Siêu nhà ga T5 – Tham vọng trung tâm hàng không của Singapore

Trong bối cảnh ngành du lịch Singapore hồi sinh mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, việc tiếp tục triển khai dự án siêu nhà ga T5 thuộc Sân bay quốc tế Changi vốn bị hoãn trong 2 năm qua, được nước này coi là mục tiêu cấp thiết.

Siêu nhà ga T5 của Sân bay quốc tế Changi dự kiến đón 50 triệu hành khách mỗi năm. Ảnh: Changi Airport Group

Theo CNA, trong bài phát biểu kỷ niệm ngày Quốc khánh Singapore 9/8, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh rằng, việc tiếp tục triển khai dự án Nhà ga số 5 (T5) của Sân bay quốc tế Changi là một phần không thể thiếu trong kế hoạch phát triển dài hạn của Singapore đối với lĩnh vực hàng không.

Siêu nhà ga T5 là công trình cần thiết cho tương lai của ngành hàng không Singapore, dự kiến khi đưa vào hoạt động sẽ đón 50 triệu hành khách mỗi năm - nhiều hơn cả lượng khách của nhà ga T1 và T3 cộng lại.

Dự án siêu nhà ga T5 thuộc Sân bay quốc tế Changi. Ảnh: Changi Airport Group

Theo Hiệp hội các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương (AAPA), lượng hành khách trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) này đã tăng hơn 2,5 lần trong quý đầu tiên của năm 2022, so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia châu Á đang ở giai đoạn mở cửa lại biên giới, do đó, sự phục hồi của lĩnh vực hàng không khu vực này được đánh giá là chậm hơn so với các khu vực khác trên thế giới. Năng lực bay ở Đông Nam Á chỉ đạt mức 66% so với trước Covid-19, so với 88% ở châu Âu và 90% ở Bắc Mỹ.

Trung Quốc – vốn đóng góp phần lớn vào ngành du lịch trong khu vực Đông Nam Á - vẫn tuân thủ chính sách “Zero Covid” và hạn chế dòng người xuất nhập cảnh vào nước này. Quốc gia này đã mở cửa trở lại chậm hơn so với Ấn Độ, Indonesia và Philippines.

Bất chấp việc công dân Trung Quốc từng chiếm 1/3 trong tổng số khách du lịch, nhiều quốc gia Đông Nam Á đang tiếp tục thúc đẩy sự phục hồi sau đại dịch. Tại Philippines, tỷ lệ đặt chỗ cho hành khách hồi tháng 1 năm nay đã tăng 20% so với mức trước đại dịch 2019 và tăng 40% vào tháng 6. Singapore cũng không ghi nhận đà giảm tốc về du lịch.

Tham vọng của người Singapore

Trong suốt 2 năm đại dịch Covid-19, việc xây dựng nhà ga T5 đã bị giới chức Singapore tạm hoãn. Tuy nhiên, từ tháng 5 năm nay, Singapore đã nối lại dự án này và được các chuyên gia đánh giá là quyết định “kịp thời”.

Sự phát triển của siêu nhà ga T5 - Sân bay quốc tế Changi chính là chìa khóa đảm bảo rằng Singapore sẽ đạt được mục tiêu trở thành một trung tâm hàng không trong khu vực. “T5 sẽ cho thế giới thấy Singapore là một nơi như thế nào”, Thủ tướng Lý Hiển Long nói.

Quốc gia này đã chứng kiến sự gia tăng các chuyến bay đến cao nhất ở Đông Nam Á và đang có thêm lợi thế dẫn đầu khi mở rộng quy mô Sân bay quốc tế Changi.

Ngành du lịch Singapore phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Ảnh: Southeast Asia Infrastructure

Kể từ khi loại bỏ quy định xét nghiệm Covid-19 trước khi đi du lịch vào tháng 4, lượng đặt tour tại Singapore đã tăng lên. Một hãng tour du lịch địa phương cho biết, ước tính chi tiêu cho các chuyến du lịch đã tăng từ 1.400 USD/người lên 2.800 – 4.300 USD/người. Điều này có thể là do mọi người muốn tăng thời gian du lịch, từ 3 đến 4 ngày, hoặc lâu nhất là 10 ngày.

