Singapore có luật chống ma túy khắt khe bậc nhất thế giới

Kể từ ngày 30/3, Singapore đã hành quyết 10 người vì buôn bán ma túy. Trong nhiều thập kỷ, quốc gia này có chính sách không khoan nhượng đối với tội danh liên quan.

Vụ việc kình ngư Joseph Schooling và Amanda Lim sử dụng cần sa trong thời gian tập huấn và thi đấu tại SEA Games 31 khiến làng thể thao châu Á rúng động. Kết luận này được Cục Ma túy Singapore (CNB) đưa ra và chính cả 2 tay bơi thừa nhận.

Ngay sau đó, Schooling đăng đàn xin lỗi công chúng vì hành vi sử dụng ma túy ở Việt Nam.

Theo Luật Ma túy của Singapore, Schooling có thể bị phạt tù và phạt tiền ngay cả khi sử dụng cần sa ngoài lãnh thổ. Mức phạt tù 1-10 năm, phạt tiền không quá 20.000 USD.

Hình phạt nặng nhất với trường hợp tàng trữ trên 500 g cần sa (không cần biết có sử dụng hay không) ở Singapore là tử hình hoặc phạt tù 10 năm.

Schooling chưa có kết quả dương tính với việc sử dụng cần sa và cũng không bị phát hiện sở hữu chất cấm nên nhiều khả năng sẽ không phải chịu án phạt nặng nhất. Tuy nhiên, theo SCMP, kình ngư này chắc chắn bị cấm thi đấu trong khoảng thời gian tiếp theo với tư cách lính nghĩa vụ (khoảng một năm).

Singapore là quốc gia có quy định pháp luật chống ma túy khắt khe bậc nhất thế giới. Chính phủ nước này khẳng định tử hình vẫn là biện pháp răn đe hiệu quả đối với tội phạm, bất chấp sự phản đối từ các tổ chức quốc tế.

Joseph Schooling và Amanda Lim thừa nhận sử dụng cần sa trong thời gian tập huấn và thi đấu tại SEA Games 31 ở Việt Nam. Ảnh: Getty.

10 vụ hành quyết trong 4 tháng

Khi bước lên sân khấu ở Kuala Lumpur (Malaysia) để trình làng bài hát do anh trai Pannir Selvam Pranthaman viết về tội tử hình hôm 29/7, Angelia Pranthaman kể câu chuyện về nhà triết học Hy Lạp cổ đại Socrates.

Giống như Pannir, Socrates bị kết án tử, nhưng trong khi chờ đợi hình phạt, ông bắt đầu học thổi sáo.

“Chúng ta sẽ chết vào ngày mai, điều đó mang lại lợi ích gì?”, nhà triết học hỏi một tử tù khác.

Angelia chia sẻ với khán giả về anh trai - người tạo ra âm nhạc ngay cả khi đang chờ bị hành quyết vì tội buôn bán heroin, theo Al Jazeera.

“Pannir muốn gửi thông điệp tới xã hội và chính phủ: chúng tôi không thể thay đổi quá khứ, nhưng có thể tận dụng thời gian hiện tại”, cô nói ở sự kiện và kêu gọi giảm nhẹ hình phạt cho anh trai.

Pannir là một trong số hàng chục người bị kết án tử hình ở Singapore, hầu hết về tội buôn bán ma túy. Sau 2 năm tạm dừng vì Covid-19, chính phủ nước này tiếp tục xử tử tội phạm.

Hàng loạt vụ hành quyết tội phạm ma túy làm nổ ra cuộc tranh luận công khai chưa từng có ở Singapore về việc áp dụng án tử hình. Ảnh: Roslan Rahman/AFP.

Kirsten Han, nhà vận động chống án tử hình ở Singapore, cho biết: “Tốc độ của các vụ hành quyết năm nay thực sự đáng kinh ngạc. Có vẻ như chính phủ đang cố gắng giải quyết những tồn đọng”.

