Siêu bão san phẳng rừng nguyên liệu, người trồng trắng tay

Là tâm của bão số 10 nên người dân miền núi ở Hà Tĩnh và Quảng Bình bao năm nay sống chỉ dựa vào trồng rừng nguyên liệu đang 'khóc ròng' vì phút chốc lâm cảnh nợ nần, trắng tay.

Ông Nam ở xã Kỳ Hợp, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cay đắng trước rừng keo bị bão quật ngã. Ảnh: TT

Khóc vì trắng tay

Tại Hà Tĩnh, huyện Kỳ Anh là địa phương có diện tích cây lâm nghiệp bị đổ gãy do bão số 10 lớn nhất. Đi đến đâu cũng thấy keo, gió trầm đổ gãy tan tác. Chị Đào Thị Mỹ (ở thôn Minh Châu, xã Kỳ Hợp) ứa nước mắt, nói: “Vợ chồng chúng tôi cùng 3 đứa con lâu nay đang ở căn nhà nhỏ chật chội. Đang tính sắp tới bán 2ha rừng keo gần đến tuổi thu hoạch để có tiền làm nhà mới. Rứa mà phút chốc bão vào không chỉ thổi bay ngôi nhà cũ, mà còn quật gãy gần như toàn bộ 2ha rừng keo. Giờ thì chúng tôi nhà hỏng, rừng cũng chẳng còn. Trắng tay cả rồi....”.

Thiệt hại có lẽ lớn nhất xã Kỳ Hợp là gia đình ông Nguyễn Đăng Nam (thôn Minh Châu) khi có đến hơn 10ha rừng keo, 8ha dó bầu bị đổ gãy do bão. Ông Nam nghẹn ngào: “Rứa là ít nhất cũng mất 3 tỉ bạc rồi. Thử hỏi phút chốc mất bạc tỉ như rứa, ai không đau đớn”. Không chỉ xã Kỳ Hợp, tại xã Kỳ Thượng của huyện Kỳ Anh, người dân cũng bị thiệt hại nặng nề khi rừng keo đổ gãy hàng loạt. Nhìn đồi keo đổ gãy la liệt, anh Nguyễn Văn Hậu ứa nước mắt, than thở: “Hàng trăm triệu đồng tiêu tan trong mấy tiếng đồng hồ rồi. Biết bão vào sẽ thiệt hại, nhưng thật không nghĩ nó tàn phá nặng nề đến mức này”.

Ông Phan Văn Duẩn - Chủ tịch UBND xã Kỳ Hợp - nói: “Người dân Kỳ Hợp chủ yếu dựa vào kinh tế rừng. Toàn xã có 830ha rừng sản xuất, bão số 10 làm đổ gãy gần như toàn bộ diện tích rừng trồng keo, dó trầm của người dân. Hiện cuộc sống của họ rất khó khăn”.

Tại Quảng Bình, huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa cũng thiệt hại rất lớn về rừng nguyên liệu. Ông Nguyễn Đức Sự (trú thôn Tân Tiến, xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa) buồn bã dẫn chúng tôi vào vườn cây keo lai vừa bị bão phá tan. Ông nói mà như khóc: “Vậy là bao hy vọng đổi đời của gia đình chừ chỉ còn là đống củi khô thôi, gia đình lo chạy vạy vay mượn hơn 600 triệu đồng để đầu tư, chừ chuẩn bị thu hoạch thì bão phá nát hết. Mấy ngày ni, gia đình chỉ biết ôm nhau mà khóc”.

Ngoài ông Sự, hơn 100 hộ dân thôn Tân Tiến đều khóc vì mất rừng, lâm cảnh trắng tay sau bão. Ở vùng cao và biệt lập này, rừng là cứu cánh, là nguồn sống nuôi họ. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, nghề trồng rừng kinh tế được người dân Quảng Bình tham gia rất tích cực. Có nhiều người vay vốn đầu tư trồng rừng với diện tích hàng chục hécta và thực tế đã mang lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân ở các vùng đồi núi. Thế nhưng, cơn bão vừa qua đã cuốn đi bao nỗ lực, vốn liếng và hy vọng của người dân nghèo nơi đây.

Ông Mai Xuân Tuyên - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Cao Quảng - xót xa cho biết, toàn xã có gần 1.500ha rừng kinh tế thì có tới 1.300ha gãy đổ, thiệt hại sơ bộ đã gần 60 tỉ đồng. Điều đáng nói, số cây bị gãy đổ hiện rất khó để bán. “Không khéo hàng nghìn khối gỗ keo bị gãy đổ này phải làm củi, ai đun cho hết đây” - ông Tuyên chua chát.

Khẩn trương vớt vát

Tỉnh Hà Tĩnh ngày 20.9 đã có văn bản nêu rõ, do ảnh hưởng của bão số 10, Hà Tĩnh có trên 11.000ha cây lâm nghiệp bị đổ gãy, thiệt hại trên 70%. Trong đó, có hơn một nửa diện tích là của hộ gia đình. Do vậy, nhằm chung tay giúp người dân trồng cây lâm nghiệp giảm bớt thiệt hại, UBND tỉnh đề nghị các doanh nghiệp thu mua, chế biến lâm sản huy động các nguồn lực để tổ chức thu mua với số lượng lớn nhất có thể từ rừng trồng đổ gãy do bão cho người dân với giá cả hợp lý nhất. Giao Sở Công Thương thông tin đến các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh; thường xuyên theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình thu mua.

Chiều 21.9, ông Hoàng Văn Quảng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh - cho biết, hiện đã có Cty TNHH Thanh Thanh Đạt hoạt động trong lĩnh vực chế biến lâm sản đã đăng ký thu mua toàn bộ cây lâm nghiệp đổ gãy do bão của người dân Hà Tĩnh với giá thị trường như trước khi bão số 10 đổ bộ. Ông Quảng cũng cho rằng, sau bão liên tục nắng to, mà diện tích rừng trồng đổ hàng loạt không thu hoạch kịp đã bị khô, không bóc vỏ kịp để bán nên người dân thiệt hại sẽ rất lớn. Do đó, mong rằng hộ dân có thiệt hại, tập trung thuê người thu hoạch nhanh nhất có thể để giảm bớt thiệt hại.

Nêu giải pháp trước mắt, ông Lê Nam Giang - Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) - cho rằng, người dân trồng rừng nguyên liệu đã bị thiệt hại rất nặng nề, cần được quan tâm, hỗ trợ về đời sống, đồng thời hỗ trợ cây giống để trồng lại rừng trên diện tích hư hại. Về sinh kế lâu dài, huyện chủ trương chuyển sang trồng các cây gỗ lớn để giảm bớt thiệt hại do bão nhưng chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Lý do, người dân Tuyên Hóa đa số là hộ nghèo nên đầu tư lâu dài mới cho thu nhập là điều rất khó.

TRẦN TUẤN - PHI LONG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/sieu-bao-san-phang-rung-nguyen-lieu-nguoi-trong-trang-tay-566204.ldo