Sinh viên ăn cơm từ thiện: Nhát chém vào lòng tự trọng hay cách học trả ơn?

Một vấn đề đang gây tranh cãi hiện nay trên cộng đồng mạng và khắp các diễn đàn, là liệu sinh viên sức dài vai rộng, ăn cơm từ thiện 2.000 đồng có phải là thiếu lòng tự trọng hay không?

Bức ảnh chụp sinh viên sắp hàng ở quán cơm 2.000 đồng gây tranh cãi. Ảnh: FB

Nhiều người ủng hộ sinh viên nghèo “hãy đến ăn đi, sau này sẽ trả”.

Nhưng từ đó có thể nhìn thấy một vấn đề lớn khác: Tại sao sinh viên không nghĩ họ có thể phụ quán đổi lấy bữa cơm để không ai nói này nói nọ? Họ cũng có thể tham gia các hoạt động của quán để tỏ lòng biết ơn và học cách cho đi sau khi đã nhận…

Đừng làm sinh viên nghèo tổn thương

Tranh cãi bùng phát khi anh Vũ Tuấn Anh - người sáng lập dự án phát triển nghề nghiệp cộng đồng cho sinh viên - nói về việc sinh viên sức dài vai rộng ăn cơm từ thiện của người nghèo.

Chính anh là người đã đăng tải hình ảnh nhiều bạn sinh viên xếp hàng mua cơm từ thiện tại một quán cơm 2.000 đồng ở quận 1, TPHCM. Bức xúc trước hình ảnh này, Tuấn Anh cho rằng các sinh viên nên chăm chỉ, tìm kiếm công việc phù hợp để kiếm tiền, chứ đừng trông chờ vào miếng ăn miễn phí bởi nó vốn được dành cho những người nghèo.

Ngay sau đó, một số người lên tiếng đồng tình với nhận xét của anh Tuấn Anh khi cho rằng sinh viên hoàn toàn có thể làm thêm để kiếm tiền nuôi sống bản thân nhưng dường như ỷ lại. Nếu thỉnh thoảng ăn cơm từ thiện thì không sao, còn nếu thường xuyên sắp hàng thì không nên, vì nhiều người nghèo cần cơm hơn họ.

Ngược lại, rất nhiều ý kiến phản đối anh Tuấn Anh, cho rằng nên đặt mình vào hoàn cảnh sinh viên khó khăn để thông cảm cho họ, chứ đừng vội phán xét là họ không có lòng tự trọng.

Trước làn sóng tranh cãi gay gắt đó, chủ nhiệm quán cơm 2.000 đồng ở Sài Gòn cũng phải lên tiếng với báo chí: “Chúng tôi không đồng tình với ý kiến của anh Tuấn Anh. Đối tượng của quán Nụ Cười là người lao động có thu nhập thấp, người cao tuổi neo đơn, học sinh, sinh viên.

Các em sinh viên ở tỉnh vào thành phố học tập vẫn còn phụ thuộc nhiều vào cha mẹ. Các em có rất nhiều khoản để chi tiêu như: Tiền nhà trọ, tiền học phí, sách vở, đi lại... Vì thế chúng tôi hỗ trợ suất ăn mong rằng giúp các em tiết kiệm được một ít cho chi phí của mình”.

Nhân viên quán cho biết nhiều bạn sinh viên đến ăn xong rồi ủng hộ thêm cho quán. Cũng có những sinh viên ăn cơm từ thiện, rồi trở lại làm từ thiện. Đó mới là thành công của quán - tạo dựng một lớp người trẻ tiếp nối và chắc rằng họ sẽ không quên ơn những người đã cưu mang họ đi qua cơn đói thời sinh viên.

Gieo mầm từ thiện

Thạc sĩ tâm lý Ngô Minh Duy, Chuyên gia tâm lý Trung tâm Đào tạo và Chăm sóc Tinh thần Ý Tưởng Việt, nhìn nhận: “Hoạt động từ thiện ngày càng phổ biến trong xã hội, đó là một lối sống đẹp cần nhân rộng trong xã hội trên tinh thần giúp đỡ lẫn nhau. Khi làm từ thiện, người làm từ thiện cho đi với tâm không phân biệt thì đối tượng nào được nhận không là vấn đề quan trọng, nên những người làm từ thiện thuộc nhóm này họ luôn “mở rộng cửa” chứ không phàn nàn gì.

