Siêu tàu sân bay Storm: Bầy sói Kalibr cần hơn 'Bão táp'

Siêu tàu sân bay Storm với lượng giãn nước hơn 100.000 tấn sẽ hoàn toàn lạc lõng giữa 'bầy sói nhỏ' dưới 4000 tấn mang tên lửa Kalibr của Nga.

Khái lược mô hình tàu sân bay tương lai của Nga

Hồi tháng 2/2018, một chuyên gia Nga đã tiết lộ về thông số kỹ thuật vô cùng hoành tráng, hơn cả các hàng không mẫu hạm Mỹ, của tàu sân bay mới Storm sẽ được phát triển của Hải quân nước này và dự kiến nó sẽ được biên chế cho hạm đội Biển Bắc hoặc Hạm đội Thái Bình Dương.

Chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov đã tiết lộ một số bí mật về con tàu này. Theo vị Giám đốc thương mại của tạp chí "Kho Vũ khí Tổ quốc", dự án này có mã số 23.000 (Project 23.000), và chiếc tàu sân bay mới được định danh là "Storm" (Bão táp).

Theo chuyên gia Alexei Leonko, đây là một hàng không mẫu hạm lớn, chiều dài của con tàu mới sẽ là 330 mét (dài hơn "Đô đốc Kuznetsov" khoảng 60 mét), chiều rộng 40 mét, với lượng giãn nước khoảng 105 đến 115 nghìn tấn, với khả năng mang tải máy bay vượt trội.

Theo thiết kế sơ bộ, tàu có thể mang theo tới 90 máy bay và trực thăng, cũng như máy bay tác chiến điện tử, máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm trên không.

Như vậy, hàng không mẫu hạm Storm sẽ có kích thước và khả năng chuyên chở vượt trội so với tàu sân bay "Đô đốc Kuznetsov" mà hải quân Nga hiện đang được biên chế; đồng thời nhỉnh hơn một chút so với các hàng không mẫu hạm lớp Nimitz của hải quân Mỹ.

Tàu sân bay mới có thể sẽ được lắp đặt động cơ hạt nhân, cho phép nó có khả năng hành trình ‘vô hạn’ trên biển và trong thiết kế còn trù tính đến việc trang bị khả năng tự phá băng.

Hệ thống phóng máy bay trang bị trên con tàu mới sẽ bao gồm cả đường băng kiểu cầu bật giống như trên tàu "Đô đốc Kuznetsov" và một mặt boong phẳng, sử dụng máy phóng, để gia tăng số lượng máy bay cất cánh trong cùng một thời điểm. Boong tàu sân bay mới sẽ rộng hơn hai lần so với hàng không mẫu hạm duy nhất trong Hải quân Nga là "Đô đốc Kuznetsov".

Theo tiết lộ trên, việc phát triển tàu sân bay thế hệ mới được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Nhà nước Krylov (KGNC) trong khuôn khổ chương trình vũ khí mới của nhà nước, được lên kế hoạch từ năm 2018 đến năm 2025.

Một ngày nào đó, Nga cũng sẽ đóng một tàu sân bay thế hệ mới nhưng không phải bây giờ

Một ngày nào đó, Nga cũng sẽ đóng một tàu sân bay thế hệ mới nhưng không phải bây giờ

Đáng chú ý là Trung tâm Nghiên cứu Nhà nước Krylov chính là cha đẻ của thiết kế tàu đổ bộ chở trực thăng (LHD) thế hệ mới của Nga là Priboy và Lavina, được triển khai sau khi thương vụ mua sắm tàu đổ bộ trực thăng Mistral của Pháp bị đổ bể.

Tuy nhiên, mới đây một nguồn tin từ giới quân sự Nga đã xác nhận rằng, ít nhất là đến Chương trình Vũ khí Nhà nước giai đoạn tiếp theo (từ 2028 trở đi), chương trình chế tạo tàu sân bay tương lai của Nga mới được khởi động. Vì sao chương trình này lại chậm trễ như vậy?

