Sinh viên đổ xô xếp hàng xuyên đêm đăng ký thi TOEIC: Sao phải sợ nếu mình đủ năng lực?

Đó là câu hỏi được nhiều cán bộ quản lý giáo dục các trường ĐH đặt ra trước việc hàng nghìn SV TPHCM đổ xô xếp hàng đăng ký thi TOEIC xuyên đêm trước khi đơn vị này có thay đổi về cấu trúc đề thi vào ngày 15/2/2019.

Chiều ngày 4/12, số lượng SV đến IIG Việt Nam đăng ký thi TOEIC đã giảm nhiều nhưng vẫn còn xếp hàng dài

Chiều ngày 4/12, số lượng SV đến IIG Việt Nam đăng ký thi TOEIC đã giảm nhiều nhưng vẫn còn xếp hàng dài

Thiếu tự tin, sợ mất “mẹo” làm bài

Mặc cho đại diện của Tổ chức Giáo dục IIG Việt Nam (đơn vị đại diện của Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ (ETS)) ngay lập tức khẳng định những thay đổi trong cấu trúc đề thi mới sẽ không khó hơn nhiều so với đề thi cũ, hiện tượng SV rồng rắn xếp hàng đăng ký “thi vét” đợt cuối mẫu đề cũ vẫn không giảm.

Chứng kiến hiện tượng “bất thường” trên, giám đốc trung tâm ngoại ngữ một trường ĐH chỉ biết lắc đầu ngao ngán nói: “Tư duy ăn xổi, học đối phó nơi SV vẫn quá nặng nề”.

Ghi nhận tại nhiều trung tâm luyện thi TOEIC ở TPHCM đã và đang có đông SV theo học và ôn luyện luôn có một cam kết ngầm với SV rằng: Học đầy đủ - Thi sẽ đậu. Kiểu học và ôn luyện theo cấu trúc đề thi cũ (dựa trên kinh nghiệm đúc kết của giảng viên - hay còn gọi là “mẹo” làm bài) chính là nguyên nhân gây hoang mang và lo lắng cho SV khi IIG Việt Nam thông báo thay đổi cầu trúc đề thi.

Hiện tượng bất thường trên cũng chỉ ra rất rõ nhược điểm lớn nhất của phần đông SV khi học tiếng Anh trong nhà trường. Họ học để đối phó, học và luyện để lấy được chứng chỉ TOEIC rồi ra trường, chứ không phải học để phục vụ cho công việc hay nâng cao vốn ngoại ngữ cho mình.

Chia sẻ với chúng tôi về việc xếp hàng đăng ký “thi vét” đợt cuối theo cấu trúc đề thi cũ, em N.H.K (SV ĐH Bách khoa TPHCM - đơn vị yêu cầu đầu ra là bằng TOEIC quốc tế) thừa nhận do lo sợ cấu trúc đề thi mới sẽ khó hơn. Đặc biệt là em sợ mất “mẹo” làm bài.

“Thầy dạy em nói khi IIG đổi cấu trúc, đề thi sẽ khó hơn. Vốn Anh ngữ của em thật sự chưa cao, đặc biệt là phần nghe, mà nghe nói sắp tới trong nội dung phần nghe sẽ có thêm người thứ 3 nên em đăng ký thi sớm cho yên tâm. Vì nếu không, khi thay đổi cấu trúc đề thi mới, lại phải học và ôn luyện lại từ đầu sẽ mất thêm nhiều thời gian mà khả năng đậu không cao” - K bộc bạch.

Nguyên nhân chính là lười

Việc SV không thể nhận bằng tốt nghiệp ĐH vì nợ chuẩn đầu ra ngoại ngữ tại các trường khá phổ biến. Nhiều đơn vị số lượng SV bị “giam bằng” vì nợ chứng chỉ ngoại ngữ lên tới 13% thậm chí có nơi lên tới 21,3%.

Chia sẻ về việc SV “ngán” chuẩn đầu ra ngoại ngữ, thầy Đào Đức Tuyên - Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Trường ĐH Nông Lâm TPHCM nhìn nhận: Việc học và rèn tiếng Anh của SV tại các trường ĐH luôn là vấn đề đau đầu không chỉ riêng của bản thân SV mà còn của chính nhà trường nơi các em theo học. Bởi theo ông, nhiều SV dù vốn ngoại ngữ ban đầu khi bước chân vào trường là rất thấp nhưng ý thức tự giác học, tự giác rèn luyện gần như không có, khiến cho những cố gắng của nhà trường trong việc nâng nền kiến thức tiếng Anh cho SV không hiệu quả.

“Với 7 tín chỉ, chia ra cho hai đơn vị học phần (Anh văn 1: 4 tín chỉ. Anh văn 2: 3 tín chỉ) mà một SV đang theo học hiện nay không thể giúp các em đạt được ngưỡng chuẩn B1 (tương đương TOEIC 450). Tuy nhiên, với số học phần trên, nếu SV chăm chỉ học nền kiến thức các em cũng đạt đến ngưỡng đầu B1. Với nền kiến thức cơ bản ấy, chỉ cần các em chăm chỉ ôn luyện, tự bổ túc thông qua các khóa học chuyên về TOEIC do trường tổ chức. Việc các em đạt TOEIC điểm 450, thậm chí 650 điểm là không khó” - thầy Tuyên cho biết.

Nhiều người khi nhìn vào hiện tượng, sự việc ngay lập tức đổ hết nguyên nhân cho cách dạy và học ngoại ngữ trong các trường ĐH đang có vấn đề. Tuy nhiên, theo thạc sĩ Đặng Kiên Cường - Trưởng phòng Công tác SV Trường ĐH Nông Lâm TPHCM: Không thể quy kết một cách quy chụp kiểu đó. Bởi nếu chỉ có sự cố gắng từ một phía (nhà trường) mà không có sự hợp tác từ SV (ý thức học tập) thì có dạy kiểu nào cũng không thành công.

Nhìn nhận được vấn đề đó, hiện nhiều trường ĐH đã siết chặt việc học tiếng Anh của SV. SV hết năm 2 mà chưa hoàn thành trình độ A2 sẽ không được học tiếp năm 3. Có trường cứ 2 tháng lại tổ chức kỳ thi TOEIC nội bộ một lần để cho SV thi, kiểm tra khả năng của mình để phấn đấu.

Tuy nhiên, theo nhiều giảng viên dạy tiếng Anh, nếu SV không thay đổi cách học, tư duy lĩnh hội vốn kỹ năng ngoại ngữ (nghe - nói) thì họ sẽ tự biến mình thành “nô lệ” cho cái chuẩn ngoại ngữ đầu ra. Vì thực tế việc dạy các kỹ năng trên (nghe - nói) tại một số trường ĐH so với chuẩn của IIG Việt Nam vẫn còn một khoảng cách.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/sinh-vien-do-xo-xep-hang-xuyen-dem-dang-ky-thi-toeic-sao-phai-so-neu-minh-du-nang-luc-3968330-b.html