Sinh con rồi mới sinh cha…

Một trong những niềm vui mỗi ngày của ông Quảng là đón đưa thằng cu 'đít nhôm' đi lớp mẫu giáo. Mỗi sáng, trên đường đến lớp, cu cậu thường kiếm cớ đòi ông bế một đoạn.

Khi thì qua đoạn sân đang ướt nước mưa, lúc kêu mỏi chân ở đợt cầu thang cuối cùng. Những lúc ấy, hai cánh tay bé bỏng của nó thường ôm riết qua vai ông nội. Nó áp cặp má mịn màng sát với gương mặt đã có những vết chạm khắc thời gian của ông. Hơi thở thơm tho mùi con trẻ như tiếp cho ông nguồn sinh lực. Ông hiểu nó muốn nhận từ ông một tình cảm âu yếm và ngược lại, thằng bé tỏ ra là nó rất yêu ông. Điều đó như một điều kiện để nó có thể vui vẻ mà vào lớp. Với hai ông cháu, dường như đó là cách mở đầu một ngày mới tuyệt vời nhất.

Ông Quảng cũng thích những lúc đón thằng bé mỗi buổi tan lớp. Ông hay đứng bên ngoài một lát, ngắm nó chơi với chúng bạn. Nhận ra ông nội, một nụ cười sáng bừng trên gương mặt trẻ thơ của nó. Cu cậu cuống quýt chào cô rồi nhảy chân sáo ra với ông. Đó là lúc hai ông cháu nói với nhau nhiều thứ chuyện.

 Minh họa: An Chi

Minh họa: An Chi

- Trưa nay con ăn gì?

- Ăn cơm với thịt…

- Con nói thế nào nhỉ?

- À quên, con ăn cơm với thịt ạ…

Cứ thế, từ chuyện lớp học, chuyện các bạn đến chuyện cô giáo, ông vừa hỏi chuyện vừa uốn nắn cho thằng cháu nội cách nói, cách nghĩ. Điều này mấy chục năm trước, do bận rộn với những việc được cho là cần thiết hơn, ông không làm được nhiều với bố nó.

Có một điều rất thú vị, trong mối quan hệ hai ông cháu, ông đã ngót bảy mươi và thằng cháu xuýt soát lên năm, người nhận những bài học không chỉ là thằng cu Ken. Nhẹ nhàng, vô thức mà thấm thía, đôi lúc thằng cháu đã khiến ông Quảng phải có những điều chỉnh trong suy nghĩ, việc làm.

Từ ngày vợ chồng con trai xin phép ra ở riêng, ông thường nhận trách nhiệm đưa đón cháu từ nhà nó đến trường. Chính trên quãng đường ấy, thằng cu 5 tuổi đã nhắc ông nó bài học về luật giao thông. Ấy là lần hai ông cháu đi qua một ngã ba. Vì là đang đi lề bên phải, không xung đột trực tiếp với luồng người xe đi từ con phố cắt ngang, ông cứ thế theo đám đông vượt qua đèn đỏ. Thằng cu nhắc luôn:

- Ông ơi, không được vượt đèn đỏ!

- Ừ, ông xin lỗi, ông không để ý.

Từ bữa ấy, mỗi khi đưa cháu trên đường, ông luôn chú ý đi cho đúng luật, không chỉ là chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông!

Một lần, hai ông cháu chuẩn bị đến lớp. Ông nhắc cháu đi dép, đeo chiếc ba lô có hình chú lính cứu hỏa mà nó rất mê. Ông đã tra chìa khóa vào ổ mà thằng bé vẫn ngần ngừ chưa rời bước.

- Ông ơi ông chưa tắt tivi, cả đèn nữa ông ạ.

- Ồ đúng rồi, ông cảm ơn Ken!

Lại một lần nữa thằng cu cho ông nội một bài học, nhẹ nhàng mà thấm thía.

Thi thoảng vào ngày cuối tuần, cu Ken được ông nội cho lên phố đi bộ Hồ Gươm. Đó là khoảng thời gian khá thú vị của hai ông cháu. Thường thì ông thả cho thằng cháu nội thỏa sức chạy chơi ở quảng trường nhỏ trước tượng đài Đức Lý Thái Tổ hay trên con đường dạo ven hồ. Còn ông thì đơn giản là đứng ngắm nó.

Cũng có lúc, hai ông cháu tha thẩn vào phố sách Đinh Lễ, nơi thằng bé thích thú tìm được trên kệ sách cuốn truyện tranh về chú lính cứu hỏa Sam mà nó coi là thần tượng. Và tiết mục hấp dẫn cuối cùng, không thể thiếu, ấy là ăn kem. Hai ông cháu hay đến quầy kem nhà hàng Thủy Tạ, dưới một vòm hoa giấy gần như nở tím quanh năm. Kem ở đấy không được ông cháu thích bằng kem Tràng Tiền.

