Siết tăng tín dụng: Quốc doanh chặt, cổ phần linh động

NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay là 30%, nhưng đến cuối tháng 9, con số này đã là 28%. Liệu các NH sẽ xoay xở ra sao trong bối cảnh ngưỡng tăng trưởng tín dụng đã gần đụng trần?

Ngân hàng quốc doanh: cơ cấu lại nợ Một cán bộ của NHNN chi nhánh TPHCM cho biết mục tiêu tăng trưởng tín dụng 30% sẽ được áp dụng chặt chẽ cho các ngân hàng quốc doanh, kể cả Vietcombank và Vietinbank (là hai NH đã cổ phần hóa). Vì thế, các ngân hàng này đang phải xem xét, cơ cấu lại các khoản cho vay để đảm bảo đúng tỷ lệ tăng trướng tín dụng 30%. Giám đốc một chi nhánh của NH BIDV cho biết, chi nhánh của ông đã vượt quá chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được hội sở phân bổ nên đang phải rà soát lại toàn bộ các khoản đã cho vay để tìm cách ép mức tăng này xuống. Trong khi đó, ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT NH Vietinbank, cho biết NH ông từ đần tháng 9 đã bắt đầu cơ cấu lại các khoản cho vay để thực hiện đúng chủ trương và chỉ đạo của NHNN. "Các khoản vay dành cho sản xuất kinh doanh cùng với các dự án trọng điểm của Chính phủ và các địa phương sẽ được ưu tiên hàng đầu để tài trợ vốn. Đối với các dự án chưa thật sự cần thiết, NH sẽ bàn bạc lại với khách hàng để giãn kế hoạch giải ngân, nhưng cũng phải đảm bảo tốt nhất hiệu quả của dự án", ông Hùng nói. Ví dụ, một dự án đầu tư thường có nhiều hạng mục nên Vietinbank sẽ rà soát lại việc tài trợ cho các hạng mục đó nếu chưa quá cần thiết để đầu tư trong năm nay hoặc đầu năm 2010, Vietinbank sẽ làm việc với khách hàng để giãn tiến độ tài trợ vốn. Những dự án mới nhưng hiệu quả không cao cũng sẽ khó được NH ưu tiên tài trợ, ông Hùng cho biết. Đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng của Viettinbank đã vào khoảng 28% so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, để tài trợ vốn cho doanh nghiệp hoặc dự án, ngoài hình thức cho vay, các NH có nguồn vốn dồi dào có thể mua các loại trái phiếu doanh nghiệp hoặc trái phiếu công trình. NH cổ phần: tăng tín dụng không dễ Trong khi các NH quốc doanh và hai NH có vốn nhà nước chi phối là Vietcombank và Vietinbank đang tìm cách điều chỉnh tốc độ tăng trưởng tín dụng cho phù hợp với mục tiêu 30% trong năm nay thì các NHCP vẫn tiếp tục tìm kiếm khách hàng có nhu cầu về vốn. Đây không phải là điều dễ dàng đối với các NH nếu muốn có khách hàng vay vốn thỏa mãn các yêu cầu về quản lý rủi ro của NH cũng như đảm bảo việc trả nợ cho NH. Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng Hải, cho biết các NH hiện đang phải cạnh tranh rất quyết liệt để tìm đến những khách hàng có nhu cầu vay, đồng thời cũng đảm bảo được các yêu cầu của NH. Trong khi đó, giám đốc một chi nhánh thuộc loại lớn của một NH trong tốp đầu khối NHCP đang lo rằng "hết năm nay không biết có đạt được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà cấp trên đề ra không, vì chi nhánh không chỉ bị cạnh tranh bởi các NH khác mà còn bởi các chi nhánh khác trong cùng hệ thống NH". Về mục tiêu tăng trưởng tín dụng 30% trong năm nay, ông Tùng nói: "Cách đây vài tháng NHNN đã yêu cầu các NH phải báo cáo về kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong năm nay và phải dựa trên yếu tố là cân đối được thanh khoản của NH". Với yêu cầu này, ông Tùng cho rằng NHNN sẽ quản lý được việc tăng trưởng tín dụng của toàn ngành trong năm nay. Ngoài ra, theo một chuyên gia ngành ngân hàng, các khoản vay sản xuất kinh doanh sẽ đến hạn vào cuối năm, khi đó các NH sẽ thu hồi nợ, vì thế mức tăng trương tín dụng có thể sẽ dao động quanh định hướng 30% của NHNN. Thực ra, NHNN muốn kiểm soát việc tăng trưởng tín dụng không chỉ bằng "mức trần" 30% mà còn bằng cách là giữ nguyên lãi suất cơ bản. Trong khi lãi suất huy động tăng dần, mà lãi suất cơ bản không tăng, các NH nhất là NH nhỏ buộc phải đẩy mạnh cho vay tiêu dùng với lãi suất cao hơn để đảm bảo lợi nhuận, tuy nhiên cho vay tiêu dùng thì dư nợ không thể tăng nhiều vì mỗi khoản vay không lớn. Thêm vào đó, việc hạn chế lấy vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn cũng phần nào hạn chế tăng trưởng tín dụng của các NH. Trong khi tăng trường tín dụng đang bị hạn chế, các NH vẫn tiếp tục tăng lãi suất huy động nhằm thu hút tiền gửi. Câu hỏi tiền huy động vào để làm gì cũng chính là câu hỏi mà NHNN đặt ra, và cơ quan này hiện đang thanh tra các NH đẩy lãi suất lên cao gần mức trần 10,5%/năm để tìm câu trả lời. Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng tại thời điểm hiện nay việc tăng lãi suất huy động không phải hoàn toàn vì mục đích tín dụng. Trong thời gian tới, các NH buộc phải tăng vốn điều lệ theo quy định pháp luật nên cũng phải mở rộng quy mô hoạt động để đảm bảo lợi nhuận chia cho cổ đông. Vậy thì từ bây giờ, các NH đã phải mở rộng dần thị phần, cả về huy động lẫn cho vay, ông Tùng nói Và chỉ cần vài NH tăng lãi suất thì các NH khác cũng không thể ngồi yên, vì nếu không tăng theo sẽ bị mất nguồn, ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản của NH. Thêm một điều nữa, theo phản ánh của các NH, mặc dù lãi suất tăng mạnh nhưng cũng không phải dễ huy động được vốn trong thời điểm hiện nay. Theo NHNN, đến cuối quí III, huy động vốn của toàn ngành ước tăng 22,4% so với cuối năm 2008 trong khi tăng trưởng tín dụng là 28%. Thủy Triều Theo TBKTSG

Nguồn StoxPlus: http://stox.vn/stox/view_news_detail/39084/1/186/siet-tang-tin-dung-quoc-doanh-chat-co-phan-linh-dong.stox