Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội có thể chuyển ngành sau một năm học

Sau khi kết thúc năm nhất, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội có thể lựa chọn chuyển ngành học khác nếu đáp ứng một số điều kiện về điểm số học tập.

Theo Quy chế đào tạo bậc đại học vừa được Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành, từ khóa sinh viên 2022 trở đi người học có thể được chuyển ngành. Sinh viên phải có đầy đủ các điều kiện là: Đáp ứng điều kiện trúng tuyển của ngành muốn chuyển sang học; số tín chỉ tích lũy tối thiểu bằng khối lượng thiết kế theo kế hoạch học tập chuẩn của chương trình đào tạo; điểm trung bình trung các học phần tính đến thời điểm xét đạt từ 2.5 trở lên.

Sinh viên trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh minh họa)

Sinh viên trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, sinh viên có thể được chuyển ngành học nếu không bị cảnh báo học tập hoặc bị xét thi hành kỷ luật; đơn vị đào tạo còn chỉ tiêu đối với ngành sinh viên muốn chuyển đến; được sự đồng ý của chủ nhiệm khoa/bộ môn (đơn vị chuyên môn phụ trách ngành đào tạo) và thủ trưởng đơn vị đào tạo (đối với các trường thành viên), Giám đốc ĐH Quốc Gia Hà Nội (đối với các đơn vị đào tạo trực thuộc).

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng lưu ý quy chế mới ban hành không xem xét chuyển ngành học với sinh viên đã học từ năm thứ hai. Kết quả học tập của các học phần đã tích lũy của sinh viên chuyển ngành hoặc chuyển hình thức đào tạo sẽ được xem xét để bảo lưu và công nhận tương đương theo các học phần trong ngành mới.

Một điểm mới khác của quy chế này là sinh viên bắt buộc học ngoại ngữ theo chương trình đào tạo và lấy điểm tích lũy, điểm này được tính vào điểm trung bình chung trong kết quả học tập toàn khóa. Trước đó, để đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ, sinh viên không bắt buộc phải học môn này ở trường mà có thể dùng các chứng chỉ được công nhận để thay thế.

Quy chế áp dụng đối với các đơn vị và cá nhân tham gia vào quá trình đào tạo bậc đại học theo hình thức chính quy và hình thức vừa làm vừa học tại Đại học Quốc gia Hà Nội, bao gồm chương trình đào tạo và thời gian học tập; tổ chức và quản lý đào tạo; nghiên cứu khoa học của sinh viên; quyền lợi và nghĩa vụ của giảng viên, cố vấn học tập, sinh viên; kiểm tra, thi và đánh giá kết quả học tập; công nhận tốt nghiệp.

Quy chế đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội được xây dựng căn cứ theo Thông tư 08 năm 2021 của Bộ GD&ĐT. Thông tư này cho phép sinh viên tích lũy kết quả học từ một trình độ đào tạo khác được xem xét công nhận, chuyển đổi sang tín chỉ của những học phần trong chương trình đào tạo đang theo học.

Việc này do hội đồng chuyên môn của cơ sở đào tạo xem xét trên cơ sở đối sánh chuẩn đầu ra, nội dung và khối lượng học tập. Khối lượng được công nhận, chuyển đổi không vượt quá 50% khối lượng học tập tối thiểu của chương trình đào tạo.

Hà Cường

Nguồn VTC: https://vtc.vn/sinh-vien-dai-hoc-quoc-gia-ha-noi-co-the-chuyen-nganh-sau-mot-nam-hoc-ar720332.html