'Sinh kế xanh' của đồng bào Tày ở Thanh Sơn

Hơn 70 ngôi nhà sàn với phong cách kiến trúc truyền thống của đồng bào Tày nằm thấp thoáng bên những khu vườn mướt mát. Phía xa, dòng suối bạc uốn mình len lỏi qua những thửa ruộng xanh mơn mởn, trải dài dưới chân núi Nà Thẳm. Đó là tâm điểm của bức tranh sơn thủy hữu tình đầy hấp dẫn mang tên Thanh Sơn - bản văn hóa-du lịch nằm sát biên giới Việt-Trung, đang ngày càng thu hút du khách đến với vùng đất địa đầu Hà Giang.

Các trò chơi truyền thống thường được đồng bào Tày ở Thanh Sơn tổ chức trong các dịp giao lưu với du khách đến thăm bản. Ảnh: Thái Bình

Diện mạo mới

Chúng tôi đến bản Tày Thanh Sơn (thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên) vào đúng tiết thanh minh, khi hoa rừng đủ sắc màu đang đua nhau nở trong nắng sớm. Ấn tượng đầu tiên in đậm trong tâm trí mỗi chúng tôi khi đặt chân đến vùng đất biên cương này là bộ mặt nông thôn sạch đẹp, được quy hoạch ngăn nắp, đâu ra đấy. Theo trưởng bản Nguyễn Văn Dụng, "bức tranh" cơ sở hạ tầng đồng bộ, chỉn chu của Thanh Sơn hôm nay chính là "trái ngọt" của đề án xây dựng mô hình "Bản văn hóa-du lịch tiêu biểu gắn Chương trình xây dựng nông thôn mới" do Tỉnh ủy Hà Giang chỉ đạo thực hiện từ tháng 3-2013 nhằm tạo ra bước phát triển mới về văn hóa gắn với du lịch trên địa bàn.

Do ý Đảng hợp lòng dân, quá trình triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng theo nội dung đề án, có đến gần một nửa số hộ trong bản Thanh Sơn tự nguyện hiến đất làm đường giao thông với tổng diện tích khoảng 16 nghìn mét vuông. Kinh phí trên cấp cùng với hàng trăm triệu đồng đóng góp dưới hình thức xã hội hóa đã tạo nên hình hài của con đường bê tông xuyên dọc bản rộng 6 mét, dài hơn một cây số và hệ thống đường xương cá rộng hơn một mét dẫn vào tất cả các gia đình trong bản.

Đường rộng mở ra - như một quy luật, đã làm cho cuộc sống của người dân tươi vui hơn. Đồng bào Tày nơi đây không còn cảnh "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", bữa đói bữa no như xưa kia. "Cái đói đã bị người bản mình "đuổi" ra khỏi cửa từ mấy năm nay rồi. Thanh Sơn là một trong những nơi ít ỏi còn lưu giữ được những phong tục, tập quán mang đậm bản sắc dân tộc Tày.

Dưới sự chỉ đạo, giúp đỡ của huyện, xã cùng sự nỗ lực, vươn lên của người dân trong bản, mô hình "Nhà sạch, vườn đẹp", "Cánh đồng mẫu" cùng hàng loạt phong trào khác như thi đua giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, tài nguyên, du lịch, cảnh quan vệ sinh môi trường... được triển khai hiệu quả đã tạo ra một diện mạo mới cho bản làng…" - Trưởng bản Dụng tự hào khoe với chúng tôi.

Mô hình "Nhà sạch, vườn đẹp", cùng nỗ lực giữ gìn cảnh quan vệ sinh môi trường đã tạo ra một diện mạo mới cho bản Thanh Sơn. Ảnh: Thái Bình

Lợi ích không thể nhìn thấy

Cũng theo Trưởng bản Nguyễn Văn Dụng, thành công lớn nhất sau hơn 4 năm triển khai thực hiện đề án "Bản văn hóa - du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới" ở Thanh Sơn là làm thay đổi được nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc chủ động tạo dựng "sinh kế xanh" cho chính mình nhằm mang lại nguồn thu từ du lịch cộng đồng.

