Siêu thành phố lớn bằng nước Anh của loài mối ở Brazil

Các nhà khoa học ước tính khối lượng đất mà những con mối đã đào tương đương 4.000 kim tự tháp Giza và ụ mối lâu đời nhất được phân tích hình thành cách đây khoảng 3.800 năm.

Washington Post cho biết ở miền đông bắc Brazil, trong một khu rừng khô hạn đến nỗi cây cối bạc trắng thân cành, những con mối đã bận rộn làm việc trong cả nghìn năm qua.

Những dấu hiệu bên ngoài duy nhất cho thấy lao động của chúng là những ụ đất, ụ rác hình thành từ việc đào xới dưới lòng đất. Những ụ đất hình nón, cao khoảng 2,5 mét và rộng khoảng 9 mét, mọc lên trên nền đất với khoảng cách đều nhau - mỗi ụ cách 6 ụ xung quanh khoảng 20 mét.

Từ trên cao nhìn xuống, khung cảnh gợi liên tưởng đến bàn cờ vua hoặc lỗ lục giác trong tổ ong. Một bản đồ vệ tinh chụp bởi Google Earth cho thấy những ụ đất này bao phủ khu vực rộng hơn 230.000 km2, tức gần bằng diện tích nước Anh.

Kỳ quan của Trái Đất

"Hãy tưởng tượng đó là một thành phố", Stephen J. Martin, nhà nghiên cứu côn trùng tại Đại học Salford ở Anh, nói. "Chúng ta chưa bao giờ xây được một thành phố lớn đến như vậy".

Loài mối chỉ dài một centimet, có tên khoa học là Syntermes dirus, đã làm được điều đó bằng sự kiên trì ngày này qua tháng nọ.

Ụ mối hình nón, cao khoảng 2,5 mét và rộng khoảng 9 mét. Ảnh: Roy Funch.

Ụ mối hình nón, cao khoảng 2,5 mét và rộng khoảng 9 mét. Ảnh: Roy Funch.

Tổng cộng, lượng đất mà những con mối này đào lên tương đương 4.000 kim tự tháp Giza ở Ai Cập, theo nghiên cứu mà ông Martin và các cộng sự công bố trên tạp chí Current Biology hôm 19/11.

Họ đã thu thập mẫu từ trung tâm 11 ụ đất và xác định ụ đất lâu đời nhất được được phân tích hình thành cách đây khoảng 3.800 năm, bằng cách đo độ bức xạ trong các hạt khoáng vật.

Có thể những ụ đất khác còn lâu đời hơn. Dựa trên hình ảnh vệ tinh và kiểm tra ngẫu nhiên trên phạm vi hàng nghìn kilomet, các nhà khoa học ước tính có khoảng 200 triệu ụ đất như vậy.

Nếu cây cối trong rừng biến mất, để lộ những ụ đất với tất cả sự kỳ vĩ của chúng, nơi này xứng đáng được xưng tụng là "kỳ quan tự nhiên của Trái Đất", ông Martin nói.

Tuy nhiên, do nằm xen giữa cây cối và bụi rậm, những ụ đất này có thể khó phát hiện. Ban đầu ông Martin cũng không nhìn thấy chúng. Ông đã đến khu rừng khô ở Brazil, tiếng địa phương gọi là "caatinga", để tìm kiếm loài ong mật.

Chỉ sau khi đã lái xe hàng dặm, nơi con đường cắt ngang rừng cây để lộ hình mái vòm của những ụ đất, ông mới nhìn thấy chúng. Người dân địa phương nói với vị chuyên gia rằng đây là những ụ mối.

"Không, không thể nào như vậy - nhiều đến thế mà", ông nhớ lại suy nghĩ của mình lúc đó.

Cuộc gặp tình cờ

Trở về Anh, các đồng nghiệp bảo với ông rằng những ụ đất đó hẳn là trầm tích hồ nước hoặc một kết cấu địa chất khác.

Vùng lõi của "vương quốc" mối (màu cam) có diện tích tương đương nước Anh. Ảnh: Washington Post.

Ông Martin phát hiện người dân địa phương dĩ nhiên đã đúng khi ông quay lại sau đó. Cách xa hàng dặm so với bất kỳ thành phố lớn nào lân cận, khi đang đi bộ gần con sông, nhà côn trùng học người Anh tình cờ gặp một nhà sinh vật học khác, Roy Funch.

"Anh ấy đang đi ngược hướng con sông cùng một người bạn và tôi đang đi ra sông để bơi", ông Funch, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.

Ông Martin "rõ ràng trông có vẻ như là một người ngoài cuộc", vì vậy ông Funch, người đồng thời làm hướng dẫn viên du lịch, bước đến và nói xin chào, hỏi lý do đưa vị chuyên gia đến Brazil.

Ông Martin nói "những ụ mối", kêu rằng Google Scholar chả nói gì về chúng.

