Siêu vận tải cơ Mỹ bốc cháy ngùn ngụt trên đường băng

Một sự cố đáng tiếc vừa xảy ra với chiếc máy bay vận tải hạng nặng C-17A Globemasster III của Không quân Mỹ.

Báo chí quốc tế vừa đăng tải thông tin và hình ảnh cho biết, một máy bay vận tải hạng nặng C-17A Globemaster III của Không quân Mỹ đã gặp sự cố và bốc cháy trên đường băng tại căn cứ liên hợp Charleston vào chiều 9-4-2021.

Báo chí quốc tế vừa đăng tải thông tin và hình ảnh cho biết, một máy bay vận tải hạng nặng C-17A Globemaster III của Không quân Mỹ đã gặp sự cố và bốc cháy trên đường băng tại căn cứ liên hợp Charleston vào chiều 9-4-2021.

Trong một thông cáo vào cuối ngày hôm đó, đại diện của căn cứ liên hợp Charleston (JBC) nói rằng không có người bị thương sau vụ tai nạn liên quan đến chiếc máy bay vận tải chiến lược nói trên..

Các quan chức của JBC không nói rõ chính xác những gì đã xảy ra trên máy bay, tuy nhiên họ thông báo một cuộc điều tra đang được tiến hành về vụ việc. Hình ảnh được cung cấp cho báo giới cho thấy chiếc C-17 đã bị hư hỏng khá nặng bên hông trái.

Boeing C-17 Globemaster III là loại máy bay vận tải quân sự chiến lược, nó đang giữ vai trò xương sống của Không quân Mỹ vào thời điểm hiện tại, cho dù kích thước và khối lượng hàng hóa mang theo không bằng C-5M Galaxy.

Chiếc C-17 được McDonnell Douglas phát triển từ thập niên 1980 tới đầu thập niên 1990, máy bay chính thức ra mắt ngày 14/7/1993, tính đến thời điểm năm 2015 đã có tất cả 280 chiếc được chế tạo.

Thông số kỹ thuật cơ bản của máy bay vận tải C-17 Globemaster III bao gồm: Kíp lái 3 người; chiều dài 53 m; sải cánh 51,75 m; chiều cao 16,8 m; trọng lượng rỗng 128.100 kg; trọng lượng cất cánh tối đa 265.350 kg.

Máy bay vận tải hạng nặngC-17 Globemaster III được trang bị 4 động cơ turbofan Pratt & Whitney F117-PW-100 công suất 180 kN mỗi chiếc, cho tốc độ tối đa 830 km/h.

Tầm hoạt động của C-17 là 4.482 km khi mang tải nặng, hoặc 10.390 km khi chở lính dù; trần bay 13.716m. C-17 có thể chuyên chở tối đa 77.519 kg hàng hoặc lên tới 158 lính dù trong khoang.

Hiện tại ngoài phiên bản gốc C-17A thì Globemaster III đã có thêm 2 biến thể gồm C-17A "ER" - Tên không chính thức của C-17As do việc bổ sung không gian cánh, nâng cấp này được đưa vào sản xuất từ năm 2013 với tổng số 13 máy bay.

Biến thể C-17B được bổ sung 2 rãnh cánh tà, một bộ phận hỗ trợ hạ cánh tích hợp trên thân máy bay, động cơ mạnh hơn và các hệ thống khác để có thể cất và hạ cánh trên quãng đường ngắn hơn.

Hiện tại ngoài Không quân Mỹ, C-17 còn phục vụ trong thành phần Không lực Hoàng gia Anh, Australia, Không quân Ấn Độ, Không quân Hoàng gia Qatar và một vài lực lượng khác.

Thiết kế của C-17 còn được cho là đã gây ảnh hưởng lớn tới Trung Quốc, khiến Bắc Kinh chế tạo ra chiếc máy bay vận tải hạng nặng Y-20 của mình với rất nhiều nét tương đồng về thiết kế bên ngoài.

Trong tương lai, máy bay vận tải C-17 còn có thể được hoán cải để làm thêm nhiệm vụ tác chiến, ví dụ như trở thành nền tảng tích hợp vũ khí laser hay phi cơ yểm trợ hỏa lực mặt đất.

Sở hữu nhiều tính năng kỹ chiến thuật nổi trội cho nên mức giá của chiếc C-17 Globemaster III cũng ở mức rất cao, một máy bay C-17 với cấu hình đầy đủ, bao gồm cả hệ thống phòng thủ tên lửa được bán với giá lên tới 366,2 triệu USD.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-sieu-van-tai-co-my-boc-chay-ngun-ngut-tren-duong-bang-post463185.antd