Sinh sản hốt tiền

Các nhà đầu tư đang đổ tiền vào các công ty cung cấp dịch vụ sinh sản.

Những dòng chữ màu xanh chào đón các chị em phụ nữ tại Trellis, một công ty đông lạnh trứng ở New York, Mỹ: “Tùy vào mỗi chúng ta muốn sáng tạo ra tương lai của chính mình”. Tại đây, không hề treo một bức hình em bé nào để khích lệ những chị em phụ nữ đang hồi hộp chờ đợi như thường thấy tại các phòng khám sản khoa truyền thống. Thay vào đó, Casy Tarnas, phụ trách bộ phận trải nghiệm khách hàng, lại mời các chị em uống một loại nước có màu xám đậm được giới thiệu là “tốt cho sức khỏe sinh sản”. Những áo choàng vải cotton Thổ Nhĩ Kỳ chờ sẵn để khách mặc vào. Nếu điều này tạo cho bạn cảm giác giống như một phòng spa hơn là phòng phẫu thuật, thì đó chính là ý tưởng của Trellis.

Ngành sinh sản mang đến hy vọng cho những người khó mang thai tự nhiên, nay lại mở rộng đối tượng khách hàng sang cả những người muốn làm ông bố, bà mẹ đơn thân, các cặp đồng tính và trong trường hợp của Trellis là cho một tầng lớp khách hàng đang tăng nhanh: những phụ nữ trẻ muốn hoãn sinh con trong khi đang theo đuổi sự nghiệp hoặc chờ đợi “nửa kia”. Vì thế, họ tìm đến dịch vụ đông lạnh trứng - công nghệ hứa hẹn lưu trữ trứng khỏe mạnh của những phụ nữ trẻ đến khi họ sẵn sàng lập gia đình.

Miễn nhiễm với suy thoái

Data Bridge dự đoán vào năm 2026 ngành sinh sản toàn cầu có thể tạo ra doanh số bán 41 tỉ USD, từ mức 25 tỉ USD hiện tại. Tại Mỹ, cứ 60 người thì có 1 người được sinh ra nhờ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và các phương pháp điều trị khác có bàn tay con người can thiệp. Tại Đan Mạch, Israel và Nhật, cứ 25 người thì có hơn 1 người nhờ vào các phương pháp nhân tạo như thế. Tỉ lệ này đang gia tăng nhanh. Tại Trung Quốc, doanh thu có thể tăng gấp đôi lên tới hơn 7 tỉ USD vào năm 2023, theo Frost & Sullivan.Biên lợi nhuận hoạt động lại cao, lên tới khoảng 30% tại Mỹ cho một lần thực hiện IVF giá 20.000USD. Điểm đặc biệt là nhu cầu có con luôn mạnh mẽ dù nền kinh tế có suy thoái. Chính những lý do trên, giới đầu tư luôn hứng thú với ngành kinh doanh siêu lợi nhuận này.

Năm 2018 các công ty cung cấp dịch vụ sinh sản đã nhận 624 triệu USD từ những nhà đầu tư mạo hiểm và các công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân, so với chưa tới 200 triệu USD vào năm 2009, theo Pitchbook. Tháng 6, Jinxin Fertility đã huy động 360 triệu USD qua IPO, đợt IPO đầu tiên trên sàn Hồng Kông của một công ty cung cấp dịch vụ sinh sản Trung Quốc. Vốn hóa thị trường của Vitrolife, một công ty Thụy Điển niêm yết, đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 2015, đạt 2 tỉ USD.

Dòng tiền không chỉ đổ vào lĩnh vực điều trị vô sinh (như các phòng khám IVF) mà còn vào việc bảo vệ sức khỏe sinh sản (như phòng khám đông lạnh trứng) và chẩn đoán liệu một người có cần điều trị hoặc đông lạnh trứng/tinh trùng để phòng hờ cho ngày sau (như các phòng khám kiểm tra và theo dõi). Trong số những dịch vụ này, điều trị vô sinh là phân khúc trưởng thành nhất. Tuy nhiên, thị trường này vẫn còn phân mảnh dù đã trải qua 41 năm sau khi đứa trẻ thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên ra đời.

