịch mua mật gấu là khách Hàn Quốc, thậm chí bảng quảng cáo bán mật gấu tại các cơ sở này cũng bằng tiếng Hàn Quốc", ông Tùng cho biết. Tuy trong năm 2008, đã có 8 cơ sở nuôi nhốt gấu tại Quảng Ninh bị xử phạt, với số tiền 449 triệu đồng, tịch thu 1 cá thể gấu, do hoạt động hút mật trái phép; nhưng hoạt động này vẫn không hề chấm dứt mà ngày càng biến tướng tinh vi hơn. Được biết, khách du lịch thường chia nhỏ mật gấu và bọc bằng giấy tráng bạc để tránh máy soi của Hải quan sân bay, cửa khẩu; hoặc trà trộn những gói mật gấu vào các hộp trà gừng. Trung bình mỗi khách du lịch thường mua khoảng 100cc/lần... Các cơ quan chức năng cũng nhận định: Hiện ở Việt Nam đã xuất hiện mật gấu nhập khẩu, chủ yếu là mật gấu khô, giá của loại mật gấu khô này rất đắt, khoảng 6.000.000 đồng/lạng. Dù thừa nhận tình trạng gấu nuôi đang bị hành hạ, tận thu; nhưng các cơ quan chức năng đang tỏ ra rất bối rối trong việc xử lý. Bằng chứng là tỉnh Quảng Ninh cũng chưa bao giờ bắt được "quả tang" hành vi hút mật trái phép của các chủ trại. Thêm vào đó, việc mua bán mật gấu lại liên quan đến khách du lịch nước ngoài, nên càng phức tạp hơn trong xử lý. Theo đại diện của Bộ Công an cho biết: Việc giám định mật gấu nhanh nhất phải mất 2 ngày. Ngoài tình trạng hút mật gấu trái phép, ông Nguyễn Viết Thanh còn nhận định: Vấn đề buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) ở Việt Nam theo cũng đang trong tình trạng báo động. Ông Thanh đã đưa ra một con số đáng giật mình: "Từ năm 2004 đến nay, chúng ta đã bắt giữ 10 tấn ngà voi. Phải cần bao nhiêu con voi để có được số ngà này?". Ông Thanh cho rằng, thời gian qua, các cơ quan đã thực hiện cấp phép quá nhiều cho việc nhập khẩu động vật, sản phẩm ĐVHD; gây nên tình trạng khó kiểm soát, quản lý cho các cơ quan chức năng. Hiện, các ngành liên quan đưa ra ý kiến, cần sớm thành lập Ban chỉ đạo Phòng chống buôn bán động vật hoang dã gồm các bên: Cục Kiểm Lâm, Cục Hải quan, Biên phòng và Công an để đấu tranh với tình trạng buôn bán ĐVHD nguy cấp, quý hiếm. Theo nhận định, việc thành lập BCĐ sẽ giúp cho công tác phối hợp giữa các ngành chặt chẽ hơn, thông tin nhanh hơn, cụ thể và dễ xử lý hơn. Đặc biệt, theo ông Thanh, trong thời gian tới phải tăng cường kiểm tra thật chặt các trại nuôi nhốt gấu, nếu phát hiện gấu nuôi nhốt trái phép phải tịch thu ngay và xử lý nặng để tăng tính thực thi của pháp luật Sẽ quản lý chặt hơn gấu nuôi nhốt Ông Hà Công Tuấn - Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) cho biết: Năm 2001, chúng ta chỉ có 240 cá thể gấu nuôi nhốt, thì đến năm 2005, đã tăng lên hơn 4.000 cá thể (tức là trong khoảng thời gian đó, cứ trung bình mỗi năm có thêm hơn 1.000 cá thể gấu bị bắt ở tự nhiên đưa vào nuôi nhốt). Trước tình trạng đó, từ tháng 9/2005, Cục Kiểm lâm bắt đầu lập hồ sơ, gắn chíp để quản lý và cơ bản đã ngăn chặn được nạn săn bắn, buôn bán gấu trái phép, đưa gấu tự nhiên vào nuôi nhốt. Trong 4 năm kể từ thời điểm gắn chíp, số gấu nuôi nhốt chỉ tăng lên thêm 179 cá thể. Ông Tuấn cho biết: 136/179 cá thể gấu chưa gắn chíp này đã được tịch thu đưa về các trại cứu hộ, vườn quốc gia như: Tam Đảo, Cát Tiên. Còn 40 cá thể khác sẽ tiếp tục được xử lý triệt để trong thời gian tới.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2009/9/119680.cand