Mặc dù dự án siêu nhà ga T5 còn một chặng đường dài trong tương lai, nhưng sự phát triển của du lịch nội địa đang phản ánh vị trí chiến lược của Singapore. T5 được kỳ vọng sẽ kết nối đến các điểm đến ở Đông Nam Á và xa hơn ở châu Âu, châu Mỹ và châu Phi.

Được đề xuất từ gần một thập kỷ trước (năm 2013), T5 là một phần trong chiến lược dài hạn của Singapore nhằm củng cố vị thế là một trung tâm hàng không toàn cầu.

Bắt kịp xu hướng hàng không sau đại dịch

Đại dịch Covid-19 đã nhấn mạnh sự cần thiết nâng cấp hoạt động của Sân bay Changi để hoạt động linh hoạt và an toàn hơn.

Do đó, siêu nhà ga sẽ được thiết kế một cách linh hoạt để hoạt động như một nhà ga phụ, có khu vực để kiểm tra, xét nghiệm và cách ly những hành khách có nguy cơ cao về dịch bệnh một cách nhanh chóng, hiệu quả và giảm lây nhiễm chéo.

Một xu hướng hàng không dài hạn khác mà Sân bay Changi kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng là tính bền vững. Hiện nay, nhu cầu về việc đi lại và lưu trú thân thiện với môi trường với các hoạt động tập trung vào thể chất và tinh thần ngày càng được chú trọng.

T5 sẽ được vận hành bằng năng lượng mặt trời, cùng với đó là hệ thống quản lý tòa nhà thông minh và làm mát khu vực kết hợp lưu trữ năng lượng nhiệt. Nhà ga này cũng sẽ hỗ trợ việc sử dụng nhiên liệu máy bay sạch hơn, như nhiên liệu hàng không bền vững.

Giải pháp cho bài toán tăng trưởng du lịch quốc tế

Việc Singapore thiếu thị trường hàng không nội địa khiến quốc gia Đông Nam Á này gặp bất lợi so với các sân bay khác trên toàn thế giới. Do vậy, bằng cách tiếp tục xây dựng dự án T5, Singapore đang định vị mình để bắt kịp tốc độ tăng trưởng du lịch quốc tế.

Phát triển dự án siêu nhà ga T5 là mục tiêu chiến lược của Singapore. Ảnh: CAPA

Trong khi Hiệp hội Du lịch Châu Á - Thái Bình Dương (PATA) dự báo rằng, du khách quốc tế đến khu vực này sẽ chỉ đạt mức trước Covid-19 vào năm 2024, thì năng lực các chuyến bay quốc tế đã tăng gần gấp đôi kể từ đầu năm 2022.

Trong tháng 6, các hãng hàng không APAC đã vận chuyển tổng cộng 9 triệu hành khách quốc tế, dù chỉ bằng 28,3% so với tháng 6/2019 nhưng đã tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lưu lượng hành khách tại sân bay Changi đạt mức 55% so với trước đại dịch – đây là một sự phục hồi nhanh hơn dự kiến.

Con số này được dự báo sẽ tăng đáng kể, khi Singapore sẽ là quốc gia tổ chức nhiều hội nghị và triển lãm hơn vào quý II/2022 và giải đua xe F1 vào tháng 10. Tập đoàn sân bay Changi cũng đang tuyển dụng cho 250 vị trí việc làm vào cuối năm 2022, trong khi hàng hàng không Singapore Airlines đang tuyển thêm tiếp viên để đáp ứng sự gia tăng của các chuyến bay.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/sieu-nha-ga-t5-tham-vong-trung-tam-hang-khong-cua-singapore-post10538.html