Siết quy trình đấu giá, ngăn chặn thao túng bất động sản

Sáng 28/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải , Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Một trong những nội dung được nhiều ý kiến đại biểu quan tâm là vấn đề đấu giá tải sản có giá trị lớn, khó định giá như: quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng rừng, cho thuê rừng… Việc đấu giá tài sản này rất khác biệt, có nhiều bất cập cần nghiên cứu bổ sung quy định chặt chẽ hơn.

Lấy ví dụ về vụ việc đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua, các đại biểu cho rằng có nhiều trường hợp khi đấu giá thì người đấu giá bỏ giá rất cao, vượt xa nhiều lần giá khởi điểm. Sau đó đơn phương không thực hiện mua tài sản đấu giá và sẵn sàng bỏ tiền cọc, dẫn đến gây xáo trộn tình trạng kinh tế xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động đấu giá của nhà nước.

Đại biểu Lê Tất Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Lê Tất Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc nêu ý kiến: “Tôi cho rằng có một lý do quan trọng là do số tiền đặt trước chưa đủ lớn để người đấu giá phải suy nghĩ, cân nhắc thiệt hại khi đấu giá và khi đơn phương hủy hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, vì trong những trường hợp này thì tiền cọc tối đa là 20% giá khởi điểm, hoàn toàn không phải là giá trị lớn so với giá bỏ thầu. Khi cần thì họ sẵn sàng bỏ tiền cọc.”

Đại biểu Phạm Đức Ẩn - ĐOàn ĐBQH tp Hà Nội

Còn đại biểu Phạm Đức Ẩn - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội cho rằng: "Về quy định liên quan đến đặt cọc, đại biểu cho rằng, cần nhìn nhận từ hai khía cạnh thấu đáo, trong đó cần sửa Điều 51 tránh tình trạng làm lũng đoạn về giá, gây khó khăn cho cả cơ quan định giá và người tham gia đấu giá.”

Đại biểu Trần Văn Khải cho biết trong thực tiễn đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, vấn đề vướng mắc nhất hiện nay cũng là lỗ hổng pháp lý lớn nhất trong việc xác định năng lực tài chính “vốn thực có” của người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất. Làm sao kiểm soát nguồn tài chính, “nguồn vốn” công khai, minh bạch và người tham gia đấu giá có đủ năng lực tài chính để tham gia đấu giá là vấn đề được đặt ra.

Đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

“Đây là câu chuyện không chỉ của Luật Đất đai mà còn là chuyện đầu cơ phức tạp. Họ có thể lợi dụng từ giai đoạn đấu giá, bị can thiệp bởi nguồn "vốn đen" chiếm dụng hay rửa tiền... dẫn đến tính khả thi của tài sản đấu giá chậm trễ, kéo dài, bị khai thác sử dụng theo ý đồ doanh nghiệp hay thế lực khác, kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội hay tác động đến an ninh xã hội như quyền sử dụng rừng, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng đất vàng, đất ven biển, đất tiếp giáp khu vực an ninh quốc phòng... trong khi doanh nghiệp thì bị thao túng bởi các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng nhiều hơn.”, đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam nói.

Một số ý kiến khác cho rằng nếu nâng tiền đặt trước lên quá cao sẽ giảm tính cạnh tranh và ít người tham gia đấu giá. Do đó, đề xuất người trúng đấu giá sau thời gian nhất định mà không nộp tiền và không chứng minh được lý do bất khả kháng thì bị phạt nộp thêm, bổ sung thêm chế tài xử phạt vi phạm hành chính. Mức phạt có thể bằng 30% đến 50% giá tại hợp đồng./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/siet-quy-trinh-dau-gia-ngan-chan-thao-tung-bds-205855.htm