Simonov với 'Đợi anh về'

Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô bùng nổ ngày 22/6/1941, khi những đơn vị hùng mạnh của nước Đức phát xít bắt đầu tấn công vào pháo đài Brest (nay thuộc Belarus). Những cây bút xuất sắc nhất của Moskva được đưa ra tiền tuyến ngay.

Konstantin Simonov là một trong những người như thế. Trở về sau chuyến công tác chiến trường đầu tiên từ “Mặt trận phía Tây không yên tĩnh”, tháng 7/1941, Simonov đã viết bài thơ “Đợi anh về”.

Hôm đó, Simonov đã ngủ qua đêm tại trang trại (dacha) của nhà văn Liev Kassil ở khu Peredelkino. Sáng tỉnh dậy, ông chỉ có một mình trong nhà. Xung quanh chỉ là những cây thông cao ngất ngưởng và những đám cỏ xanh rờn. Trời rất nóng và lặng lẽ. Trong vài giờ, nhà thơ có thể quên đi rằng chiến tranh đang diễn ra ác liệt. Và trong thời khắc ấy, ông đã viết nên khúc tuyệt tình ca “Đợi anh về”. Khi ấy, ông mới 25 tuổi.

Bài thơ rất riêng tư, để tặng cho người đàn bà yêu quý: V.S. Đề tựa cho bài thơ chỉ có hai chữ viết tắt như thế. Đó chính là nữ diễn viên Valentina Serova, ở thời điểm đó là một trong những gương mặt nữ nổi tiếng nhất của điện ảnh Xôviết. Nhưng cũng ở thời điểm ấy tại Liên Xô, người ta không chuộng những sự phô diễn bên ngoài tình cảm với những “người của công chúng”. Và Simonov khi được hỏi chi tiết về bài thơ, cũng đã trả lời rất mù mờ: “Bài thơ “Đợi anh về” không có số phận gì đặc biệt. Đơn giản là chuyện tôi đi ra chiến trường, còn người phụ nữ mà tôi yêu thì lại ở hậu phương. Và tôi viết cho cô ấy lá thư bằng thơ…”

Thoạt tiên Simonov đã không muốn cho in “Đợi anh về”. Ông chỉ đọc cho bạn bè và những người quen nghe bài thơ này. Và đọc cho cả các chiến sĩ ở ngoài chiến trường trong các cuộc gặp gỡ nơi tiền tuyến. Và họ dưới ánh sáng leo lét của đèn pin hay đèn dầu đã chép lại bài thơ trên các mẩu giấy.

Bài thơ đã trở thành một thứ thuốc tinh thần để giúp họ thoát khỏi đau buồn, tuyệt vọng, giúp nỗi nhớ quê hương, người thân thích và cuộc sống yên bình đã trở thành những lưỡi dao cứa lòng.

Thế là ngay từ khi chưa được in trên báo, “Đợi anh về” đã được nhiều người biết tới. Càng ngày càng nhiều người. Theo kiểu truyền khẩu, vì bài thơ đã chạm được đúng những gì da diết nhất trong lòng người thời chiến, cả ở hậu phương lẫn ngoài chiến trường.

Simonov về sau kể lại rằng, chính vì biết bài thơ đã được nhiều ngời truyền tay nhau nên ông mới quyết định cho in nó: “Tôi đưa bài thơ này cùng với một bài thơ khác, “Anh còn nhớ không, Aliosha, những con đường Smolensk”, cho Tổng biên tập Báo Sao Đỏ, Ortenberg. Ông ấy thích bài “Anh còn nhớ…”, nhưng lại phân vân với bài “Đợi anh về” nên trả lại bản thảo cho tôi và bảo, những câu thơ như thế có lẽ không thích hợp với một tờ báo quân đội như Sao Đỏ. Theo ông ấy, không nên làm ngộ độc tâm hồn người lính – chỉ riêng việc phải chia tay nhau cũng đã quá đắng cay rồi!”

Tất nhiên là Simonov đã cảm thấy buồn. Và cất bản thảo “Đợi anh về” để chờ thời điểm khác thích hợp hơn.

Khi ấy, tòa soạn Báo Sao Đỏ nằm cùng trong một tòa nhà với tòa soạn của Báo Pravda và Báo Komsomolskaya Gazeta. Một lần Simonov tình cờ gặp biên tập viên báo Pravda, Piotr Pospelov, ở ngoài hành lang. Pospelov mời nhà thơ tới phòng mình uống trà, nhưng thực ra là muốn có bản thảo một bài thơ nào đó hay ho. Simonov đáp rằng ông chẳng có bài thơ nào mới cả. Pospelov nói: “Tôi nghe anh em kể là anh mới đọc một bài thơ nào đó hay lắm cho họ nghe…” Có lẽ khi đó biên tập viên Báo Pravda đã biết tới “Đợi anh về” và muốn có bản thảo bài thơ này. Cũng có thể ông ấy đã nghe bài thơ qua giọng đọc của chính Simonov trên đài phát thanh vào tháng 12-1941. Tuy nhiên, ông ấy vẫn làm ra bộ không biết gì.

