Siết tiêu chuẩn GS, PGS: 'Bôi mỡ lên người cho kiến cắn'?

Tôi không hoàn toàn kỳ vọng, chỉ dựa vào một bài báo quốc tế thì sẽ chứng minh được người sau sẽ giỏi hơn người trước...

Học đòi làm sang?

PGS.TSKH. Nguyễn Viết Vượng Ủy viên Đoàn chủ tịch, chuyên gia cao cấp Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; Nguyên Hiệu trưởng - Trường Đại học Công đoàn đồng tình cao với yêu cầu phải siết chặt các tiêu chuẩn trong xét tuyển chức danh GS, PGS.

Cùng với việc nâng cao lên các tiêu chuẩn xét tuyển, vị PGS còn cho rằng phải siết cả cơ chế giám sát cũng như nâng cao yêu cầu đối với Hội đồng xét tuyển chức danh GS, PGS trong nước.

Làm sao để nâng cao chất lượng đào tạo GS, PGS? Ảnh minh họa

Đi vào phân tích cụ thể, PGS.TSKH. Nguyễn Viết Vượng chỉ rõ từng điểm.

Thứ nhất về tiêu chuẩn xét, phong chức danh GS, PGS, theo quy định mới vừa được ban hành, tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) ngoài những tiêu chuẩn cơ bản như: không vi phạm đạo đức, pháp luật, trung thực trong đào tạo, nghiên cứu, bảo đảm đủ số giờ giảng theo quy định, sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ, có đủ số điểm công trình khoa học quy đổi tối thiểu theo quy định...

Riêng đối với tiêu chuẩn GS, ngoài việc phải đáp ứng các yêu cầu trên, thì bắt buộc các ứng viên phải có bài báo đăng trong các tạp chí quốc tế có uy tín cùng nhiều tiêu chuẩn khác.

Về điểm này, PGS.TSKH. Nguyễn Viết Vượng bày tỏ nhiều băn khoăn.

Ông cho rằng: "Siết tiêu chuẩn xét, phong chức danh GS, PGS là cần thiết, tuy nhiên, đặt yêu cầu phải có bài báo đăng trong các tạp chí quốc tế có uy tín là chưa phù hợp với điều kiện thực tế.

Trên thực tế, số người có chức danh GS, PGS hiện tại có được các bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín rất hạn chế. Hơn nữa, bản thân nhiều GS, PGS Việt Nam cũng chưa tiếp cận được, thậm chí còn chưa nghe tên, chưa thuộc tên các tạp chí nổi tiếng được thế giới công nhận để mà đăng bài.

Vì thế, đặt ra tiêu chuẩn phải có bài đăng trên các tạp chí thế giới nếu không cẩn thận sẽ khiến các GS, PGS xem nhẹ nhiều tiêu chuẩn khác để tập trung lao theo tiêu chuẩn này.

Ai dám bảo đảm sẽ không có một cuộc chạy đua cố nặn cho ra một bài báo để được đăng trên một tạp chí thế giới? Liệu có câu chuyện phải mất hàng tỷ, thậm chí vài tỷ để cho ra được một bài báo đăng trên tạp chí quốc tế hay không? Ai là người có đủ trình độ kiểm soát, giám sát bài báo trên? Rất khó.

Tôi cho rằng, trước mắt nên tập trung thực hiện thật tốt các yêu cầu hiện tại,
siết chặt chất lượng giảng dạy, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học thiết thực, phù hợp với điều kiện ứng dụng của Việt Nam.

Nếu việc giảng dạy, nghiên cứu trong nước còn chưa làm tốt mà đã đặt ra các tiêu chuẩn quốc tế sẽ khó tránh khỏi một cuộc chạy đua hình thức, học đòi làm sang chứ chưa chắc đã phù hợp với điều kiện giảng dạy của Việt Nam", PGS.TSKH. Nguyễn Viết Vượng nêu quan điểm.

Với lập luận như trên, vị PGS.TSKH. Nguyễn Viết Vượng cho rằng, nếu chỉ lấy tiêu chí về bài báo đăng trên tạp chí quốc tế đề đánh giá chất lượng GS, PGS là chưa ổn.

"Khó có thể khẳng định, GS, PGS có bài báo đăng trên tạp chí quốc tế là những người sẽ giỏi hơn những người không có bài báo đăng trên các tạp chí đó. Tôi không hoàn toàn kỳ vọng, chỉ dựa vào một bài báo quốc tế thì sẽ chứng minh được người sau sẽ giỏi hơn người trước...

Đã có hiện tượng đi xin giờ giảng, ăn cắp đề tài nghiên cứu, sao chép tài liệu giảng của người khác, giảng bài chưa tốt đã viết giáo trình... thì dư luận hoàn toàn cũng có thể đặt câu hỏi tương tự với những bài báo quốc tế này.

Vì vậy một lần nữa tôi nhấn mạnh phải thực hiện cho tốt các tiêu chuẩn đã có, siết chặt giờ giảng, nâng cao chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ... chỉ cần làm được như vậy đã là tốt lắm rồi", vị PGS thẳng thắn.

Danh vị phải thực chất

Vấn đề thứ hai, PGS.TSKH. Nguyễn Viết Vượng cho rằng cùng với việc siết chặt các tiêu chuẩn trong thực hiện xét phong chức danh GS, PGS thì cần nâng cao việc giám sát chất lượng các công trình nghiên cứu, giảng dạy của những người làm hồ sơ ứng tuyển GS, PGS.

"Tôi nghe người ta nói nhiều, muốn làm PGS thì mất bao nhiêu, còn GS thì phải tăng thêm bao nhiêu tiền, việc này phải làm rõ đi xem có hay không? Nếu đúng như vậy thì làm sao bảo đảm được về chất lượng giảng dạy cũng như chất lượng các công trình nghiên cứu?", vị PGS đặt vấn đề.

Siết tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư

Vấn đề thứ ba liên quan tới Hội đồng xét phong GS, PGS, PGS.TSKH. Nguyễn Viết Vượng cũng cho rằng cần phải giám sát chặt chẽ, nâng cao yêu cầu đối với những người tham gia Hội đồng xét tuyển.

Vị PGS cho rằng, hiện nay chưa có một cuộc thanh tra, giám sát nào được thực hiện đối với những Hội đồng xét phong chức danh GS, PGS, trong khi, đây là nguyên nhân dẫn tới những nghi ngại “có tiêu cực” trong việc xét duyệt 1.226 GS, PGS năm 2017.

"Nếu còn những Hội đồng xét phong chỉ vì quan hệ, vì phong bì thì rất khó. Khi tôi làm hồ sơ xét phong chức danh GS, tôi cũng gặp phải khó khăn tương tự, tuy nhiên, một người bạn tôi đã nói: "không nên bôi mỡ lên người cho kiến cắn", ý bảo tôi là một người đàng hoàng, có trình độ, không cần phải luồn cúi ai chỉ vì muốn có được cái danh.

Vì câu nói này, tôi không theo đuổi chức danh GS nữa. Quan điểm của tôi là, danh phải gắn với thực chất, phải có trình độ, năng lực thực sự. Chỉ cần có năng lực, thì dù không có chức danh GS những đóng góp của mình vẫn sẽ được xã hội ghi nhận", PGS.TSKH. Nguyễn Viết Vượng kể lại.

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/siet-tieu-chuan-gs-pgs-boi-mo-len-nguoi-cho-kien-can-3365715/