Siêu virus trên lợn tấn công Châu Á, hiện chưa có thuốc chữa

Dịch tả lợn châu Phi đã lan tới châu Á, bùng phát mạnh mẽ tại Trung Quốc. Đây là loại virus độc lực cao, khiến 100% lợn bị nhiễm tử vong và chưa có thuốc chữa.

Theo Tổ chức lương thực và Nông nghiệp Thế giới (FAO), dịch tả lợn châu Phi (ASF) khởi phát ở Trung Quốc hồi đầu tháng 8. Từ đó đến nay, dịch đã lan ra 18 trang trại và lò mổ thuộc 6 tỉnh nước này. Tại một số khu vực, phạm vi lây nhiễm trải rộng hơn 1.000km2, buộc chính quyền phải tiêu hủy gần 40.000 con.

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát và hoành hành ở Trung Quốc.

Trung Quốc đang chiếm 50% thị phần thịt lợn của cả thế giới với tổng đàn trên 500 triệu con. Mặc dù không nguy hiểm đối với tính mạng con người, nhưng có tỷ lệ tử vong gần như 100% ở lợn nên nếu bùng phát thành đại dịch, dịch tả lợn có thể đe dọa kinh tế của hàng trăm nghìn hộ nông dân và đe dọa nền công nghiệp sản xuất thịt lợn của Trung Quốc.

Nguy hiểm hơn, việc đối phó, kiểm soát được đánh giá là "cực kỳ vất vả" bởi virus tả lợn có thể tồn tại hàng tháng trời trong các sản phẩm thịt cũng như thức ăn chăn nuôi.

ASF có tỉ lệ tử vong cực kì cao ở lợn - chủng độc nhất của dòng virus này khiến gần như 100% cá thể mắc bệnh tử vong

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi lan rộng tại châu Á, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) vừa tổ chức cuộc họp khẩn với đại diện nhiều nước trong khu vực, đánh giá gần như chắc chắn, dịch sẽ xuất hiện ở nhiều nước khác trong thời gian sắp tới.

FAO cho biết, nếu tính từ cuối 2017 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan đến 12 quốc gia. Dịch bệnh này hiện không có vắc xin và không thể chữa. Virus gây ra bệnh là chủng độc lực cao, giết chết 100% số lợn bị nhiễm bệnh.

Tại Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã phát đi cảnh báo, chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Việt Nam sẽ siết chặt tình hình vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn qua biên giới không rõ nguồn gốc.

Bên cạnh đó, tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn tại địa phương, nếu phát hiện đàn lợn bệnh với các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh dịch tả lợn châu Phi, hoặc nghi là lợn, sản phẩm lợn nhập lậu trái phép thì cần lấy mẫu gửi đến Chi cục Thú y vùng quản lý địa bàn hoặc Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương để chẩn đoán, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.

Bộ NN-PTNT kêu gọi giám sát đàn lợn để bảo vệ chăn nuôi trước nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi có thể tràn vào Việt Nam

Với khả năng gây chết 100%, bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện không có vac-xin và không có khái niệm chữa trị. Nếu lây nhiễm trên diện rộng dịch bệnh sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến người chăn nuôi và thương mại quốc tế.

Dù bệnh không lây trực tiếp sang người nhưng có thể truyền sang muỗi, chuột, gà, vịt... Lợn bị mắc dịch tả cũng nguy cơ nhiễm nhiều bệnh nguy hiểm khác, phổ biến nhất là tai xanh, cúm, thương hàn. Nếu người lành tiếp xúc, ăn phải lợn mang những bệnh này, đặc biệt là ăn tiết canh, thịt nấu chưa kĩ thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh.

Hàn Trầm

Nguồn NĐ&ĐS: http://baonhandao.vn/quoc-te/sieu-virus-tren-lon-tan-cong-chau-a-hien-chua-co-thuoc-chua-14135