Sinh lộ cho điện tái tạo dư thừa

Tận dụng nguồn cung dư thừa từ những nhà máy điện tái tạo để sản xuất hydro được kỳ vọng mở ra lối thoát cho hàng loạt dự án đang nằm chờ lên lưới.

Canada đang lắp đặt nhà máy sản xuất hydro công suất 11.000 tấn/năm tại Quebec, dự kiến đi vào hoạt động cuối 2023. Đây là nhà máy sản xuất hydro xanh lớn nhất thế giới với sản lượng điện đầu vào 88 MW/ngày.

Ông Lê Trung Nam - Phó tổng giám đốc The Green Solutions.

Hydro xanh hàm ý rằng đầu vào của dự án là điện sản xuất từ năng lượng tái tạo.

Ở Việt Nam, The Green Solutions cũng vừa tổ chức khởi động dự án sản xuất hydro xanh tại xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Với công suất thiết kế 200 MW/ngày, lượng điện nhà máy tiêu thụ còn lớn hơn nhu cầu điện năng của toàn tỉnh Trà Vinh.

Nhà máy của The Green Solutions có năng lực sản xuất 24.000 tấn hydro/năm. Phụ phẩm gồm ammonia làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân đạm, còn khí oxy dùng trong y tế.

Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 8.000 tỷ đồng (tương đương 300 triệu USD). Thông tin từ The Green Solutions cho hay hiện tập đoàn đang thảo luận với một quỹ đầu tư thuộc Chính phủ Hoa Kỳ để tài trợ vốn đầu tư của dự án. Đồng thời đang thảo luận với các nhà tài trợ trong nước và quốc tế khác.

Cùng tắc biến

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 11/2017 cho phép mua điện mặt trời với giá 9,35 cent/kWh (tương đương 2.086 đồng/kWh theo tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 10.4.2017), điện tái tạo bùng nổ. Năm 2021, công suất điện tái tạo đạt khoảng 20.000 MW, chiếm khoảng 30% tổng công suất nhưng tỷ lệ huy động lên lưới mới chỉ chiếm 12%. Nguyên nhân được thảo luận trên nhiều diễn đàn là điện tái tạo thiếu tính ổn định, tác động đến an toàn vận hành hệ thống. Chính phủ tạm dừng chính sách trợ giá đối với điện tái tạo, nhiều dự án hoàn thiện cũng chưa thể đấu nối vào lưới và nhiều dự án khác đang chờ phê duyệt.

Đằng sau nguồn năng lượng tái tạo dư thừa này là hệ thống ngân hàng. “Chúng tôi cũng có một dự án điện gió 800 MW tại Bến Tre chờ phê duyệt”, ông Lê Trung Nam - Phó tổng giám đốc The Green Solutions, cho biết động lực đi tìm công nghệ chuyển đổi điện năng dư thừa thành hydro. Dạng tích năng này có thể thay thế xăng dầu chạy tàu biển, xe hơi…

Theo AutoExpress, Toyota đã trình làng mẫu xe chạy hydo mang nhãn hiệu Mirai tại thị trường Hoa Kỳ từ 2014. Năm 2020, phiên bản thứ hai tiếp tục được giới thiệu. Ngoài Toyota, thị trường xe hơi sử dụng nhiên liệu hydro còn có sự góp mặt của Hyundai với nhãn hiệu Nexo. Phân khúc này sẽ có thêm sự góp mặt của một số thương hiệu hạng sang trong vòng 5 năm tới, cũng theo AutoExpress ngày 31.1.2022.

Cũng như xăng dầu, hydro được nén trong các trụ bơm với thời gian tiếp liệu khoảng 5 phút. Mặc dù vậy, giá cả là một trong những rào cản đáng kể khiến xe hơi hydro chưa phổ biến so với động cơ đốt nhiên liệu hóa thạch. Đã có những tín hiệu cho thấy vấn đề này có thể được giải quyết trong tương lai gần. Một báo cáo do HydrogenCouncil và McKinsey&Company thực hiện cho biết tính đến đầu năm 2021, đã có hơn 30 quốc gia công bố lộ trình phát triển hydro, hơn 200 dự án sản xuất hydro mà nếu triển khai hết thì tổng vốn đầu tư vượt 300 tỷ USD từ nay đến 2030.

Ở Anh, hãng BP đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất hydro xanh công suất 1 tỷ GW hydro xanh vào năm 2030, tương ứng 20% công suất mục tiêu mà Chính phủ nước này đặt ra đến cuối thập niên này.