Nga chưa đóng tàu sân bay vì thiếu tiền

Mới đây, một nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga tiết lộ cho hãng tin Sputnik biết rằng, giá thành thiết kế và đóng một tàu sân bay mới của Nga [trong trường hợp có quyết định chế tạo], được đánh giá vào khoảng 4,7–6,3 tỷ dollars Mỹ.

Nguồn tin cũng nhấn mạnh rằng, khả năng Nga sở hữu một tàu sân bay mới trong vòng 10 năm nữa là rất thấp, bởi số tiền này hiện không được phân bổ trong danh mục giành cho hải quân thuộc Chương trình vũ khí nhà nước của Nga (Chương trình 2018–2027).

"Tàu sân bay là cả một câu chuyện đắt đỏ. Toàn bộ quá trình tạo ra một con tàu như vậy sẽ tiêu tốn khoảng 4,7–6,3 tỷ dollars Mỹ, việc phân bổ số tiền như vậy hiện không được liệt kê trong Chương trình vũ khí nhà nước giai đoạn này" - nguồn tin nêu rõ.

Việc đóng mới một tàu sân bay sẽ mất không dưới 5 năm, chưa tính đến thời gian thử nghiệm rồi mới biên chế. Do đó, chắc chắn là đến năm 2032 Nga vẫn sẽ chỉ có một tàu sân bay được chế tạo dưới thời Liên Xô là chiếc Đô đốc Kuznetsov, thực chất là một tuần dương hạm chở máy bay chiến đấu (TAVKR) thuộc Đề án 1143.5 lớp Kuznetsov (còn được gọi là lớp Kreml).

Hiện nay, “Đô đốc Kuznetsov” đang trong giai đoạn sửa chữa, đại tu kéo dài tuổi thọ sử đụng để có thể duy trì khả năng hoạt động cho đến giữa thập niên 30 của thế kỷ này. Như vậy, nó sẽ có thời hạn sử dụng là 40 năm, thậm chí nếu tính cả khoảng thời gian 12 năm từ khi bắt đầu đặt lườn năm 1983 cho đến khi hoàn toàn đi vào hoạt động là 1995), ông lão này sẽ có tuổi đời lên tới trên 50 năm.

Nga hiện chỉ còn tàu sân bay duy nhất là Đô đốc Kuznetsov đóng từ thời Liên Xô

Khó khăn cơ sở vật chất và công nghệ

Theo giới phân tích, Nga hiện nay đang có khó khăn về cơ sở vật chất đóng một tàu sân bay cỡ lớn như vậy. Các nhà máy đóng tàu của Nga chỉ có các ụ nổi để đóng tàu có lượng giãn nước 70-80 nghìn tấn chứ chưa có ụ tàu nào có thể đóng được tàu cỡ trên 100.000 tấn. Do đó, để hiện thực hóa tham vọng này, Nga sẽ phải mất một khoảng thời gian và nguồn kinh phí để nâng cấp các ụ tàu hiện có ở bán đảo Crimea.

Ngoài ra, một khó khăn lớn khác là để hoàn thành dự án thế kỷ này, Nga cần nắm vững kiến thức và công nghệ cần cho việc xây dựng một siêu hàng không mẫu hạm khổng lồ, trong khi đó, các cơ sở đóng tàu của Nga trong vòng hơn 3 thập niên qua chưa từng đóng một chiến hạm nào lớn hơn 30.000 tấn, kể từ khi Nhà máy đóng tàu Baltiysky ở Leningrad đóng các tuần dương hạm hạt nhân khổng lồ lớp Kirov vào thập niên 70-80 của thế kỷ trước.

Ngay cả tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov có lượng giãn nước 65.000 tấn cũng được đóng ở Nhà máy đóng tàu Biển Đen số 444 của Liên Xô (tức nhà máy Chernomorsky, hay còn gọi là Nikolaev ở vùng Mykolaivs"ka, của Ukraine).

Ngoài ra, công nghệ sản xuất trạm năng lượng hạt nhân cho các chiến hạm mặt nước cỡ lớn của Nga cũng đã rất lạc hậu, đòi hỏi phải chế tạo một thế hệ động cơ hạt nhân mới, mà việc này cũng sẽ mất tới ít nhất 10 năm.

