Sinh con lúc tuổi già: Đầy niềm vui nhưng không kém phần nguy hiểm

Với mong muốn có con. nhiều sản phụ sẵn sàng mang thai dù đã ở đội tuổi U60 - 70 hay thậm chí là 80. Tuy ghi nhận thành công, nhưng bên cạnh đó, vẫn còn nhiều rủi ro cho cả mẹ và bé.

Sinh con ở độ tuổi có thể đã làm bà

Mới đây, Việt Nam đã ghi nhận sản phụ 63 tuổi N.T.K. (ở Thọ Xuân, Thanh Hóa) hạ sinh thành công bé trai nặng 3k. Em bé ở trong bụng mẹ đủ ngày đủ tháng, chào đời bằng phương pháp sinh mổ và khỏe mạnh bình thường. Đến thời điểm hiện tại, trường hợp của bà K. là sản phụ lớn tuổi nhất sinh con được ghi nhận tại Việt Nam.

Sản phụ N.T.K. đã sinh thành công bé trai đủ ngày đủ tháng. Ảnh: IT

Trước đó, Việt Nam cũng từng ghi nhận trường hợp những thai phụ dù ở độ tuổi U60 - 70 nhưng vẫn sinh con khỏe mạnh. Bà Nguyễn Thị Nguyệt (ở Lạng Giang, Bắc Giang) đã sinh con trai ở tuổi 60. Bé trai chào đời ở tuần thai thứ 37, nặng 2,7kg.

Trên thế giới, nhiều trường hợp sản phụ từ 60 tuổi trở lên không phải là hiếm gặp. Sản phụ lớn tuổi nhất được ghi nhận là Erramatti Mangayamma (Ấn Độ) khi sinh con ở tuổi 74. Bà Mangayamma cưới ông Yarramatti Rajarama Rao (80 tuổi vào lúc vợ sinh con) vào năm 1962 và không thể đậu thai tự nhiên.

Sau đó, cũng nhờ phương pháp IVF, bà Mangayamma đã trở thành người phụ nữ lớn tuổi nhất sinh con và hạ sinh một cặp bé gái hồi tháng 9/2019.

Tiếp theo đó là sản phụ Prabha Devi (Ấn Độ) khi hạ sinh một bé gái vào hồi tháng 10/2019. Sản phụ này cũng thụ thai nhờ phương pháp IVF.

Tuy nhiên, tuổi của bà Devi chưa được xác nhận chính thức. Dù bà cho biết mình 75 tuổi khi sinh con nhưng lại không có giấy tờ tùy thân nào để xác nhận. Trong khi đó, các bác sĩ cho biết bà Devi khoảng chừng từ 72 - 75 tuổi.

Bà Daljinder Kaur (Ấn Độ) cũng là một trong những sản phụ lớn tuổi nhất thế giới khi hạ sinh con trai đầu lòng ở tuổi 72 vào hồi tháng 4/2016.

Sản phụ cao tuổi nhất thế giới chính thức được sách Kỷ lục Guinness công nhận là bà Maria del Carmen Bousada de Lara 66 tuổi 358 ngày. Sản phụ này đã hạ sinh một cặp song sinh tại Tây Ban Nha vào năm 2006.

Lợi ích của việc làm khi làm mẹ ở tuổi “xế chiều”

Theo Medicinenet, càng lớn tuổi, khả năng có thai tự nhiên càng giảm sút. Cụ thể, nếu sau một năm “cố gắng”, khả năng có thai theo từng độ tuổi là: 85% nếu dưới 30 tuổi; 75% ở tuổi 30; 66% ở tuổi 35 và 44% ở 40 tuổi. Từ tuổi 45 trở đi, khả năng mang thai tự nhiên gần như là không có.

Càng lớn tuổi, khả năng thụ thai tự nhiên càng thấp. Ảnh minh họa: IT

Mặc dù có thể khó mang thai hơn khi cao tuổi, nhưng cũng có một số lợi thế cho cả 2 mẹ con.

Đầu tiên, trẻ sinh ra bởi những người mẹ lớn tuổi khỏe mạnh hơn với tỷ lệ miễn dịch cao hơn, ít nhập viện hơn so với những người sinh ra từ các bà mẹ trẻ. Đồng thời, chúng cũng có xu hướng có kỹ năng ngôn ngữ và phát triển lời nói tốt hơn.

Kỹ năng làm cha mẹ của các bậc phụ huynh lớn tuổi cũng thường tốt hơn. Họ có thể kiên nhẫn hơn, ít la mắng hơn hoặc “động tay động chân” với con hơn những bậc phụ huynh trẻ tuổi. Do đó, trẻ em có ba mẹ lớn tuổi có xu hướng ít gặp các vấn đề về cảm xúc, hành vi cũng như khó khăn trong giao tiếp xã hội.

Bên cạnh đó, nghiên cứu của đại học Harvard năm 2012 cho thấy mối liên hệ giữa tuổi cao của người mẹ và nhiễm sắc thể sẽ dẫn đến tuổi thọ dài hơn đối với người con.

Đồng thời, nghiên cứu năm 2016 của Đại học Nam California cho thấy việc trở thành một bà mẹ lớn tuổi có thể có lợi nếu xét về mặt trạng thái tinh thần. Cụ thể, sau khi kiểm tra một nhóm hơn 800 người phụ nữ trong độ tuổi từ 41 đến 92, các nhà nghiên cứu phát hiện những phụ nữ sinh con sau 35 tuổi có khả năng nhận thức và trí nhớ khi về già tốt hơn những người lần đầu làm bố mẹ ở độ tuổi trẻ hơn.

Đối mặt nhiều nguy hiểm nếu sinh con muộn

Việc sinh con muộn có thể có lợi trong một số khía cạnh. Tuy nhiên, việc mang bầu khi cao tuổi luôn được xem là tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho cả mẹ và bé.

Tiểu đường là một trong những bệnh nguy hiểm có thể gặp nếu mẹ bầu đã lớn tuổi. Ảnh minh họa: IT

Theo Healthline, một số rủi ro khi sinh con ở độ tuổi trên 50 bao gồm:

- Tiền sản giật (một loại huyết áp cao phát triển trong thời kỳ mang thai có thể đe dọa tính mạng)

- Dễ bị tiểu đường thai kỳ

- Mang thai ngoài tử cung

- Nguy cơ sinh mổ cao hơn

- Nguy cơ bị sẩy thai hoặc thai chết lưu

Đối với em bé, những nguy cơ có thể đối mặt bao gồm:

- Khuyết tật học tập (trẻ có vấn đề về việc tiếp thu và vận dụng khả năng đọc, nói…)

- Dị tật bẩm sinh

- Rối loạn liên quan đến nhiễm sắc thể, chẳng hạn như hội chứng Down

- Sinh nhẹ cân hoặc sinh không đủ tháng

Hà Du (Tổng hợp)

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/sinh-con-luc-tuoi-gia-day-niem-vui-nhung-khong-kem-phan-nguy-hiem-d6668.html