Singapore thiết kế 3 loại que lấy mẫu xét nghiệm Covid-19

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đã phát triển 3 loại que lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày một tăng tại Singapore và trên toàn cầu.

Những que lấy mẫu dịch này là một công cụ vô cùng quan trọng trong quá trình xét nghiệm SARS-CoV-2 (loại virus gây ra Covid-19). Tuy nhiên, những que lấy mẫu thường trong tình trạng thiếu hụt do sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ba mẫu que lấy dịch mũi họng thiết kế bởi NUS cho xét nghiệm Covid-19 có tên IM2, IM3 và Python

Ba mẫu que lấy dịch mũi họng thiết kế bởi NUS cho xét nghiệm Covid-19 có tên IM2, IM3 và Python

Giáo sư Tan Eng Chye, Hiệu trưởng trường Đại học Quốc gia Singapore, chia sẻ: "Trước thực trạng các quốc gia đang dần nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và mở cửa lại nền kinh tế, các công tác kiểm dịch y tế toàn quốc đang được tăng cường tần suất và phạm vi như là một chiến lược y tế chủ chốt nhằm ngăn ngừa sự tái bùng phát dịch Covid-19".

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt và đảm bảo Singapore có nguồn cung cấp bền vững các que lấy mẫu y tế này, hai nhóm nghiên cứu đa ngành từ NUS đã phát triển 3 mẫu que mới với chất lượng tương đương tiêu chuẩn "vàng" của que lấy mẫu dịch hiện nay.

Ba phát minh mới này bao gồm que lấy mẫu dịch được sản xuất bằng công nghệ in 3D mang tên Python, cùng với hai mẫu que mang tên IM2 và IM3 được sản xuất bằng quy trình ép phun, có khả năng sản xuất ra hàng trăm cây chỉ trong vài phút.

Que lấy mẫu dịch mũi họng là những que linh hoạt có thể luồn qua mũi vào phía sau khoang mũi để lấy mẫu dịch. Các loại tăm bông này có phần đầu được thiết kế cẩn thận, dùng để lấy mẫu và giữ lại đầy đủ dịch lỏng mũi họng, sau đó được cất giữ để tiến hành các bước xét nghiệm khác. Thành viên của NUS cho biết: "Những yếu tố thiết kế này đóng vai trò rất quan trọng vì chúng có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2".

Một số thành viên thuộc hai nhóm nghiên cứu của NUS. Từ trái sang là tiến sĩ Alfred Chia, Giáo sư Freddy Boey, phó Giáo sư David Allen và phó Giáo sư Yen Ching-Chiuan

Que Python có cấu trúc xoắn kép như tăm bông. Theo NUS, Python có khả năng hấp phụ chất lỏng rất tốt và hạn chế gây khó chịu cho người được xét nghiệm. Về mặt hiệu quả lâm sàng, Python được so sánh với một loại que tiêu chuẩn công nghiệp tại Bệnh viện Đại học Quốc gia (NUH), NUS cho biết.

"Là một phần trong nỗ lực đóng góp của NUS đối với cuộc chiến chống lại COVID-19 của quốc gia, mẫu thiết kế tăm bông Python sẽ được sử dụng miễn phí tại Singapore," đại diện nhóm phát triển mẫu que thử Python, Phó Giáo sư Yen Ching-Chiuan, đồng quản trị Trung tâm Keio-NUS CUTE nhận định.

Nam Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/singapore-thiet-ke-3-loai-que-lay-mau-xet-nghiem-covid-19-20200725092217585.htm