Do đó, tàu sân bay mới của Nga sẽ chỉ được đóng trong giai đoạn 2030, sau khi Nga đã tích lũy được thêm kinh nghiệm đóng hai tàu sân bay trực thăng có thể mang máy bay cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (VTOL, phiên bản nội địa tương tự như tàu Mistral của Pháp), được đặt ky khởi công vào năm 2020 tại nhà máy đóng tàu Zaliv ở Kerch (bán đảo Crimea).

Không phù hợp với chiến thuật tác chiến giai đoạn hiện nay

Mặc dù hai khó khăn trên cũng là rất lớn nhưng với một cường quốc như Nga, việc bỏ ra 6-7 tỷ USD để đóng tàu sân bay là điều hoàn toàn có thể. Về phần công nghệ, mặc dù trong giai đoạn hiện nay Nga không đóng được tàu nào lớn nhưng chủ yếu là do thiếu tiền, chứ về mặt công nghệ hải quân, Nga vẫn là một cường quốc. Vậy tại sao Nga vẫn chưa đóng tàu sân bay thế hệ mới? Điều này chủ yếu xuất phát từ việc các tàu sân bay khổng lồ là không phù hợp với phương hướng phát triển hải quân Nga trong giai đoạn hiện nay.

Mô hình cỡ lớn của tàu sân bay hạt nhân Project 11430E Lamantin của Nga

Phần lớn các chuyên gia Nga cho rằng, việc đóng những siêu hạm như tàu khu trục hạt nhân lớp Leader hay siêu tàu sân bay có lượng giãn nước 100.000 tấn để chạy đua với lớp Nimitz hay Type 002 (của Mỹ và Trung Quốc) là điều không cần thiết, vừa lãng phí và tốn kém.

Trong thời gian qua, Hải quân Nga đã đi theo một hướng đúng đắn là tập trung phát triển tàu ngầm (cả động cơ hạt nhân và diezen) mang tên lửa hành trình Kalibr-PL, đồng thời tập trung đóng hàng loạt các tàu mặt nước có lượng giãn nước nhỏ nhưng được trang bị tên lửa hành trình Kalibr-NK.

Việc được trang bị loại tên lửa có khả năng tấn công đối hạm và đối đất tầm xa (phiên bản chống hạm 3M54 có tầm bắn 660km, phiên bản đối đất 3M14 có tầm phóng 2500km) khiến ngay cả những chiến hạm dưới 1000 tấn của Nga cũng trở thành hung thần đối với các siêu hạm khổng lồ của Mỹ và NATO.

Việc đóng hàng loạt các tàu cỡ nhỏ có lượng giãn nước thấp nhất là dưới 1000 tấn (như lớp Buyan-M) và lớn nhất là trên 4000 tấn (lớp Đô đốc Gorshkov hay Đô đốc Grigorovich) sẽ khiến Hải quân Nga tiết kiệm đáng kể ngân sách, nhưng vẫn có “bầy sói nhỏ” đáng gờm.

Do đó, việc đóng siêu tàu sân bay Storm trong thời điểm hiện nay là một dự án vừa lãng phí và vừa không hiệu quả, Storm sẽ hoàn toàn lạc lõng trong đội hình bầy sói của Nga.

Số tiền đóng Storm có thể được dùng để đóng 4 tàu ngầm hạt nhân hiện đại hoặc 2-3 tàu sân bay trực thăng tầm 20.000 tấn mang máy bay chiến đấu để luôn có thể triển khai thường trực một tàu sân bay hoạt động trên biển hoặc. Còn siêu tàu sân bay Storm chỉ có thể được tái khởi động khi nào Nga điều chính lại chiến lược phát triển hải quân theo hướng khôi phục vị thế của một cường quốc đại dương toàn cầu.

Thiên Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/sieu-tau-san-bay-storm-bay-soi-kalibr-can-hon-bao-tap-3392612/