Khi đã làm từ thiện, người ta không muốn thu lại một khoản tiền nào mà chỉ muốn cho đi. Tuy nhiên, để người nhận đỡ ái ngại và khỏi phải xấu hổ khi phải đi xin, để xóa tan đi mặc cảm của người nhận nên mới có trường hợp “quán cơm 2.000”. Như vậy, xét từ phía người làm từ thiện, bản thân họ không có phân biệt đối tượng. Từ thiện thật sự có ý nghĩa khi người cho vui vẻ và người được nhận cũng vui vẻ.

Sinh viên, học sinh - những trí thức tương lai đi ăn cơm từ thiện cũng không có gì là xấu cả. Hầu hết những trường hợp này là có hoàn cảnh khó khăn nên họ mới nhận sự giúp đỡ của người khác. Chỉ có một số ít người đến quán cơm từ thiện nhưng họ không thật sự khó khăn mà là do một số tính cách cá nhân nên họ mới hành động như vậy mà thôi.

Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn ở góc độ tích cực thì có thể những người nhận được sự giúp đỡ từ những hoạt động từ thiện này được tập nhiễm ý nghĩ và hành vi từ thiện và có thể sau này họ sẽ là những người làm từ thiện trong tương lai. Có những người khi ăn cơm từ thiện mà nhận ra sự khác biệt giữa người làm từ thiện và bản thân, từ đó họ thay đổi chính bản thân mình.

Vì thế, theo cá nhân tôi, học sinh, sinh viên đi ăn cơm từ thiện là việc bình thường, miễn họ vui vẻ với tấm lòng của người làm từ thiện và vui vẻ đón nhận là được chứ không phải là hành vi thể hiện sự thiếu lòng tự trọng, ỷ lại, ăn bám hay đáng lo cho một thế hệ đói ăn, nghèo túng sau này liệu có “làm nên cơm cháo” gì hay không.

Tất cả những ý nghĩ đó hầu hết là do sự tưởng tượng và suy luận của người ngoài cuộc mà thôi. Vì vậy, chúng ta đừng làm cho những tấm lòng có tâm từ thiện bị lung lay, dao động và người được nhận cảm thấy ái ngại hơn khi phải hứng chịu “búa rìu” của dư luận.”

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ, một người từng qua thời sinh viên rất nghèo nên chị cảm thông với các bạn trẻ bây giờ. Tuy nhiên, chị Thúy cho rằng: Các bạn không nên ghé thường xuyên, mỗi tuần chỉ 1 - 2 lần. Còn nếu muốn thoải mái trong lòng, hãy phụ quán để đổi lấy bữa cơm mà không bị ai chỉ trích cả. Cũng có thể hễ có lúc rảnh rỗi, các bạn tới làm giúp các nhân viên trong quán như rửa chén, dọn dẹp...

“Theo tôi, không nên chỉ trích các bạn, mà chỉ cần có sự trao đổi bằng sức lao động thì chẳng ai có ý kiến gì”, chị chia sẻ.

Chị Thúy phân tích thêm: Tuy nhiên, bên cạnh số đông bạn trẻ hay đi làm từ thiện ở các ngôi chùa và bệnh viện, cũng có một bộ phận giới trẻ khiến chúng ta không hiểu được quan điểm sống của họ như thế nào. Họ không quá thiếu thốn song vẫn nhận phần cơm của người nghèo.

Trong thực tế, Hội quán Các bà mẹ làm nhiều dự án từ thiện, song lạ là các bạn sinh viên khoa xã hội học chỉ thường nhắn hỏi thông tin, hoặc chỉ gửi mail chứ chưa bao giờ ghé tới tham quan thực tế hay tham gia dự án cả, trong khi chúng tôi sẵn sàng đón nhận thực tập. Đó chính là điều tôi tiếc cho họ.

minh thi

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/dien-dan/sinh-vien-an-com-tu-thien-nhat-chem-vao-long-tu-trong-hay-cach-hoc-tra-on-571058.ldo