'Sinh khí' Nhật Bản bào mòn vì nạn tự tử

Theo một báo cáo mới được chính phủ Nhật Bản, giai đoạn 2016-2017 đánh dấu số lượng trẻ em và thiếu niên tự tử cao nhất trong vòng 30 năm trở lại đây.

Con số giật mình

Theo CNN, số liệu khảo sát mới nhất cho thấy chỉ trong 2 năm 2016 và 2017, đã có 250 trẻ em thuộc độ tuổi tiểu học và trung học phổ thông tự tử vì nhiều lý do khác nhau. Theo truyền thông Nhật Bản dẫn lời Bộ trưởng Bộ Giáo dục nước này, các lý do có thể kể tới là nạn bắt nạt, vấn đề gia đình và căng thẳng. So với năm trước (2015), con số này cao cấp 5 lần và chỉ kém với năm 1986 (268 học sinh tử vẫn).

Tỷ lệ những người trẻ tại Nhật Bản, trong đó có cả học sinh tiểu học và học sinh cấp 3, đang tăng cao trong những năm gần đây. Ảnh: CNN.

"Số lượng học sinh tử vẫn luôn ở mức cao và đây là một vấn đề đáng báo động, cần phải được giải quyết" - ông Noriaki Kitazaki, quan chức Bộ Giáo dục Nhật Bản nói với các phóng viên. Thế nhưng, về phần mình, vị quan chức cũng không hề rõ lý do khiến cho số lượng vụ tự tử tiếp tục gia tăng.

Theo báo cáo của Tokyo, hầu hết các nạn nhân tự tử đều là học sinh trung học phổ thông. Trước đó vào hôm 1.9.2018 - thời điểm bắt đầu năm học mới tại Nhật Bản, chính phủ đã ghi nhận sự tăng vọt số lượng vụ tự tử. Đáng chú ý, đây là mức tăng hằng năm chứ không phải của riêng năm nay.

"Kỳ nghỉ hè dài đồng nghĩa với việc được ở nhà, tránh xa trường học. Đây là khoảng thời gian quý giá với những học sinh hay bị bạn học bắt nạt" - Nanae Munemasa (nay đã 20 tuổi) nói với CNN vào hồi 2015.

"Khi nghỉ hè kết thúc là phải quay trở lại trường học. Khi một học sinh bắt đầu lo lắng về việc bị bắt nạt sau khi đi học trở lại, người đó có thể nghĩ tới chuyện tự tử".

Theo CNN, bản thân Munemasa cũng đã từng nghĩ tới việc tử tự vì bị bạn học bắt nạt. Tuy nhiên, cô gái đã cân nhắc lại và quyết định kể lại câu chuyện của mình cho công chúng nhằm giúp những người trẻ khác có hoàn cảnh giống mình.

Khủng hoảng tự tử

Theo Cục Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản, cho dù tổng số vụ tự tử trên toàn quốc đã giảm từ mức 34.427 vụ (2003) xuống còn 21.321 vụ (2017), số vụ tự tử ở giới trẻ lại tăng lên trong năm tài chính 2017 vừa qua. Trước đó vào năm 2016, chính phủ đã công bố kế hoạch nhằm cắt giảm 30% số vụ tự tử ở Nhật Bản vào năm 2026. Đặc biệt, Tokyo sẽ tập trung kế hoạch vào giới trẻ - nguồn "sinh khí quốc gia" quý giá vốn đã và đang bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ sinh sản thấp. Những biện pháp sẽ được Tokyo triển khai là thuê các tư vấn viên cho mọi trường tiểu học, trung học phổ thông trên toàn quốc cũng như thiết lập đường dây nóng 24/24h.

Cứ vào ngày 1.9 - thời điểm bắt đầu năm học hàng năm ở Nhật Bản, số lượng học sinh tự tử được ghi nhận lại tăng vọt. Ảnh: Behrouz Mehri.

"Chúng tôi rất muốn chấm dứt vĩnh viễn những bi kịch như thế này. Thế nhưng, sự thật là hàng năm, vẫn có hàng trăm đứa trẻ quyết định tự lấy đi mạng sống của mình" - ông Koju Matsubayashi, quan chức thuộc Bộ Giáo dục Nhật Bản nói với tờ Thời báo Nhật Bản.

"Điều quan trọng là phải dạy cho những đứa trẻ cách tìm kiếm sự trợ giúp cần thiết càng sớm càng tốt... Lý do là khi chúng chịu các áp lực tinh thần, việc nhờ người khác trợ giúp sẽ ngày càng khó khăn theo thời gian. Hi vọng của các em sẽ tắt dần cho đến khi tự giải thoát bản thân bằng cái chết là lựa chọn duy nhát mà các em có".

Được biết, không chỉ có Nhật Bản, nhiều quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng phải vận lộn với tỷ lệ tự tử cao - nguyên nhân tử vong hàng đầu trong giới trẻ ở các nước này. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tại châu Á, Hàn Quốc là nước có tỉ lệ tự tử cao nhất với 26,9 vụ/100.000 người (số liệu năm 2017), nhiều hơn Nhật Bản (18,5 vụ/100.000 người) và gấp hơn 8 lần so với Philippines (3,2 vụ/100.000 người). Tại Hong Kong (Trung Quốc), tự tử cũng là nguyên nhân tử vong hàng đầu tại thành phố này.

Theo CNN, tại nhiều quốc gia Đông Á, văn hóa làm việc cường độ cao, hết mình đã gây ra tình trạng căng thẳng cho người lao động. Song song với đó, tại nhiều vùng, các nạn nhân thường e ngại việc điều trị trầm cảm hoặc các biện pháp can thiệp tương tự giúp giảm tình trạng tự tử do sợ định kiến xã hội hoặc sợ làm phiền gia đình, bạn bè.

Đáng chú ý, nghiên cứu cho thấy tình trạng tự tử có tính lây lan - tức là một người hay một nhóm người tự tử sẽ khiến những người khác, đặc biệt là những người vốn bị căng thăng, ức chế về tinh thần xung quanh và đang có sẵn ý muốn tự tử, có thiên hướng hành động tương tự.

Tiểu Đào (Theo CNN)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/sinh-khi-nhat-ban-bao-mon-vi-nan-tu-tu-929729.html