Bù lại, mua kem xong, hai ông cháu có thể đứng dưới bóng mát của lùm si cổ thụ, vừa ăn kem vừa đón từng cơn gió Nam mát rượi thổi từ phía bên kia hồ. Ông muốn đưa thằng cháu lên đây phần còn để nhớ lại kỉ niệm thời xa xưa, lúc ông bằng tuổi nó, thi thoảng được cha đưa lên ăn kem Hồng Vân, Long Vân chỗ đài phun nước.

Cu Ken dường như được thừa hưởng của ông nội cái nết hay quan sát, ngắm nghía. Hôm ấy, ngay gần chỗ hai ông cháu đứng ăn kem có một tốp khách du lịch có vẻ người ngoại tỉnh. Một cậu thanh niên bóc lớp giấy bọc kem, vô tư vứt ngay xuống lối đi. Ông chưa kịp phản ứng thì thằng cu đã nhanh mồm: Ơ chú phải cho vào thùng rác chứ!

Dứt lời, như để làm mẫu, nó mau mắn nhặt tờ giấy bọc, lon xon chạy ra vứt vào thùng rác gần đó. Cậu thanh niên lúng túng, hai tai đỏ lựng. Một bà trung tuổi trong tốp du khách dóng dả: Thằng cu nhanh nhẹn quá!

Như để sửa cái lỗi của cậu thanh niên, bà khách đưa chiếc khăn ướt để ông lau tay cho cháu rồi lấy một chiếc túi nilon nhắc mọi người bỏ giấy bọc cùng que kem vào đó để vứt ra thùng rác!

Ông Quảng thở phào nhẹ nhõm. Không kịp ngăn cháu, ông thoáng chút ngại ngần. Ông ngại vì lo phản ứng của tốp du khách, nhất là của cậu thanh niên. Bởi ông đã từng nhận được sự đáp trả không mấy thiện cảm của một nhóm người khi nhắc họ đừng giẵm lên cỏ, cũng chính ở ven con hồ này. Nếu cậu thanh niên kia phản ứng không phù hợp, ông không biết sẽ phải giải thích với thằng cháu thế nào.

Từ ngày có đám cháu nội, ngoại, ông Quảng hay nghĩ đến câu “sinh con rồi mới sinh cha. Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông” và thấy các cụ xưa thật chí lý. Một ông thầy đã phán: Vợ chồng ông, theo tử vi là rất thương nhau, nhưng khắc khẩu.

Ông tính nóng, bà vợ lại nói hơi nhiều, đôi lúc không tránh khỏi to tiếng. Lần ấy, khi cu Ken xuýt soát 3 tuổi, nói còn chưa sõi, vì một chuyện nho nhỏ, nhưng cứ lời qua tiếng lại, ông cao giọng lúc nào không biết. Thật bất ngờ, thằng cu từ đầu vẫn theo dõi ông bà, lúc ấy chợt bật lên: “Ông bìn tín, ông ơi bìn tín!”.

Cả ông và bà đều ngẩn ra và… bật cười. Cái nóng, cái tức như đi đâu hết, vợ chồng quay sang hỏi nhau không biết nó học được câu ấy từ lúc nào? Cũng từ lần ấy, ông luôn tự nhủ phải kiềm chế, nhất là trước mặt đàn cháu nội, ngoại lít nha lít nhít.

Cũng từ khi có lũ cháu nội, ngoại, nhất là từ lúc cu Ken ra đời, vợ chồng ông Quảng tự dưng đổi cách xưng hô. Thay vì “anh anh, em em” đôi lúc họ gọi nhau bằng ông, bà. Và cái tần xuất ông ông, bà bà cứ dày thêm. Phần vì tuổi cũng đã cao, phần thì thấy cũng thú vị với cảm giác hạnh phúc bởi con cháu đùm đề.

Nhiều gia đình, bố mẹ dù tuổi đã cao vẫn không thích con cái gọi mình bằng ông bà theo cách gọi thay con. Bởi họ cho rằng nó xa cách. Ông Quảng cùng vợ lại thích cách gọi đó, vì thế cũng thuận miệng gọi nhau theo kiểu thay cho lũ cháu ấy. Và cũng từ cách xưng hô ấy, ông càng nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trước con cháu. Cũng bởi vậy, ông bà chú ý hơn trong lời ăn tiếng nói, cách xử sự, từ những việc nho nhỏ… Là để làm gương cho cháu!

Hôm rồi, đến nhà con trai, nghe con dâu nhờ chồng: Bố lấy hộ mẹ cái khăn lau! Ông bật cười và lại nghĩ đến câu: Sinh con rồi mới sinh cha…

Lê Ngọc Minh Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/truyen-ngan-sinh-con-roi-moi-sinh-cha-345112.html