Hãng tin Reuters hồi tháng 5.2021 loan tin Chính phủ Nhật Bản tuyên bố dành 3,4 tỷ USD từ quỹ đổi mới sáng tạo xanh dành cho hoạt động nghiên cứu, thúc đẩy sử dụng hydro trong 10 năm tới. Nhật Bản không che giấu tham vọng thúc đẩy lượng cầu lên 3 triệu tấn hydro vào năm 2030 từ mức tiêu thụ 2 triệu tấn hiện nay, đồng thời hướng đến mục tiêu 20 triệu tấn hydro vào năm 2050.

Ngoài Trà Vinh, The Green Solutions có kế hoạch triển khai song song các dự án tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khác. Mỗi dự án có công suất từ 220 MW đến 260 MW. Nguồn lực đã có. Vấn đề còn lại đối với tiến độ đầu tư của doanh nghiệp là thủ tục hành chính.

Khu vực tư cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực. Một liên danh gồm hai công ty Nhật Bản là Eneos và Chiyoda đang tìm kiếm địa điểm để xây dựng nhà máy sản xuất hydro xanh có công suất 300 ngàn tấn/năm vào năm 2030 với mức giá 3 USD/kg, tức còn 1/3 so với thị giá thời điểm tháng Giêng 2021, theo Nikkei Asia. Theo mức giá này, hydro có thể cạnh tranh sòng phẳng với nhiên liệu hóa thạch.

Nhật Bản cũng chính là thị trường đích tiêu thụ toàn bộ sản lượng hydro từ nhà máy tại Trà Vinh. Bất lợi của địa phương này nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung là chưa có cảng nước sâu đủ năng lực tiếp nhận tàu vận tải có trọng tải lớn. Đầu tư cảng vượt quá khả năng chịu đựng của doanh nghiệp. Giải pháp kỹ thuật đỡ tốn kém hơn là đầu tư đường ống kết nối với phao nổi ngoài khơi, thuận lợi cho tàu cặp mạn, xuống hàng.

Dỡ rào cản chính sách

Xu hướng thế giới chuyển động trong một nỗ lực chung hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng zero vào năm 2050, cũng chính là cam kết của Việt Nam. Cơ hội tiếp cận tín dụng mở rộng hơn nhờ sự góp mặt của nhiều định chế tài chính quốc tế. Ngân hàng HSBC Việt Nam hồi đầu năm công bố cam kết thu xếp nguồn vốn 12 tỷ USD tài trợ trực tiếp và gián tiếp cho các dự án bền vững của Việt Nam và các doanh nghiệp tại Việt Nam cho đến năm 2030. Nguồn lực này là một phần trong cam kết về cân bằng khí thải của HSBC, nhằm cung cấp từ 750 tỷ USD đến 1.000 tỷ USD đến năm 2030 để tài trợ và đầu tư bền vững, hỗ trợ các doanh nghiệp khi họ chuyển sang các phương thức kinh doanh bền vững hơn và giảm phát thải carbon.

Nhìn về tương lai, ông Nam cho rằng giá điện tái tạo sẽ ngày càng rẻ hơn nhờ tiến bộ công nghệ cộng hưởng với lợi thế kinh tế theo quy mô. Thế giới đã nghiên cứu thành công nhiều công nghệ điện gió ngoài khơi, công suất lớn có thể giảm 20 - 30% chi phí đầu tư và vận hành trong suốt vòng đời của dự án, ông Nam dẫn chứng.

Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp, giá điện đầu vào bao nhiêu là câu hỏi then chốt tại thời điểm này. Việt Nam chưa có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh khiến The Green Solutions buộc phải mua điện tái tạo dư thừa từ EVN. Giá điện sản xuất kinh doanh hiện nay khoảng 5,6 cent/kWh vẫn cao hơn nhiều so với kỳ vọng của doanh nghiệp. Lựa chọn thứ nhất là cơ chế khuyến khích theo hình thức trợ giá. Lựa chọn thứ hai, đỡ gánh nặng cho Chính phủ, là cho phép mua điện trực tiếp từ những nhà máy điện tái tạo đang dư thừa công suất.

Theo ông Lê Trung Nam, phương án thí điểm này đang được Bộ Công Thương nghiên cứu.

Bài: Thượng Tùng - Ảnh: NVCC

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/sinh-lo-cho-dien-tai-tao-du-thua-34287.html