Sinh viên Đà Nẵng khởi nghiệp với mực vẽ từ nông sản bỏ đi

Tận dụng rau, củ, quả thừa từ các chợ, nông trại, nhóm sinh viên Đại học Đà Nẵng đã sáng tạo ra các sản phẩm mực viết và màu vẽ. Với quy trình lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, sản phẩm được đánh giá cao bởi cộng đồng mỹ thuật và giới chuyên môn trong ngành Hóa ứng dụng.

Dự án Mực thực vật Botanical Inks (BINKS) của 5 sinh viên Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh – VNUK (Đại học Đà Nẵng) đã xuất sắc vượt qua hàng trăm đối thủ để lọt top 50 chung cuộc "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp – SV-STARTUP" lần VI do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Nhóm sinh viên VNUK và sản phẩm Mực thực vật BINKS.

Mực thực vật BINKS là sản phẩm tâm huyết của: Trần Nhân Kiệt (ngành Khoa học Y sinh), Nguyễn Hoàng Thanh Trâm (ngành Khoa học máy tính), Lê Văn Minh Tuấn, Lê Ngọc Anh Phương và Phạm Như Uyên Nhi (ngành Quản trị Kinh doanh quốc tế).

Trò chuyện với phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong, Trưởng nhóm Nhân Kiệt cho biết: “Mỗi năm có hàng trăm tấn phụ phẩm rau, củ, quả bị vứt bỏ, gây lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, rất nhiều phụ huynh lo lắng về tính an toàn của các loại mực viết, màu vẽ mà con họ sử dụng. Nhu cầu về những sản phẩm thân thiện với môi trường cũng ngày một gia tăng”.

Từ thực tế trên, nhóm nghĩ đến việc tận dụng các nông sản bị vứt bỏ để tạo ra mực viết và màu vẽ. Các bạn đã nghiên cứu quá trình biến đổi màu sắc của hợp chất anthocyanin thu được từ rau, củ, quả để sản xuất mực viết, màu vẽ mỹ thuật mà không cần sử dụng thêm bất kỳ hóa chất gây hại nào.

Trưởng nhóm Nhân Kiệt nghiên cứu sản phẩm trong phòng thí nghiệm.

Về mặt công nghệ, quy trình sản xuất mực viết và màu vẽ từ anthocyanin - một nhóm hợp chất tạo màu tự nhiên trong rau, củ, quả của BINKS là hoàn toàn mới và chưa từng được áp dụng tại Việt Nam. Để có được công thức tối ưu, nhóm đã trải qua vô số lần thử nghiệm, điều chỉnh các thông số như nhiệt độ, độ pH… để có được sản phẩm với chất lượng cao nhất.

Yếu tố sáng tạo của BINKS là việc tận dụng nguồn phế phẩm rau, củ, quả bị vứt bỏ để sản xuất. Đây là bước đi mới so với các dòng sản phẩm truyền thống, mang lại lợi thế về tính thân thiện với môi trường và vượt trội hơn đối thủ cạnh tranh về chỉ số chất lượng.

Tính bền vững của BINKS còn thể hiện qua chiến lược sản phẩm và thương hiệu. Nhóm đang định vị mực viết sạch từ rau, củ, quả như một lựa chọn vừa xanh, vừa chất lượng cao, nhằm thay đổi nhận thức và hành vi tiêu dùng của cộng đồng.

Qua thử nghiệm, mực viết và màu vẽ BINKS không chứa hóa phẩm độc hại tạo màu, giá thành rẻ hơn và độ khô màu nhanh gấp khoảng 6 lần so với màu nước trên thị trường (3-4 phút so sánh với 25-30 phút). Các chuyên gia cũng đánh giá đây là sản phẩm có khả năng sản xuất quy mô lớn và phân phối rộng rãi.

Cận cảnh bức vẽ sử dụng màu vẽ thực vật BINKS.

Một số lớp học vẽ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã thử nghiệm mực thực vật BINKS và có phản hồi rất tích cực về chất lượng sản phẩm. Dự án còn tiềm năng mở rộng trên thị trường thương mại điện tử đang tăng trưởng mạnh 22,3%/năm.

“Riêng tại Đà Nẵng, hơn 100 sản phẩm đã được bán ra trong giai đoạn từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024. Đây là tiền đề quan trọng để thương mại hóa sản phẩm vào giai đoạn sau với 2 hướng đi mới là mực in và màu nhuộm vải, 2 nguyên liệu đang chiếm lĩnh nền công nghiệp dệt may và in ấn”, Nhân Kiệt chia sẻ.

Sản phẩm khi được đóng gói và dán nhãn, sẵn sàng để bán ra thị trường.

Trong quá trình sản xuất BINKS, cả nhóm đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các giảng viên chuyên ngành Hóa sinh, Hóa phân tử và Hóa ứng dụng của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh - VNUK và Trường Đại học Y Dược (Đại Học Đà Nẵng).

“Đại bản doanh” của nhóm là 4 phòng thí nghiệm và không gian sáng chế Maker Innovation Space trực thuộc VNUK. Từ mùa hè 2023, đây là nơi mà các thành viên đã cùng nhau nghiên cứu, sản xuất, cải thiện và bước đầu đưa ra sản phẩm ra thị trường.

“Dù vẫn chưa có doanh nghiệp hay tổ chức lớn nào tài trợ trực tiếp, nhưng chúng mình rất vui vì nhận được các góp ý quý báu từ nhiều chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp và đổi mới. Một số nhà phân phối, kinh doanh hoa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cũng đưa ra phản hồi tích cực với sản phẩm”, Nhân Kiệt tự hào kể.

Hiện tại, sản phẩm đang được kết nối với các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục như trường Mầm non Sao Mai - Long Sơn có quy mô 500 học sinh tại Vũng Tàu và dự án EcoLife để mở rộng thị trường tại các tỉnh Nam Bộ.

Trước khi lọt top 50 của SV-STARTUP năm nay, dự án Mực thực vật BINKS đã đạt giải Ba tại cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - VNUK Innovation Challenge 2023” do Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh tổ chức.

Còn đối với nhóm sinh viên, khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong suốt hành trình cùng BINKS là sự hứng thú của các em nhỏ với màu vẽ từ thực vật, cùng sự hồn nhiên và nụ cười trẻ thơ không ngại ngần. Đó còn là những lời đánh giá tích cực từ giáo viên dạy vẽ cùng các họa sĩ chuyên nghiệp với sản phẩm này.

Niềm vui ở lớp học vẽ sử dụng màu vẽ thực vật BINKS.

“Việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng cho những sản phẩm từ thiên nhiên, đặc biệt là nguyên liệu tái chế vẫn đang là mối quan tâm lớn để tạo tác động tích cực cho xã hội. Đó cũng là động lực to lớn để chúng mình tiếp tục hoàn thiện và phát triển dự án BINKS”, đại diện nhóm kết luận.

(Ảnh: NVCC)

Trịnh Vũ Lam Trang

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/sinh-vien-da-nang-khoi-nghiep-voi-muc-ve-tu-nong-san-bo-di-post1617997.tpo