Han lưu ý rằng chính phủ dường như đã phá vỡ truyền thống lâu đời là chỉ lên lịch hành quyết vào các ngày thứ 6, tạo ra nhiều căng thẳng và không chắc chắn cho thân nhân của tử tù.

Pannir Selvam Pranthaman là người Malaysia gốc Ấn Độ, một trong nhiều tội phạm thuộc các dân tộc thiểu số chịu án tử hình ở Singapore - nơi 74% dân số là người gốc Hoa.

Trong cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc vào năm 2021, chính phủ Singapore nói rằng chủng tộc không liên quan đến việc kết án, nhưng từ chối cung cấp dữ liệu liên quan.

Vào tháng 7, Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc lên án vụ treo cổ Nazeri Bin Lajim, người dân tộc Mã Lai, và kêu gọi ngừng tất cả vụ hành quyết tội phạm ma túy.

Theo luật pháp quốc tế, hành quyết chỉ có thể được sử dụng cho “tội phạm nghiêm trọng nhất” và tội phạm ma túy “rõ ràng không đáp ứng ngưỡng này”.

Văn phòng cũng chỉ ra rằng nạn nhân của các vụ hành quyết dường như là “người thiểu số và có xu hướng xuất thân từ hoàn cảnh khó khăn về kinh tế”. Việc này dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử với người dân tộc thiểu số.

10 người bị treo cổ trong năm 2022 cho đến nay đều xuất thân từ dân tộc thiểu số hoặc mang quốc tịch Malaysia.

“Thủ phủ của án tử hình”

Ngày 27/4, Nagaenthran Dharmalingam (34 tuổi) bị treo cổ sau khi bị kết án năm 2010, liên quan đến tội buôn bán ma túy. Công dân Malaysia này đã mang khoảng 44 g heroin vào Singapore.

Nagaenthran đã kháng cáo nhiều lần với lý do khác nhau, trong đó có việc chỉ số IQ 69 khiến bản thân có khiếm khuyết về mặt trí tuệ. Tuy nhiên, tòa án Singapore không chấp nhận.

Vụ việc này gây ra sự phẫn nộ chưa từng có. Bởi trước đó, một bản kiến nghị trực tuyến nhằm kêu gọi ân xá cho Nagaenthran đã nhận được hơn 106.000 chữ ký. Các nhà hoạt động địa phương đã vận động được hơn 14.700 USD để hỗ trợ gia đình anh. Chính phủ Malaysia cũng yêu cầu sự khoan hồng cho phạm nhân này.

Tuy nhiên, tất cả nỗ lực bị phủi sạch khi Nagaenthran không thể tránh khỏi cái chết.

Vụ tử hình Nagaenthran Dharmalingam vẫn diễn ra bất chấp sự phản đối ở Singapore và quốc tế. Ảnh: Reuters.

Các luật sư bào chữa của Nagaenthran cũng bị buộc tội “lạm dụng trắng trợn và nghiêm trọng các quy trình của tòa án” vì đã đệ đơn kháng cáo vào phút cuối dẫn đến hình phạt cho họ.

Trong những vụ tử hình gần đây nhất, ít nhất 4 bị cáo phải đại diện cho mình sau quá trình kháng cáo, trong khi một người được đại diện bởi mẹ đẻ.

Luật sư nổi tiếng về án tử hình M Ravi cho biết các khoản tiền phạt đã gây ra nỗi sợ hãi trong giới luật sư. Điều này có thể làm suy yếu khả năng tiếp cận công lý của những người phải đối mặt với án tử hình, vi phạm quyền được xét xử công bằng và làm xói mòn niềm tin vào hệ thống tư pháp.

Ravi mô tả sự gia tăng án tử hình gần đây giống như “làn sóng hành quyết” có thể so sánh với năm 1993, khi Singapore được mô tả là “Disneyland của án tử hình” do các vụ hành quyết diễn ra thường xuyên.

