Siêu thú vị với trải nghiệm sinh hoạt cộng đồng của cư dân cổ Tràng An tại đảo Khê Cốc

Việc phục dựng và tái hiện sinh hoạt văn hóa của cư dân cổ Tràng An tại đảo Khê Cốc nhằm cung cấp cho du khách một góc nhìn thực cảnh sinh động về cuộc sống của con người trong quá khứ.

Nhắc đến Ninh Bình, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới các địa điểm du lịch nổi tiếng như: Quần thể danh thắng Tràng An; Cố đô Hoa Lư; Tam Cốc Bích Động hay như Khu du lịch sinh thái vườm chim Thung Nham…

Đảo Khê Cốc – nơi tái hiện sinh hoạt cộng đồng của cư dân cổ Tràng An.

Trong đó, năm 2014, quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới nhờ những giá trị nổi bật toàn cầu. Cho tới nay, đây là vẫn di sản hỗn hợp đầu tiên và duy nhất của Việt Nam và Đông Nam Á đạt cả hai tiêu chỉ về văn hóa và thiên nhiên của UNESCO.

Để làm rõ những giá trị của di sản này, trong suốt hơn 10 năm qua, đã có nhiều cuộc khai quật, từ đó xác định được 14/25 di chỉ khảo cổ hang động trong quần thể danh thắng Tràng An được khai quật hoặc thám sát.

Khê Cốc tái hiện một góc nhìn không gian sinh hoạt văn hóa của cư dân cổ Tràng An sau biển thoái.

Tiêu biểu trong đó là Hang Trống, Hang Bói, Hang Mòi, Hang Thung Bình 1, Mái đá Vàng, Mái đá Ốc, Mái đá Ông Hay, Hang Áng Nồi, Mái đá Chợ, Núi Tướng 1, Thung Bình 2, Thung Bình 3, Thung Bình 4 và Hang Trâu,…

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, biển thoái ở vùng Tràng An có thể bắt đầu từ cách đây 5.500 năm. Lúc này, con người bắt đầu rời hang cao xuống hang thấp. Một bộ phận vẫn cư trú trong hang, một bộ phận khác chuyển ra khai phá, khai thác các bãi bồi thung lũng, ven khe suối ở khu vực trung tâm Tràng An như Khê Cốc.

Về với Tràng An, du khách có cơ hội trải nghiệm một số hình thức sinh hoạt văn hóa của cư dân thời tiền sử sau biển thoái, khi môi trường tự nhiên ở bãi bồi thung lũng ven khe suối tạo điều kiện thuận lợi cho con người bước đầu định cư, khai thác và sáng tạo nên các hình thức sinh hoạt văn hóa phong phú đan xen giữa hình thái cư trú thung khe và trú ẩn hang động, giữa sản xuất ban đầu và khai thác tự nhiên.

Du khách trải nghiệm không gian văn hóa tại đảo Khê Cốc.

Tràng An từng bị biển xâm lấn, biến cải nhiều lần. Biến đổi địa hình, địa chất, địa mạo trong một thời kỳ lâu dài hàng triệu triệu năm đã tạo hình nên tuyệt phẩm kiến trúc - cảnh quan thiên nhiên "sơn kỳ, thủy tú, động tiên".

Trong đó, đảo Khê Cốc chính là nơi tái hiện một góc nhìn không gian sinh hoạt văn hóa của cư dân cổ Tràng An sau biển thoái, khi môi trường tự nhiên ở bãi bồi thung lũng ven khe suối tạo điều kiện thuận lợi cho con người bước đầu định cư, khai thác và sáng tạo nên các hình thức sinh hoạt văn hóa phong phú đan xen giữa hình thái cư trú thung khe và trú ẩn hang động, giữa sản xuất ban đầu và khai thác tự nhiên. Trong sự biến cải khắc nghiệt và dữ dội của cảnh quan, người tiền sử nơi đây vẫn thích ứng, phát triển, hun đúc, bồi đắp và tạo nên các giá trị văn hóa nổi bật toàn cầu.

Đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm sinh hoạt cộng đồng của cư dân cổ Tràng An tại đảo Kê Cốc.

Kết quả nghiên cứu khảo cổ đến từ nhóm chuyên gia của Trường đại học Cambridge (Vương quốc Anh), Viện khảo cổ học Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, tiến sĩ khảo cổ học Nishimura (Nhật Bản) đã khẳng định Tràng An là một cuốn biên niên sử nguyên vẹn về sự biến đổi môi trường và những ứng phó của con người trong quá khứ xa xôi, lưu giữ một truyền thống cư trú của con người tiền sử, một truyền thống sử dụng vùng đất, vùng biển của người tiền sử với nhiều nền văn hóa tiếp nối liên tục, kéo dài tới 30.000 năm.

Câu chuyện văn hóa tiền sử ở Tràng An là hình ảnh thu nhỏ của quá trình toàn cầu về ứng phó của con người đối với biển tiến sau thời kỳ băng hà trong khu vực này, tới mức độ nó có thể được coi là mô hình so sánh với các địa điểm khác trong khu vực cùng chịu các tác động này.

Thời tiết khô ráo, đẹp thuận lợi cho du khách tham quan, vui chơi.

Theo đại diện Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, việc phục dựng tái hiện thực cảnh sinh hoạt văn hóa của cư dân cổ Tràng An tại Khê Cốc sau biển thoái là nỗ lực của chính quyền và người dân Ninh Bình, đặc biệt là tâm huyết của Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường với mong muốn cung cấp cho du khách một góc nhìn thực cảnh sinh động về cuộc sống của con người trong quá khứ; nhằm giữ gìn và trao quyền Di sản cho các thế hệ sau, để hiểu, để biết, để trân trọng và tự hào về cội nguồn lịch sử.

Được biết, trải nghiệm "Không gian văn hóa Khê Cốc" là sản phẩm du lịch mới được Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đưa vào khai thác trong dịp TếtNguyên đán 2024.

Đồng thời việc phục dựng giúp cho thế hệ hôm nay và mai sau hiểu những bài học lịch sử quý báu để luôn biết phụng dưỡng "mẹ thiên nhiên", bảo vệ môi trường sống, tổ chức đời sống con người hài hòa với tự nhiên, tìm cách thích ứng với biến đổi khí hậu ngày nay.Đảo Khê Cốc cũng chính là địa điểm tổ chức sự kiện khai mạc Festival Ninh Bình - Tràng An lần thứ II vừa qua. Qua sự kiện đã giới thiệu tới nhân dân, du khách hình ảnh về một Ninh Bình là điểm đến an toàn, hấp dẫn, thân thiện về vùng đất và con người Cố đô ngàn năm văn hiến, hội nhập và phát triển.

Trải nghiệm "Không gian văn hóa Khê Cốc" là sản phẩm du lịch mới được Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đưa vào khai thác trong dịp Tết Nguyên đán 2024.

Đây cũng là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện hướng tới kỷ niệm 10 năm Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, đồng thời để quảng bá hình ảnh, các giá trị nổi bật toàn cầu về cảnh quan, địa chất, địa mạo và văn hóa của Quần thể danh thắng Tràng An, hướng tới mục tiêu xây dựng Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ và thành phố trực thuộc Trung ương.

Trần Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/sieu-thu-vi-voi-trai-nghiem-sinh-hoat-cong-dong-cua-cu-dan-co-trang-an-tai-dao-khe-coc-post285924.html