'Siết' quy chuẩn về hóa chất, hàng hóa chứa Phthalate, Cadimi và Amiăng bị cấm vào EU

Nếu muốn tránh rủi ro xuất hàng sang EU, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ từng hóa chất có trong sản phẩm của mình và nhận thức đầy đủ về quy định REACH.

Đó là cảnh báo của TS. Jan Nylund, chuyên gia hóa chất từ Công ty TNHH Chemetors (Phần Lan) đưa ra tại Hội thảo về các quy định pháp lý liên quan đến hóa chất đối với hàng hóa nhập khẩu vào EU tổ chức tại Hà Nội vào ngày 16/11.

Doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hóa sang EU phải vượt qua các quy định REACH.

Doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hóa sang EU phải vượt qua các quy định REACH.

Ông Jan Nylund cho hay, sản phẩm hàng hóa chứa chất Phthalate, Cadimi và Amiăng... đứng đầu về vi phạm quy định REACH của EU. Do đó, việc kiểm tra hóa chất đối với các hàng hóa vật phẩm nhập khẩu vào EU rất chặt chẽ, từ sản phẩm phức tạp như ô tô, đồ điện tử… đến miếng dán 3D đều phải qua quá trình kiểm tra rất kỹ càng.

Nếu muốn tránh rủi ro xuất hàng sang EU, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ từng hóa chất có trong sản phẩm của mình và nhận thức đầy đủ về quy định REACH. Không thực hiện đầy đủ quy định REACH, hàng hóa xuất sang EU sẽ bị từ chối thông quan, ông Nylund khuyến cáo.

Theo đánh giá của ông Jani Maatta, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chemetors, việc EU áp dụng quy định REACH đã tác động đến toàn bộ chuỗi cung ứng từ sản xuất, cung ứng đến nhập khẩu.

Kết quả kiểm tra hóa chất năm 2016 đối với 5.625 sản phẩm tại EU cho thấy, mức độ không tuân thủ chung quy định đăng ký, đánh giá, cấp phép và hạn chế sử dụng hóa chất (quy định REACH) chiếm 18%. Trong đó, sản phẩm đồ chơi chứa chất Phthalate đứng đầu bảng về vi phạm REACH (chiếm 19,7%), theo sau là hợp kim vảy hàn cứng có chất Cadimi (14,1%) và sản phẩm có Amiăng (13,6%).

Quy định REACH được công bố từ tháng 6/2007. Từ năm 2008, EU bắt đầu áp dụng REACH và yêu cầu các nhà sản xuất, nhập khẩu hàng hóa vật phẩm chứa hóa chất có hàm lượng trên 1.000 tấn/nhà sản xuất hay nhà nhập khẩu/năm phải khai báo và đăng ký thực hiện REACH. Đến năm 2013, mức này được EU hạ xuống còn trên 100 tấn/nhà sản xuất hay nhà nhập khẩu/năm.

Sang năm 2018, quy định REACH càng bị siết chặt khi EU yêu cầu nhà sản xuất và nhà nhập khẩu hàng hóa vào EU phải thông báo cho Cơ quan Hóa chất châu Âu (ECHA) nếu hóa chất trong hàng hóa đó nằm trong Danh mục hóa chất có mức độ quan ngại cao (SVHC), có hàm lượng từ 1 tấn/nhà sản xuất hay nhà nhập khẩu/năm và chiếm tỷ trọng 0,1% trọng lượng hàng hóa.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), quy định và thủ tục thực hiện REACH tác động trực tiếp tới các nhà sản xuất, xuất khẩu hóa chất và các sản phẩm như gỗ, sơn và dệt may…

Hiện còn nhiều doanh nghiệp chưa xác định được liệu sản phẩm của họ có được xuất vào EU không. Do đó, cần công bố rộng rãi các quy định pháp lý liên quan đến hóa chất đối với hàng nhập khẩu vào EU và thủ tục thực hiện quy định REACH, ông Phòng khuyến nghị.

REACH-viết tắt từ tên tiếng Anh: Registration, Evaluation, Authorisation and Restriction of Chemiscals là một quy định mới trong EU về hóa chất và sử dụng an toàn hóa chất, gồm các nội dung: Đăng ký (Registration), Đánh giá (Evaluation), Chứng nhận (Authorisation) và Hạn chế các chất hóa học (Restriction of Chemiscal substances).

Quy định REACH liên quan đến các hóa chất, hợp chất và các vật phẩm, được ban hành và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/6/2007 để thay thế cho 40 luật về hóa chất ở EU, được thực hiện trong nhiều giai đoạn, bắt đầu với hàng hóa trên 1.000 tấn/năm năm 2007 cho đến 1 tấn/năm từ ngày 31/5/2018. Tất cả các sản phẩm nhập khẩu vào EU như: Nội thất, hóa chất, nhuộm, in, vải sợi, may mặc, giày dép, đồ chơi, trang sức, đồ điện tử, mỹ phẩm... đều được xem là vật phẩm dưới quy định của REACH. Mục đích của quy định REACH là nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho con người và môi trường bằng cách áp dụng các phương pháp đánh giá độ nguy hại của các chất trong vật phẩm mà không ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa trong thị trường EU.

B. Anh

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/siet-quy-chuan-ve-hoa-chat-hang-hoa-chua-phthalate-cadimi-va-amiang-bi-cam-vao-eu-d151263.html