Sóng M&A

Tại Mỹ và châu Âu, xu hướng liên doanh liên kết đang diễn ra. Các hãng đầu tư vốn cổ phần tư nhân cho rằng họ có thể cắt giảm chi phí, thu thập nhiều dữ liệu bệnh nhân hơn và xây dựng thương hiệu như cách họ đã làm với các phòng khám nha khoa. Tháng 7.2019, Impilo, một công ty đầu tư Na Uy sở hữu Fertility Partnership của Anh, đã đồng ý mua lại VivaNeo, chủ sở hữu chuỗi phòng khám ở Áo, Đức và Hà Lan. Trung Quốc, nơi số phòng khám sản khoa bùng nổ từ 88 lên 451 phòng khám trong giai đoạn 2006-2016, có thể là điểm đến tiếp theo. Ở khắp mọi nơi trên thế giới, phòng khám đang bùng nổ các dịch vụ mới đắt tiền, từ tầm soát thai để chẩn đoán các vấn đề về gen cho đến phẫu thuật cấy phôi vào tử cung.

Một phân khúc đang tăng trưởng nhanh là bảo quản trứng/tinh trùng nhờ những đột phá gần đây về giao tử kết đông nhanh, giúp tăng mạnh tỉ lệ sống sót của tinh trùng và trứng đông lạnh sau khi rã đông. Vì thế, cơ hội có con cũng gia tăng đối với phụ nữ sau 35 tuổi, vốn chứng kiến tế bào trứng thoái hóa nhanh.

Quy trình đông lạnh trứng đã bùng nổ ở Mỹ kể từ khi Hội Y học sinh sản Mỹ gỡ nhãn “thử nghiệm” khỏi kỹ thuật đông lạnh trứng vào năm 2012. Năm 2017, gần 11.000 phụ nữ Mỹ đã đông lạnh trứng, cao hơn 24% so với năm trước đó. Tại Anh, số chu kỳ đông lạnh trứng đã tăng gấp đôi giai đoạn 2013-2016, lên tới 1.321 chu kỳ. Những phòng khám cung cấp dịch vụ đông lạnh trứng cho biết biên lợi nhuận của kỹ thuật này tương đương với kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.

Nhiều doanh nghiệp cũng đang nhắm tới cung cấp dịch vụ đông lạnh tinh trùng cho nam giới. Legacy (trụ sở ở Geneva) trữ tinh trùng đông lạnh trong một boong-ke hạt nhân ở Thụy Sĩ. Dadi, một công ty ở Brooklyn, cũng cung cấp dịch vụ trữ tinh trùng với giá 99USD. Theo Tom Smith, nhà sáng lập Dadi, các khách hàng của Công ty có độ tuổi trung bình là 31 tuổi; những người này nhận ra rằng nam giới cũng có vòng đời sinh học.

Em bé cũng là đối tượng được nhắm tới. Everlywell và Modern Fertility mời chào một gói dịch vụ có giá 160USD, theo đó trích đầu ngón tay lấy một giọt máu hoặc mẫu nước miếng, sau đó phân tích để kiểm tra các vấn đề tiềm tàng liên quan đến hormon. Celmatix, một startup khác, cũng cung cấp gói thử nghiệm có giá đắt hơn giúp nhận diện các vấn đề về gen liên quan đến sinh sản.

Tuy nhiên, những công ty cung cấp dịch vụ sinh sản cũng gây nhiều tranh cãi. Năm ngoái, 2 công ty Mỹ là Pacific và Cleveland Medical Centre đã làm mất trứng và phôi do lỗi ở khâu bảo quản. Không ít phòng khám bị tố cáo thổi phồng tỉ lệ thành công. Ở Anh, chỉ 41 đứa trẻ sinh ra nhờ kỹ thuật đông lạnh trứng vào năm 2016, không phải là con số đủ để trấn an người mong con.

Nhưng những điều đó không làm vơi đi khao khát có con của phụ nữ, đàn ông và cả tham vọng của các nhà đầu tư. Bằng chứng là tiền vẫn không ngừng đổ vào các công ty cung cấp dịch vụ sinh sản. Các nhà đầu tư cũng có lý do để kỳ vọng vào những tiến bộ công nghệ bởi dòng vốn ồ ạt đổ vào nghiên cứu sẽ giúp cải thiện tỉ lệ thành công.

Văn Quốc

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/song/sinh-san-hot-tien-3330045/