Tuy nhiên, cái mà Thanh Sơn thu được không chỉ đơn thuần là những khoản thu nhập từ các dịch vụ phục vụ khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, tìm hiểu về phong tục, tập quán của người Tày, thưởng thức những làn điệu then, sli, lượn cũng như những món ăn dân tộc mà quan trọng hơn là những lợi ích không thể nhìn thấy từ việc phục hồi các di sản văn hóa truyền thống.

Cách đây chưa lâu, cũng như các địa phương khác ở vùng núi phía Bắc, người Tày ở Thanh Sơn phải đối mặt với thực trạng văn hóa truyền thống bị mai một, từ nhà ở, ngôn ngữ, sinh hoạt đến các tập tục văn hóa truyền thống. Còn bây giờ, mọi chuyện đã khác, đội văn nghệ dân gian với 25 thành viên cùng người già trong bản hầu như tuần nào cũng biểu diễn tính tẩu cùng các điệu dân vũ cổ như "Khắm khen mơi lảu" (nâng khăn mời rượu), "Nhôm khăn" (múa tung khăn)… phục vụ du khách.

"Ở Thanh Sơn, tại các buổi giao lưu với khách du lịch, nhiều trò chơi dân gian độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa của người Tày như đẩy gậy, ném còn… cùng các nghi thức của lễ hội truyền thống như Then Kin Pang, Nàng Han cũng thường xuyên được trình diễn, tái hiện. Thoạt nghe, chuyện có vẻ đơn giản nhưng về chiều sâu, nó có một ý nghĩa khó diễn tả hết. Đơn giản, những hoạt động văn hóa-du lịch đó đã góp phần giúp "người ngoài" hiểu sâu sắc hơn hình ảnh người Tày với vốn văn hóa lâu đời và hết sức đặc sắc…" - Trưởng bản Nguyễn Văn Dụng chốt lại.

Nông thôn mới là "cột mốc lòng dân"

Những gì chúng tôi được chứng kiến, trải nghiệm ở bản Tày Thanh Sơn đã cho thấy một điều hiển hiện là ở một vùng địa đầu biên giới Tổ quốc còn lắm khó khăn như Hà Giang nói chung, huyện Vị Xuyên nói riêng, hiệu quả của mô hình "Bản văn hóa-du lịch tiêu biểu gắn Chương trình xây dựng nông thôn mới" rất rõ nét. Nhờ mô hình này mà người dân thực sự hứng khởi trong việc đổi mới cách ăn, ở và chăn nuôi, vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan làng bản. Họ không chỉ tự giác trồng, chăm sóc cây xanh, tạo nên môi trường xanh, sạch, đẹp, mà còn nỗ lực giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc mình. Mô hình cũng cho thấy lợi ích dài lâu, bền vững khi cơ quan chức năng địa phương cho người dân cái "cần câu" để sinh sống.

Thực tế cho thấy việc đầu tư cho "ngành du lịch" ở Thanh Sơn không nhiều lắm, chủ yếu là đầu tư để tập huấn cho người dân các kỹ năng về dịch vụ du lịch và khôi phục lại các giá trị văn hóa truyền thống, nhưng lợi ích thu được lại rất lớn. Như vậy, trước thực trạng có những địa phương đầu tư tiền tỉ "xóa đói giảm nghèo", nhưng sau một thời gian, người dân nghèo vẫn hoàn nghèo, có thể lấy mô hình phát triển văn hóa-du lịch gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới như ở bản Tày Thanh Sơn để nhân rộng…

Về câu chuyện "sinh kế xanh" ở bản Thanh Sơn, ông Lý Xuân Lìn, Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy khẳng định rằng, về đích nông thôn mới không phải chỉ để đảm bảo các tiêu chí theo quy định. Đối với Thanh Sơn, mô hình Bản văn hóa-du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới còn có vai trò góp phần củng cố "cột mốc lòng dân" vững chắc hơn. "Nhờ bộ mặt nông thôn vùng biên ngày càng khởi sắc nên đời sống kinh tế-xã hội của địa phương, thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện. Đây chính là nền tảng để người dân yên tâm bám đất, bám làng bản, xây dựng vùng biên cương ngày càng giàu đẹp…" - Chủ tịch Lý Xuân Lìn đúc rút một câu ngắn gọn về phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã nói chung, bản Thanh Sơn nói riêng.

Thái Bình

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/sinh-ke-xanh-cua-dong-bao-tay-o-thanh-son/