Siết tiêu chuẩn chức danh GS, PGS: Có giỏi hơn?

Đánh giá chất lượng GS, PGS ngoài dựa trên mặt bằng kiến thức chung, phải dựa trên ứng dụng thực tế

Có giỏi hơn?

GS-TSKH Trần Duy Quý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á - Thái Bình Dương; Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, siết tiêu chuẩn, nâng cao yêu cầu xét tuyển đối với chức danh GS, PGS là cần thiết song phải gắn với thực hành.

Siết tiêu chuẩn GS, PGS. Ảnh minh họa

Theo vị GS, với quy định mới, các tiêu chuẩn được đẩy lên, nâng cao độ khó gần như gấp đôi so với các tiêu chuẩn cũ. Đặc biệt, yêu cầu về các bài báo đăng trên các tạp chí nước ngoài, đây là điểm mới rất khó khăn cho các ứng viên ứng tuyển vào các chức danh GS, PGS trong đợt tới đây. Với các yêu cầu trên, vị GS kỳ vọng, nếu thực hiện tốt, có thể chất lượng GS, PGS sẽ được nâng lên.

"Tôi chỉ lưu ý, các bài báo nước ngoài chỉ là một yếu tố, là một tiêu chí để đánh giá chất lượng các ứng viên GS, PGS. Không phủ nhận, Việt Nam đã có những GS, PGS tầm cỡ quốc tế, đạt được những giải thưởng danh giá, được cả thế giới công nhận.

Nhưng cũng không thể phủ nhận, có những GS, PGS có bài báo nước ngoài cũng chưa chắc đã là người giỏi, hoặc có thể anh chỉ giỏi về mặt lý thuyết nhưng chưa chắc đã giỏi trong thực hành.

Theo tôi, ngoài những bài báo quốc tế thì còn phải đánh giá dựa trên việc đưa các công trình nghiên cứu, ứng dụng các công trình nghiên cứu của mình vào môi trường thực hành tại Việt Nam thế nào mới là quan trọng. Việc này thiết thực hơn, khó hơn nhiều so với yêu cầu để có được một bài báo đăng trên tạp chí nước ngoài.

Vì thế, đừng vội cho rằng, có bài báo đăng trên tạp chí nước ngoài thì mình đã là người xuất sắc, là sẽ giỏi hơn, là có thể "vênh váo" với những người khác.

Tôi lấy ví dụ trong ngành nông nghiệp. Khi chọn ra được một giống lúa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đạt 1.200 USD, tôi biết, ngay ở nước ngoài nhiều GS, nhà khoa học cũng chưa làm được nhưng ở Việt Nam vẫn có những người không có chức danh GS, PGS mà thậm chí chỉ là một kỹ sư bình thường cũng đã làm được.

Về mặt học thuật, một người được đào tạo ở nước ngoài sẽ có tư duy sáng tạo hơn nhưng để áp dụng vào thực tiễn cần phải kết hợp nhiều yếu tố", GS-TSKH Trần Duy Quý chia sẻ quan điểm.

Tiếp tục lấy ví dụ, vị GS kể: "Ở Việt Nam trong lĩnh vực toán học, nếu nói về giải thưởng quốc tế thì không ai có thể vượt qua được GS Ngô Bảo Châu, tuy nhiên, nếu so sánh ở thời điểm thi vào trường THPT, chưa chắc GS Ngô Bảo Châu đã vượt qua được những bạn học cùng lớp".

Nói câu chuyện này, GS Trần Duy Quý cho rằng, việc so sánh, đánh giá mà chỉ dựa trên bằng cấp, chức danh là rất khập khiễng. Tất nhiên, không phủ nhận một người đã được quốc tế công nhận thì đều là những người có tài năng, trí tuệ vượt bậc. Song thực tế phải thừa nhận, chúng ta có rất ít những người tài giỏi toàn diện, mỗi người chỉ có một thế mạnh, chỉ cần phát huy tốt thế mạnh của mình đã là thành công lớn rồi.

"Ở ngày hội thơ Lục bát Việt Nam lần thứ 10 vừa tổ chức, ai cũng bất ngờ vì giải “Lục bát Kim Cương” lại được trao cho 2 tác giả, trong đó có một tác giả người Nam Định, chỉ là một người chân chất, bình thường, không tiếng tăm gì.

Nhưng với hai bài thơ, ông đã làm nghiêng ngả và buộc BTC phải công nhận tác phẩm của mình. Trong khi đó, cả nước có bao nhiêu nhà thơ nổi tiếng, bao nhiêu người có giải thưởng quốc tế nhưng vẫn không được giải.

Ý tôi muốn nhấn mạnh là ngoài các giải thưởng về mặt hình thức thì phải đi vào thực chất. Ví dụ, đối với các bài báo quốc tế thì các ứng viên GS, PGS của Việt Nam đóng góp gì, đóng vai trò gì trong bài báo đó? Điều này cũng phải được nhìn nhận rất khách quan, trung thực.

Tôi được biết, tham gia vào các công trình nghiên cứu khoa học thường thực hiện theo nhóm, có những người chỉ cần ghi tên mình vào công trình nghiên cứu đó và nghiễm nhiên được hưởng lợi.

Vì vậy, đánh giá chất lượng GS, PGS ngoài dựa trên mặt bằng kiến thức chung, tiêu chuẩn chung còn phải dựa trên những đánh giá mang tính tập thể, dựa trên ứng dụng thực tế thì mới được", GS Trần Duy Quý nói rõ.

Siết tiêu chuẩn GS, PGS: 'Bôi mỡ lên người cho kiến cắn'?

Phải đưa vào quy chuẩn

Cùng với việc đưa ra các tiêu chuẩn để xét phong danh hiệu chức danh GS, PGS, GS Quý cho rằng phải gắn với công tác giảng dạy, nghiên cứu và nên để các trường tự bổ nhiệm.

GS Trần Duy Quý cho rằng, để chức danh GS, PGS thật sự là một chức danh cao quý được cả xã hội tôn vinh, thừa nhận thì bắt buộc phải đưa vào quy chuẩn, đặc biệt là các quy chuẩn về phần cứng.

Về phần cứng, vị GS cho biết phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định chung. Ví dụ, từ chức danh PGS muốn ứng tuyển lên chức danh GS thì bắt buộc phải có từ 3 - 6 năm giảng dạy, nghiên cứu. Hướng dẫn ít nhất được 2 tiến sĩ làm bảo vệ; có giáo trình dạy tại các trường đại học, sau đại học; có số điểm bài báo đăng ít nhất phải đạt từ 20 điểm cộng lại, có ít nhất từ 3-5 bài báo quốc tế...

Ngoài ra, yêu cầu giám sát chất lượng các tiêu chuẩn cũng như năng lực Hội đồng xét duyệt cũng rất quan trọng.

"Tôi nhớ ngày xưa, nhiều vị tiền nhân chỉ là cử nhân, Thám hoa nhưng học trò của họ đều là những người xuất sắc, là GS, nhà khoa học nổi tiếng.

Dù chưa thể khẳng định với những thay đổi trên sẽ bảo đảm tất cả GS, PGS đều có chất lượng cao nhưng tôi có lòng tin với giới trẻ hiện nay. Tôi tin còn có nhiều người tài và chúng ta sẽ tuyển chọn, xét phong được những ứng viên xứng đáng", GS Trần Duy Quý kết luận.

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/siet-tieu-chuan-chuc-danh-gs-pgs-co-gioi-hon-3365701/