Siết chặt quản lý thị trường rượu hiện nay

Hiện nay, thị tường rượu tại nước ta có tới 80% lượng rượu tiêu thụ không được dán tem thuế, điều này khiến các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong công tác quản lý và người tiêu dùng thì tiếp tục hoang mang về chất lượng của các loại rượu.

Tin nên đọc

Hà Nội: Thu giữ 550 lít rượu không rõ nguồn gốc

Ngộ độc rượu gia tăng, Bộ y tế tiếp tục khuyến cáo phòng ngộ độc rượu

Làm giả rượu Chivas từ đồ đồng nát lĩnh án tù

Quận Cầu Giấy (Hà Nội): Tịch thu hơn 4.200 lít rượu không rõ nguồn gốc

Đây là một trong những vấn đề được đưa ra bàn luận tại buổi Tọa đàm “Ngộ độc rượu Methanol, thực trạng và giải pháp” do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam tổ chức, sáng 23/3 tại Hà Nội.

Tham dự buổi tọa đàm có Đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế; Đại diện Vụ Khoa học & Công nghệ, Bộ Công Thương; Đại diện Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai; Đại học Y Hà Nội; Đại diện các doanh nghiệp sản xuất bia rượu và Đại diện các Sở Công Thương các tỉnh thành Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên...

Tọa đàm "Ngộ độc rượu methanol, thực trạng và giải pháp" sáng 23/3 tại Hà Nội.

Tọa đàm "Ngộ độc rượu methanol, thực trạng và giải pháp" sáng 23/3 tại Hà Nội.

80% lượng rượu tiêu thụ trên thị trường không được dán tem thuế

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, thời gian qua, tình trạng lạm dụng rượu và ngộ độc rượu có chứa methanol có nhiều diễn biến phức tạp.

Mỗi năm rất nhiều ca phải nhập viện, thậm chí tử vong vì ngộ độc rượu. Nhiều trường hợp là do uống rượu liên tục trong một thời gian ngắn; trường hợp khác đáng tiếc lại do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, các nạn nhân phần lớn lại là người nghèo, sinh viên, người trẻ tuổi chưa đủ nhận thức, ham sản phẩm rẻ.

Không những vậy, theo thống kê của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, 80% lượng rượu hiện nay được tiêu thụ trên thị trường không được dán tem thuế, điều này đồng nghĩa với việc 80% lượng rượu được tiêu thụ trong nước không được kiểm soát về mặt chất lượng.

Điều này không chỉ gây ra những ca ngộ độc cấp tính mà nó còn để lại những hậu quả lâu dài về sức khỏe, giống nói của người dân Việt.

Đặc biệt, đối với những ca ngộ độc rượu chứa methanol (cồn công nghiệp) cấp tính khi được phát hiện việc điều trị sẽ rất tốn kém về thời gian, tiền bạc và còn để lại những di chứng lâu dài như giảm thị lực, ảnh hưởng đến hoạt động thần kinh của người bị ngộ độc.

Bởi khi vào cơ thể, loại rượu chứa cồn công nghiệp được chuyển hóa trở thành chất độc gây tổn thương đến tất cả cơ quan cơ thể, đặc biệt là mắt, não… Phải mất 12h hoặc thậm chí 1-2 ngày sau uống, nạn nhân mới có biểu hiện ngộ độc như mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, chậm chạp, hôn mê… khi đó thì tình trạng đã nặng nguy hiểm đến tính mạng.

Để kịp thời ngăn ngừa và khắc phục tình trạng ngô độc rượu, ngày 10/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 371/CĐ-TTg về việc khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu. Trên cơ sở đó, ngày 14/3/2017, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu.