“Hàng loạt vụ hành quyết mới nhất sẽ một lần nữa khiến Singapore trở thành thủ phủ của án tử hình trên thế giới”, luật sư nói.

Việc áp dụng án tử hình, nhất là đối với tội phạm buôn bán ma túy, của Singapore được cho là đi ngược lại xu hướng toàn cầu. Ảnh: The Star.

Các nhà vận động cũng chỉ ra số lượng tương đối nhỏ ma túy được buôn lậu trong những vụ án tử hình và liệu việc hành quyết có tác dụng ngăn chặn tình trạng buôn bán hay không.

“Hầu hết tội phạm nhận án tử hình sau khi bị kết án vì liên quan đến lượng heroin tương đối nhỏ và tham gia tương đối hạn chế vào hoạt động buôn bán ma túy”, Chiara Sangiorgio, chuyên gia về án tử hình tại Tổ chức Ân xá Quốc tế, nói.

Nazeri, chẳng hạn, bị tử hình vì buôn bán 33,39 g diamorphine. Ngày 26/7, một công dân Singapore 49 tuổi, dân tộc Mã Lai bị hành quyết vì tội buôn bán cần sa.

Ở Singapore, bất kỳ ai bị bắt với hơn 500 g ma túy sẽ phải đối mặt với án tử hình không ân xá. Nhưng nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Thái Lan, đã nới lỏng các hạn chế đối với việc sử dụng cần sa. Nước láng giềng Malaysia cũng đang xem xét việc cho phép sử dụng cần sa vào mục đích y tế và cũng thông báo rằng nước này sẽ bãi bỏ hình phạt tử hình đối với các vụ án ma túy.

Sangiorgio nói rằng việc áp dụng án tử hình là “đi ngược lại xu hướng toàn cầu”.

“Trong những năm gần đây, chúng tôi chỉ thấy 4 quốc gia thực hiện hành quyết đối với các tội danh liên quan đến ma túy”, bà nói.

Singapore đã sửa đổi các điều khoản về án tử hình đối với ma túy vào năm 2012 để tòa án có quyền quyết định hạn chế trong việc kết án với điều kiện người phạm tội đáp ứng các điều kiện nhất định.

Chính phủ cũng cho biết án tử hình là cần thiết để ngăn chặn nạn buôn bán ma túy và giữ an toàn cho đất nước. Tuy nhiên, theo các nhà vận động, không có bằng chứng rõ ràng về việc này.

Liên Hợp Quốc cũng tuyên bố án tử hình chưa được chứng minh là biện pháp răn đe hiệu quả trên toàn cầu và không phù hợp với luật nhân quyền quốc tế, vốn chỉ cho phép trừng phạt tử hình đối với những tội phạm nghiêm trọng nhất.

Kirsten Han cho rằng các vụ hành quyết ở Singapore trong năm nay sẽ chưa dừng lại và có thể vượt qua con số 13 tù nhân bị treo cổ vào năm 2018.

Ngay sau vụ tử hình tội phạm ma túy thứ 10 trong năm nay, Emerlynne Gil, Phó giám đốc phụ trách khu vực nghiên cứu của Tổ chức Ân xá Quốc tế, đã thúc giục Singapore lập tức áp đặt lệnh cấm tử hình.

“Singapore một lần nữa hành quyết những người bị kết án liên quan đến ma túy, vi phạm luật pháp quốc tế, coi thường sự phản đối kịch liệt của công chúng”, bà nói.

“Việc chính phủ Singapore cố chấp áp dụng án tử hình chỉ dẫn đến sự lên án toàn cầu và làm lu mờ hình ảnh của Singapore với tư cách là quốc gia phát triển được quản lý bởi pháp quyền”, Mạng lưới chống án tử hình châu Á cho biết trong một tuyên bố hôm 30/6.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/singapore-co-luat-chong-ma-tuy-khat-khe-bac-nhat-the-gioi-post1351286.html