'Siêu ủy ban' không can thiệp hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh khẳng định, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không phải người sử dụng vốn, không can thiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trực tiếp của các doanh nghiệp.

Chiều 1/10, tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, PV đặt câu hỏi về việc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước vừa ra mắt, Thủ tướng đã có quan điểm là làm sao để Ủy ban này không phải là cơ quan quá quyền lực, quan liêu. Vậy thì trong thời gian tới đây, Chính phủ có những biện pháp như thế nào để kiểm soát việc này? Với những đơn vị quản lý vốn lớn khi về với Ủy ban thì nhân sự sẽ như thế nào, những nhân sự này sẽ do ai quyết định?

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Trả lời câu hỏi, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lê Quang Mạnh cho biết, khi xây dựng đề án thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, mục tiêu của Chính phủ là để xóa bỏ tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, khi các bộ chuyên ngành của chúng ta vừa ban hành chính sách trong lĩnh vực đó, đồng thời trực tiếp quản lý các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước. Chúng ta xây dựng khung pháp lý để tách chức năng quản lý và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngày 29/9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 131, trong đó đưa ra hành lang pháp lý của Ủy ban. Nội dung chính là: Trách nhiệm quản lý vốn cho 19 doanh nghiệp, gồm 7 tập đoàn, 12 doanh nghiệp lớn. Vấn đề lớn nhất là Ủy ban sẽ quản lý như thế nào? Ủy ban này thay mặt Nhà nước giám sát khối tài sản, vốn Nhà nước tại các DNNN, chứ không phải cơ quan sử dụng vốn này.
“Chúng ta chỉ tập trung giám sát vốn đó các doanh nghiệp dùng hiệu quả không, có khả năng, nguy cơ thất thoát hay không và sẽ triển khai các biện pháp can thiệp, chứ Ủy ban không phải người sử dụng vốn này, không can thiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trực tiếp của các doanh nghiệp”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, vừa qua, Chính phủ đã có định hướng rõ ràng trong hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn trong thời gian tới để trả lời những băn khoăn của chúng ta.
Thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn tập trung vào giám sát, phải là một cơ quan hiện đại, đáp ứng yêu cầu chuyên môn.

Trong thiết kế khuôn khổ pháp lý đưa các nội dung làm sao Ủy ban này thực hiện công tác giám sát, vì hiện nay công tác giám sát được thực hiện không thường xuyên, không được các cơ quan chuyên trách thực hiện. Chúng ta xây dựng Ủy ban này nhằm thực hiện giám sát thường xuyên hơn, công tác giám sát mỗi doanh nghiệp sẽ được trông coi kỹ càng, để phát hiện và giảm thiểu nguy cơ thất thoát lãng phí…
Thứ hai là nâng cao trách nhiệm giải trình trong quá trình giám sát sử dụng vốn Nhà nước gắn với trách nhiệm quản lý, bảo tồn tài sản của Nhà nước trong các doanh nghiệp này với các cá nhân cụ thể. Chỉ khi nào chúng ta gắn trách nhiệm cá nhân cụ thể thì mới có cơ chế, cách thức để đảm bảo nguồn lực của đất nước không bị lãng phí.
Thứ ba là vừa qua thông tin về các hoạt động DNNN vẫn có thiếu hụt sự tường minh, công khai hóa… Ủy ban đã xây dựng lộ trình rõ ràng về việc ứng dụng CNTT, đã có mô hình sử dụng dữ liệu lớn, quản lý giám sát hoạt động các DNNN một cách thường xuyên mà không cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh thường xuyên của doanh nghiệp.

D. Tùng

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/sieu-uy-ban-khong-can-thiep-hoat-dong-san-xuat-kinh-doanh-cua-doanh-nghiep-326468.html