Singapore đã làm gì để các kình ngư 'thống trị' khu vực, vươn tầm thế giới? Những kinh nghiệm quý cho Việt Nam

Trong khu vực Đông Nam Á,Singapore là một quốc gia rất mạnh về môn thể thao bơi lội. Dù đã có một số vận động viên bơi lội tài năng, Việt Nam vẫn cần học hỏi thêm kinh nghiệm quốc tế để phát triển được các thế hệ vận động viên toàn diện hơn.

SEA Games 32, bơi lội Việt Nam chỉ giành được 7 huy chương vàng, không tái lập được kỳ tích đoạt 11 huy chương vàng như ở SEA Games 31. Điều này do ở SEA Games 31, huy chương vàng nội dung tiếp sức 4x100m tự do là khá may mắn khi đội bơi Singapore và Malaysia bị loại do lỗi xuất phát.

Có thể nói trong bơi lội tại các kỳ SEA Games, các kình ngư ngôi sao của Singapore luôn thống trị nội dung tiếp sức cự ly ngắn. Và không chỉ tại giải đấu này, Singapore đã có rất nhiều kình ngư ngôi sao vươn tầm thế giới như Joseph Schooling, kình ngư đoạt HCV Olympic 2016 hay 3 chị em nhà Quah, Quah Zheng Wen - huy chương vàng (HCV) nội dung 200m bơi ngửa nam tại SEA Games 2023, Quah Ting Wen và Quah Jing Wen giành HCV nội dung 4x100m tiếp sức nữ. Ngoài ra, Jing Wen còn có thêm HCV nội dung 200m bơi bướm nữ tại giải đấu này.

Đội tiếp sức 4x100m tự do nữ gồm (từ trái sang) Quah Ting Wen, Nur Marina Chan, Quah Jing Wen và Amanda Lim ăn mừng sau khi giành huy chương vàng. Ảnh: The Straits Times.

Đội tiếp sức 4x100m tự do nữ gồm (từ trái sang) Quah Ting Wen, Nur Marina Chan, Quah Jing Wen và Amanda Lim ăn mừng sau khi giành huy chương vàng. Ảnh: The Straits Times.

Vậy lý do gì khiến một đảo quốc Sư tử nhỏ bé có thể phát triển bơi lội mạnh mẽ đến như vậy?

Chiến lược phát triển nhất quán của chính phủ

Theo hai nhà phân tích Jesse O'Neill và Nadia Wagner, tại Singapore, bơi lội có thể nói là một môn thể thao phản ánh được bản sắc địa phương và sự hội nhập toàn cầu của quốc gia này. Là một đảo quốc, người dân nước này từ lâu rất thích bơi lội trên biển. Từ các hoạt động gia đình như nô đùa trên biển, đến các sự kiện cộng đồng lớn như Lễ hội thể thao biển đón năm mới, bơi lội không chỉ diễn ra trong các hồ bơi khách sạn hay câu lạc bộ bơi lội – nơi có chi phí đắt đỏ và thường dành cho tầng lớp thượng lưu.

Niềm vui bơi lội và các sự kiện thi đấu những năm 1960 thế kỷ trước đã giúp thúc đẩy sự phát triển của môn thể thao này tại Singapore. Ảnh: National Archives of Singapore.

Và ngay từ khi độc lập (năm 1965), chính phủ Singapore đã quan tâm tới văn hóa thể thao. Khu tổ hợp hồ bơi công cộng Queenstown đã được mở cửa vào đầu năm 1970 và là những nỗ lực đầu tiên đưa tiện ích bơi lội an toàn và chuyên nghiệp đến với toàn thể người dân Singapore. Bộ trưởng Giáo dục Singapore Lim Kim San năm 1970 cho biết khu hồ bơi Queenstown thuộc về tất cả người dân Singapore chứ không phải "bất kỳ ai nói riêng".

Thư ký cấp cao của quốc hội Singapore Chan Chee Seng cũng lưu ý rằng chính phủ đã đặt mục tiêu đưa bơi lội trở thành "môn thể thao phổ biến nhất cũng như thành công nhất ở Singapore". Đó không chỉ là một sở thích mà người Singapore "được khuyến khích để bơi lội". Môn thể thao này tốt "sức khỏe và giải trí nhưng cũng mang lại niềm vui cho người dân Singapore và cả sự công nhận khi họ đạt được thành tích tốt trong các cuộc thi". Vì vậy, chính phủ Singapore có "ưu tiên lớn về khuyến khích và xây dựng cơ sở vật chất" giúp đưa môn thể thao này tiếp cận được với "những học sinh say mê bơi lội".

Ngoài mục tiêu thi đấu, bơi lội cũng được thúc đẩy là một môn rèn luyện sức khỏe hàng ngày, tạo nền tảng để con người có cuộc sống lành mạnh. Thủ tướng Lý Quang Diệu từng nói rằng người Singapore nên tham gia tập thể dục lành mạnh, mạnh mẽ để nâng cao chất lượng học tập và công việc. Nền tảng của tuyên bố này là mục tiêu phát triển các công dân khỏe mạnh hơn, giúp nâng cao năng suất và từ đó, nâng cao vị thế toàn cầu của Singapore. Nhà phân tích văn hóa Singapore Ying-kit Chan từng nhận định Bơi lội được ủng hộ là "hình thức tập thể dục tốt nhất" đối với người dân Singapore, vì nó "cung cấp cơ hội cho những người trẻ tuổi kéo căng từng phần cơ bắp của họ và do đó xây dựng cơ thể cường tráng", đồng thời giúp người già "duy trì thể lực tốt".