"Tôi nói: 'Anh vừa gặp được gã duy nhất ở Brazil nghiên cứu về những ụ đất này đấy'", ông Funch nhớ lại. "Vậy nên anh cũng biết đấy, người ta hay nói là 'tình cờ đến bất ngờ'".

Ông Funch đã đến Brazil từ những năm 1970 cùng chương trình tình nguyện Peace Corps của chính phủ Mỹ. Ông nói khung cảnh núi non và những cung đường xuyên rừng đẹp hút hồn đã thuyết phục anh định cư tại vùng đông bắc đất nước.

Hình ảnh vệ tinh chụp một phần "vương quốc" mối. Ảnh: Washington Post.

Ông cũng bị những ụ mối làm cho mê hoặc. Ụ cao nhất, mà ông gọi là "ụ bà nội", cao đến 5 mét. (Không phải tất cả chúng đều còn hoạt động)."Tôi không nghĩ có ai đó từng nhìn thấy sự kiến tạo cảnh quan như thế này trên phạm vi rộng lớn đến vậy bởi những con vật bé nhỏ đến vậy", ông nói.

Trong thập niên 1980, ông Funch - người tự mô tả mình là một "nhà khoa học ở vùng sâu vùng xa" nhưng đã có bằng tiến sĩ sinh học, từng viết về những ụ mối này cho một tạp chí khoa học nổi tiếng. Ông hy vọng sẽ thu hút được sự chú ý của những nhà nghiên cứu khác.

Song không có ai cả. 30 năm trôi qua và ông quyết định tự mình nghiên cứu, cho đến khi ông gặp ông Martin.

Bí ẩn dưới lòng đất

Những ụ mối này, không giống tổ mà các loài mối khác xây, không phải là nơi ở hay ống thông gió.

"Chúng tôi đã nghĩ tổ mối nằm giữa lòng những ụ đất này", ông Funch nói. "Nhưng không phải. Thậm chí tổ không nằm bên dưới ụ đất".

Một đường hầm lớn, đường kính khoảng 10 centimet, chạy dọc trung tâm ụ đất. Những con mối bịt đầu phía trên của đường hầm bằng chất thải của chúng.

Mô phỏng bên trong và bên dưới ụ mối. Ảnh: Washington Post.

"Chưa từng tìm thấy tổ của những con chúa. Chúng tôi thực sự không biết điều gì diễn ra bên dưới mặt đất. Hoàn toàn không", ông Funch nói.

Những ụ đất tạo nên những đối tượng bất hợp tác. Những con mối chiến xuất hiện khi các nhà nghiên cứu đánh động bên ngoài ụ đất. Chuyên gia Martin nói chúng sẽ hút máu.

"Chúng có hàm dưới sắc như dao. Chúng sẽ cắt xuyên qua da bạn", ông nói.

Sự cách trở về vị trí địa lý và sự cằn cỗi của đất đai là những đặc điểm giúp ụ mối bền vững qua thời gian. Những đợt hạn hán kéo dài, dù không có lợi cho việc canh tác của con người, lại giúp "vương quốc" mối phát triển phồn thịnh.

"Những con mối đã khai phá khu vực này và đã làm rất tốt cho bản thân chúng", ông Martin nói.

Mùa mưa kéo dài khoảng một tháng. Rừng caatinga chuyển từ màu nâu sang màu xanh và rồi ngược trở lại. Cây cối đâm chồi, cũng nhanh chóng như khi chúng rụng lá.Trong vòng vài tuần, thảm rừng không còn chút lá rụng. Loài mối ăn mọi thứ. Ông Martin nghi ngờ số lá khô nuôi sống chúng trong thời gian còn lại của năm.

Các nhà khoa học ước tính có khoảng 200 triệu ụ mối. Ảnh: Washington Post.

Bên dưới lòng đất, như được nhìn thấy qua cáp quang, là một hệ thống đường hầm lớn và liên kết với nhau. Những con mối định hướng cho bản thân bằng "pheromone", một chất mà cơ thể con vật tiết ra như tín hiệu hóa học.

"Khi bạn có đủ sự kết nối, rất dễ để tìm thấy ụ đất gần nhất", ông Martin nói. Chỉ khi không có một ụ đất nằm ở rìa "siêu thành phố", những con mối mới bắt đầu xây dựng một ụ mới.

Ông Martin đồng ý rằng còn nhiều việc phải làm. Không ai biết những con mối sống ở vùng ngoài rìa cách xa trung tâm "vương quốc" liên hệ gần gũi đến mức độ nào. Gene của chúng chưa được phân tích. Và những người cai trị "vương quốc" này vẫn còn là bí ẩn.

"Chúng tôi muốn đến được hoàng cung", ông nói.

Đông Phong (Theo Washington Post)
Video: Martin/New York Times

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/sieu-thanh-pho-lon-bang-nuoc-anh-cua-loai-moi-o-brazil-post893954.html