Bên cạnh đó, nguồn cung cấp rượu ra thị tường hiện nay chủ yếu là: Rượu nhập từ nước ngoài, chính ngạch và đường biên mậu; Rượu của các doanh nghiệp sản xuất có đăng ký chất lượng và dán tem rượu nội địa; Rượu từ các cơ sở sản xuất, hộ gia đình, làng nghề, hợp tác xã…. Trong khi tại các khu vực nông thôn, một lượng lớn người dân tự sản xuất rượu theo kiểu truyền thống và không hề có đăng ký với cơ quan chức năng. Đây chính là “lỗ hổng” trong công tác quản lý thị trường rượu hiện nay.

BS. Nguyễn Trung Nguyên, đại diện Trung tâm chống độc - BV Bạch Mai đề xuất: “Nhất thiết phải đưa các loại rượu trắng (rượu quốc lủi, nút lá chuối…) vào kiểm soát”.

PGS. TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), phát biểu tại tọa đàm.

Siết chặt quản lý cồn công nghiệp

Sau hàng loạt vụ ngộ độc xảy ra trong thời gian gần đây, các cơ quan ban ngành đã nhanh chóng vào cuộc, thành lập các đoàn thanh tra nhanh chóng vào cuộc để hạn chế tình trạng này.

Theo ý kiến của đại diện Chi cục quản lý thị trường Hà Nội cho biết: “Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ ngộ độc, số lượng người ngộ độc ghi nhận ở Hà Nội khá lớn mà nguyên nhân chính là do rượu chứa methanol.

Ngay sau khi ghi nhận những ca ngộ độc rượu tại Hà Nội thì tính từ đầu tháng 3 tới nay, chúng tôi đã ra quân và thu giữ gần 80.000 lít rượu không rõ nguồn gốc, rượu có thành phần độc tố Methanol vượt ngưỡng cho phép về an toàn sức khỏe.

Cùng với đó, tôi đề xuất cơ quan chức năng quản lý chặt việc sản xuất kinh doanh cồn công nghiệp bởi đây chính là nguyên liệu đầu vào chủ yếu sản xuất rượu giả trên thị trường hiện nay”.

Đồng tình với quan điểm của đại diện Chi cục quản lý thị trường Hà Nội, bà Lê Việt Nga - Vụ Phó Vụ thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho biết: “Loại rượu không tem, nhãn mác bắt buộc các cơ quan chức năng phải tịch thu và một điều quan trọng là việc quản lý loại cồn phi thực phẩm (methanol - PV). Cần phải có những biện pháp để phân biệt loại cồn phi thực phẩm này, để người dân biết được tránh việc sử dụng chúng pha chế rượu”.

Bên cạnh đó, tại tọa đàm rất nhiều giải pháp được đưa ra cụ thể là việc quản lý sản xuất và kinh doanh rượu trong nước hiện nay mới chỉ phát huy tác dụng tới khâu sản xuất, khâu bán buôn, còn khâu bán lẻ vẫn còn “bỏ ngỏ”.

Đặc biệt, việc quản lý sản xuất và kinh doanh rượu tại các làng nghề, các hộ gia đình nhỏ lẻ khá khó khăn trong khi phần lớn các sản phẩm rượu chứa methanol vượt ngưỡng an toàn đều được sản xuất từ các cơ sở kiểu này.

Vì vậy tới đây, cơ quan quản lý cần có quy định hộ gia đình sản xuất rượu tại làng nghề phải đăng ký sản xuất với chính quyền, việc bán lẻ sản phẩm rượu cũng phải có đăng ký rõ ràng để quy trách nhiệm cụ thể khi có các vụ ngộ độc rượu xảy ra.

Đồng tình với các đề xuất này, Vụ trưởng Vụ công nghiệp nhẹ Bộ Công Thương - Phan Chí Dũng cho rằng quy trình cấp phép phải đơn giản hóa để các cơ sở kinh doanh dễ dàng đăng ký với chính quyền việc bán rượu có nguồn gốc, tem nhãn, thành phần rõ ràng thuận tiện, cấm bán rượu không có nguồn gốc.

Ngọc Nga

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/siet-chat-quan-ly-thi-truong-ruou-hien-nay-d38908.html