Siêu bão Mangkhut: Sáng mai (15/9) vào Biển Đông, 'uy hiếp' Quảng Ninh

Hiện nay trên thế giới đang có 9 cơn bão đang hoạt động cùng lúc, trong đó cơn bão Mangkhut là mạnh nhất.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão Mangkhut đang hướng vào biển Đông, chiều 14/9 tại Trụ sở Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai (Ban chỉ đạo), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành trung ương và 27 tỉnh, thanh phố để bàn giải pháp chủ động ứng phó.

“Siêu bão” đổ bộ vào thời điểm “nhạy cảm”

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo, hiện nay trên thế giới có 9 cơn bão đang hoạt động cùng lúc. Trong đó, bão Mangkhut là mạnh nhất.

“Với cấp gió hiện tại, bão Mangkhut đạt cấp 5 - cấp lớn nhất trong thang bảng Quốc tế - mạnh hơn cơn bão Harvy đã đổ bộ vào nước Mỹ năm 2017 (cấp 4)”, Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Hiện tại, “siêu bão” MangKhut với cường độ cấp 17 đang hoạt động ở vùng biển phía Đông Philippines và bắt đầu ảnh hưởng đến Ludong; dự báo sẽ đi vào Đông Bắc biển Đông trong sáng ngày 15/9 với sức gió cấp 14-15, giật cấp 17; có khả năng rất cao ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta vào ngày 17/9 (Thứ Hai).

“Hoàn lưu của cơn bão (gió mạnh cấp 6 trở lên) có bán kính rất rộng, 400-500 km tính từ tâm bão, hiếm có từ trước tới nay”, ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nói.

Với những diễn biến này, vùng bị ảnh hưởng trực tiếp là 27 tỉnh, thành phố từ khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa. Trong đó, Quảng Ninh được xác định là trọng điểm.

Thời điểm bão đổ bộ là khi lúa vụ hè thu đang ở trong giai đoạn trổ bông và chuẩn bị thu hoạch.

Đặc biệt, hệ thống đê điều, hồ chứa thủy lợi có nhiều trọng điểm, xung yếu; các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Hồng và hầu hết hồ chứa khác ở Bắc Bộ đến Nghệ An đã đầy nước.

“Như vậy khả năng rất lớn có thể xảy ra lũ lớn trên hệ thống các sông lớn khu vực phía Bắc; cùng với đó là cảnh báo lũ quét, sạt lở đất”, ông Cường nhận định.

Cần chủ động, tập trung chỉ đạo quyết liệt

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhắc lại những hậu quả mà cơn bão Damrey (có cường độ và diễn biến tương đương) đã đổ bộ vào Bắc Bộ cuối tháng 9 năm 2005, gây nước dâng cao từ 3,5-4,5m, thiệt hại hết sức nghiêm trọng đối với hệ thống đê biển, các công trình và hoạt động phát triển kinh tế xã hội ở ven biển, cũng như lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ) và khẳng định: “Đây là cơn bão rất mạnh, dự báo đổ bộ vào khu vực đông dân cư, có rất nhiều tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, nhiều hoạt động du lịch, có rất nhiều lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, nhiều cơ sở kinh tế hết sức quan trọng, nhiều công trình, dự án lớn đang thi công.

Vì vậy, cần có sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, chủ động triển khai sớm các phương án ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước”.

Phó Thủ tướng yêu cầu chủ động xây dựng ngay phương án ứng phó, kiểm tra lại lực lượng, vật tư, phương tiện, phương án … để đảm bảo ứng phó hiệu quả nhất.

Đặc biệt, thông báo tin bão thường xuyên trên phương tiện thông tin đại chúng và các hệ thống thông tin chuyên dùng thường xuyên cập nhật, công bố vùng nguy hiểm trên biển để tàu thuyền, phương tiện vận tải không đi vào và chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, tuyệt đối không để tàu thuyền ra khơi đi vào vùng nguy hiểm. Đồng thời, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại các khu vực neo đậu, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi vào tránh trú.

Đối với khu vực trên đất liền, Phó Thủ tướng yêu cầu chủ động rà soát các khu vực nguy hiểm, các công trình không bảo đảm an toàn để chủ động xây dựng phương án sẵn sàng sơ tán dân khẩn cấp khi bão đổ bộ vào. Riêng đối với các địa phương dự báo có mưa lớn cần quan tâm triển khai các giải pháp như chống ngập úng vùng trũng thấp, ngập úng đô thị; lũ trên các tuyến sông, đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập.

Đối với các tỉnh miền núi, Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, thông báo cho người dân để chủ động phòng tránh và kiên quyết sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

“Đây là cơn bão đặc biệt nguy hiểm, do đó Các Bộ, ngành trung ương, chính quyền các cấp phải chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để chỉ đạo, ứng phó kịp thời. Các Ban chỉ đạo, các Bộ, ngành, địa phương nhanh chóng thành lập các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc”, Phó Thủ tướng nói.

Hoài Vũ

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/sieu-bao-mangkhut-sang-mai-159-vao-bien-dong-uy-hiep-quang-ninh-d271870.html