Do cơ sở vật chất thể thao không đầy đủ, Singapore đã phải từ chối đăng cai Đại hội thể thao bán đảo Đông Nam Á (SEAP Games) vào năm 1971. Chỉ đến khi khai trương bể bơi tiêu chuẩn Olympic đầu tiên tại Khu liên hợp bơi lội Toa Payoh vào năm 1973, Singapore mới có thể thông qua thể thao để giúp củng cố hình ảnh của mình trên bản đồ thế giới. SEAP Games lần thứ 7 được tổ chức ở Singapore và thôi thúc tinh thần của người Singapore được thi đấu đại diện cho quốc gia.

Bơi lội cũng ăn sâu vào niềm tự hào của người dân Singapore khi môn thể thao này mang về 21 huy chương vàng trong tổng số 32 huy chương vàng họ giành được. Theo đó, chính phủ Singapore cũng xác định rằng bơi lội là môn thể thao nước này có thể vượt trội và khuyến khích người dân tận dụng tối đa cơ sở vật chất được cung cấp" tại các bể bơi và tập bơi một cách nghiêm túc.

Sự thành công của các vận động viên bơi lội Singapore cũng nâng cao tinh thần và niềm tự hào. Ảnh: National Archives of Singapore.

Cùng với sự khuyến khích này, một số tên tuổi bơi lội lớn của Singapore đã đi vào lịch sử nước này khi tạo được dấu ấn trên nhiều đấu trường quốc tế. Ang Peng Siong đứng đầu thế giới vào năm 1982 khi đạt thành tích 22,69 giây ở nội dung 50 mét tự do tại giải vô địch bơi lội Mỹ. Trong suốt sự nghiệp của mình từ năm 1977 đến 1993, Ang đã giành được tổng cộng 20 huy chương vàng trong 8 kỳ Đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á và giữ kỷ lục 50 mét tự do nhanh nhất châu Á trong 14 năm (1982-1996). Được giới truyền thông đặt biệt danh là "Cá bay" của châu Á, Ang đã trở thành hình tượng trong các bộ phim truyền hình về bơi lội của Singapore, trong đó có bộ phim "The Flying Fish".

Nhân vật thứ 2 là Patricia Chan - được mệnh danh là "Cô gái vàng" của bơi lội khu vực từ năm 1965 đến năm 1973. Patricia đã giành được 39 huy chương vàng tại hơn 5 kỳ Đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á. Tiếp đó là Junie Sng - người trẻ nhất giành huy chương trong lịch sử đại hội khu vực khi 14 tuổi.

Phương tiện truyền thông tiếp tục thúc đẩy tinh thần bơi lội

Để đưa người dân đến gần hơn nữa với bơi lội, đã có rất nhiều bộ phim về môn thể thao này được sản xuất. Từ năm 1983-2010, có tổng cộng năm bộ phim truyền hình về bơi lội được sản xuất tại Singapore: The Flying Fish năm 1983, Splash to Victory năm 1989, Waves of Courage năm 1996, The Champion năm 2004, và No Limits năm 2010. Một bộ phim truyền hình khác có tên Polo Boys (2009-2010) giới thiệu một môn thể thao liên quan là bóng nước. Cả năm bộ phim truyền hình về bơi lội đều được phát sóng trên Kênh 8 của Mediacorp — kênh phát sóng có tỷ suất người xem cao nhất.

Bộ phim The Flying Fish cũng là một trong những bộ phim truyền hình thần tượng đầu tiên ở Singapore, với sự tham gia của Wang Yuqing, Ang Teck Bee và Maggie Teng. Vào năm 2016, nhà sản xuất phim kỳ cựu người Singapore Daniel Yun đã tôn vinh Ang Peng Siong là vận động viên của văn hóa bơi lội Singapore. Bằng cách điểm lại hành trình thi đấu của Ang, khi ông không giành được huy chương trong Thế vận hội Los Angeles 1984 và Thế vận hội Seoul 1988, sau đó trở thành Huấn luyện viên trưởng Quốc gia môn Bơi lội của Singapore từ năm 1998 đến 2012, Ang đã tiếp sức cho thế hệ trẻ Singapore và cuối cùng bơi lội nước này đã đột phá với Huy chương vàng Olympic của Schooling tại Thế vận hội Rio năm 2016.

Với lịch sử nhiều thập kỷ phát triển, bơi lội đã trở thành một thế mạnh của Singapore tại các giải đấu thể thao quốc tế. Nhiều vận động viên trẻ Singapore liên tục tiếp nối được thế hệ đi trước. Tại kỳ SEA Games năm nay, dù không có Joseph Schooling, đội tuyển bơi Singapore đã giành vị trí nhất toàn đoàn với 22 huy chương vàng, 15 huy chương bạc và 10 huy chương đồng. Quah Ting Wen cũng là 1 trong 2 người được trao danh hiệu "Vận động viên xuất sắc nhất".

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/singapore-da-lam-gi-de-cac-kinh-ngu-thong-tri-khu-vuc-vuon-tam-the-gioi-nhung-kinh-nghiem-quy-cho-viet-nam-20230519110118101.htm