Rốt cuộc thì Simonov phải nói rằng quả thực ông có thơ, nhưng bài đó “không phải để đăng báo. Ít ra thì không phải để đăng trên những tờ như Pravda”. Tuy nhiên, Pospelov, vốn sẵn có chủ ý, đáp luôn: “Tại sao lại không phải để đăng trên Pravda? Biết đâu đấy chính là thơ để đăng trên Pravda?”

Và Simonovđã đọc cho Pospelov nghe bài “Đợi anh về”. Người biên tập viên đứng dậy khỏi chỗ, đút tay vào túi quần và bắt đầu nôn náo đi đi lại lại quanh căn phòng làm việc lạnh lẽo của mình. Và đưa ngay ra quyết định của mình: “Theo tôi, thơ này hay. Chúng ta cho in thôi...” Ông chỉ hơi lăn tăn về hình ảnh: “Cơn mưa vàng tái tê...” Simonov bảo rằng, ông muốn diễn tả nỗi buồn nhớ của mình như thế...

Nhưng cách lý giải này không thuyết phục được biên tập viên của Pravda. Ông gọi nhân viên báo là người bolshevik cao niên Emelian Yaroslavsky lên. Bác nhân viên này nghe xong bài thơ thì chả thấy ngạc nhiên chút nào: “Đơn giản thôi mà. Thỉnh thoảng cũng có những cơn mưa màu vàng, khi mặt đất ngả vàng...”

Vài ngày sau, khi Simonov trở về sau một chuyến công tác thường kỳ ra chiến trường, ông mới biết rằng bài thơ “Đợi anh về” đã được in trên tờ Pravda số ra ngày 14/2/1942... Bài thơ đã nhanh chóng thu hút thêm rất nhiều người hâm mộ. Tuy nhiên, cũng không phải chấm dứt ngay những ý kiến cho rằng đây là bài thơ tình quá riêng tư. Ai đó còn tung ra giai thoại, dường như lãnh tụ Stalin khi đọc “Đợi anh về” trên báo Pravda đã hỏi: “Số báo này in bao nhiêu bản?” Sau khi biết là báo in cả triệu bản, ông lẩm bẩm: “Lẽ ra chỉ nên in hai bản, một gửi cho Simonov, còn bản kia gửi cho Valentina Serova...” (!)

Từ đó tới nay đã rất nhiều chuyện bị quên lãng. Nhưng bài thơ “Đợi anh về” vẫn được nhiều người nhớ và yêu.

Sau chiến tranh, quan hệ giữa Simonov với nàng thơ của mình, nữ diễn viên Valentina Serova, đổ vỡ. Đến mức ông đã phải gửi tới người tình những dòng cay đắng:

“Thơ chẳng thể nào viết thêm,
Với em ngày đó, với em bây giờ.
Những dòng chua chát ngẩn ngơ
Từ lâu đã chẳng đủ cho đôi mình.

Cám ơn vì mọi yên lành
Thuở nao em đã nhỡ dành cho tôi.
Nghĩa ân người để bên người
Chắc gì đã hóa nợ đời với nhau.

Nhưng bao buồn tủi, đớn đau
Tay em đã chất lên đầu tôi xưa
Mặc tôi giữ, mặc tôi lo,
Số tôi đâu lạ xót xa, nổi chìm.

Muộn rồi, trách móc gì em,
Sợ chi gió thổi trắng đêm
ngậm ngùi.
Chẳng qua đã hết yêu rồi
Nên thơ viết có ra lời nữa đâu....”

Trước khi chết, Simonov đã xóa đi mọi lời đề tặng Valentina Serova trên các bài thơ của mình. Ông chỉ để lại duy nhất một dòng “Tặng V.S” trên bài “Đợi anh về”. Khi ông phải vào viện cấp cứu, biết mình đã gần đất xa trời, ông yêu cầu cô con gái chung của hai người mang vào những lá thư mà ông đã viết gửi cho nàng thơ yêu dấu một thuở và đã qua đời từ lâu. Rất nhiều lá thư!

Nhà thơ trong giờ gần hấp hối với lệ tràn trên mi mắt run run xé từng trang thư và nói với con gái: “Cha không muốn để sau khi cha chết rồi có những bàn tay lại chạm vào những lá thư này... Những gì đã diễn ra giữa cha với mẹ con là hạnh phúc lớn nhất trong đời cha. Và cũng là nỗi bất hạnh lớn nhất...”.

Huyền Thu

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/simonov-voi-doi-anh-ve-tintuc423254