Sinh viên đòi đuổi giảng viên: 'Hành vi không thể xuất hiện ở giảng đường'

Sự việc một nữ sinh viên Trường ĐH Hoa Sen tát bạn, đòi đuổi giảng viên ra khỏi lớp đang thu hút sự chú ý của dư luận. Vấn đề làm thế nào nâng cao văn hóa ứng xử tại học đường cũng được đặt ra sau tình huống này.

Những ngày qua, dư luận xôn xao khi một sinh viên Trường ĐH Hoa Sen bị buộc thôi học do tát bạn. Nữ sinh này còn lớn tiếng đuổi giảng viên ra ngoài.

Sau sự việc, Trường ĐH Hoa Sen đã tổ chức cuộc họp các bên. Tuy nhiên cũng từ cuộc họp ngày, dư luận được phen ngao ngán khi nữ sinh viên tiếp tục có cách hành xử thiếu tôn trọng với giảng viên.

Nữ sinh chỉ trích (được ghi lại trong biên bản cuộc họp): Sao em nói cô Tr (giáo viên môn Pháp luật đại cương trong buổi dạy hôm đó) vậy mà cô Tr im, không phản hồi?; Khi em nói cô Tr nên cúi mặt xuống không được ngẩng mặt lên; Cô đừng nói chuyện văn vở quá; Em cảm thấy chất lượng dạy của cô Tr quá tệ, cô nên tạm ngừng đi làm…

Nữ sinh viên này cũng nói lý do tát bạn là vì: "Bạn K 'ảo tưởng sức mạnh', em ghét, em đến tát. Bạn T vào can ngăn, em đánh luôn T".

Kết quả nữ sinh viên C.V nhận hình thức đuổi học, một hình phạt cao nhất của nhà trường. Nhiều độc giả đồng tình với cách xử lý của trường đồng thời bày tỏ sự ngán ngẩm với một bộ phận sinh viên hiện nay trong cách xây dựng văn hóa ứng xử với bạn bè, thầy cô. Đặc biệt, khi đây là những người trên 18 tuổi, đủ tuổi chịu trách nhiệm với hành vi của mình.

Nữ sinh viên mặc đồ đỏ xưng hô mày - tao, tát hai bạn trong lớp (ảnh cắt từ clip)

Nhìn nhận về sự việc, một giảng viên đại học ở TP.HCM thốt lên: “Hành xử của sinh viên như vậy không thể chấp nhận được trong môi trường học đường”.

Nhìn nhận xa hơn, theo vị giảng viên này cho rằng, hiện nay những sinh viên gen Z rất năng động, cởi mở, ứng xử văn minh, lịch sự nhưng trong số đó vẫn còn tồn tại một mộ phận có thái độ bất cần, thiếu lịch sự và ứng xử chưa phù hợp. Các em hay hành động theo ý thích, muốn chứng tỏ bản thân và ít nghe lời những người xung quanh khuyên bảo.

Tuy nhiên cũng có độc giả có cái nhìn khách quan khi cho rằng có thể sinh viên có vấn đề về tâm lý, trong một phút nóng giận đã không kiềm chế hành vi. Độc giả này cũng chia sẻ nên tìm hiểu kỹ nguyên nhân, từ đó có cái nhìn cảm thông hơn và nếu có thể hãy cho bạn một cơ hội để sửa sai.

Tương tự độc giả Hùng nhận định: "Có thể sinh viên mày bị sang chấn tâm lý. Chúng ta đừng khắt khe quá bởi em còn cả tương lai phía trước". Độc giả Hưng Nguyễn viết: "Cho thôi học 1 năm, nếu là vấn đề tâm lý hay biết hối hận, cố gắng học tập, em sẽ còn cơ hội. Ai cũng có sai lầm...".

Thạc sĩ Đặng Kiên Cường, giảng viên khoa Công nghệ thông tin kiêm Trưởng phòng công tác sinh viên, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, nhìn nhận, xây dựng văn hóa học đường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành giáo dục.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Chỉ thị nêu rõ: Văn hóa học đường là một môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm với đất nước, cộng đồng, gia đình và bản thân.

Tuy nhiên, cũng cần phải coi trọng sự gắn kết giữa nhà trường với gia đình trong xây dựng văn hóa học đường. Phụ huynh nên có sự phối hợp cùng nhà trường, trực tiếp là giáo viên chủ nhiệm để nắm bắt, gần gũi, chia sẻ thông tin; kịp thời phát hiện và giúp các em điều chỉnh những nhận thức, hành vi có biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa. Phụ huynh cần là tấm gương về cách hành xử văn hóa cho các em.

Theo ông Cường, khi chuyển trạng thái từ học sinh để trở thành sinh viên, việc rèn luyện đạo đức, văn hóa của sinh viên càng đa dạng hơn. Nề nếp, đạo đức, văn hóa của sinh viên được thể hiện, tiếp nhận ngay từ khi bước chân vào trường trong những ngày nhập học. Các trường đều có hoạt động đón tân sinh viên, ngày hội dành cho tân sinh viên, từ đó sinh viên sẽ cảm nhận được văn hóa của trường học.

Các hoạt động triển khai cho văn hóa học đường, đạo đức cho sinh viên được triển khai từ những buổi học đầu tiên trong tuần sinh hoạt công dân. Sinh viên sẽ biết những việc cần thực hiện, các hoạt động cần thực hiện, những việc nên/không nên; những việc được/không được làm. Ngoài ra, văn hóa học đường, đạo đức sinh viên còn được tiếp nhận qua các môn học về kỹ năng giao tiếp, các hoạt động ngoại khóa và các khóa học về kỹ năng khác.

Ông Cường cũng cho rằng, mỗi người, trong những khoảng thời gian nào đó đều có những khó khăn nhất định. Sinh viên cũng vậy, thỉnh thoảng có những khó khăn trong học tập, sinh hoạt, giao tiếp… vì vậy có thể có hành xử không chuẩn mực, không đúng với đạo đức và văn hóa sinh viên. Nếu có các hoạt động ngăn chặn phòng ngừa sẽ giảm thiểu được phần nào các vi phạm về đạo đức.

Các hoạt động tư vấn tâm lý, tham vấn tâm lý, các bộ phận hỗ trợ sẽ góp phần trong hoạt động giảm thiểu, ngăn ngừa những hoạt động, hành vi bột phát, vi phạm đạo đức, văn hóa cho sinh viên. Hoạt động tư vấn, tham vấn tâm lý hầu hết đều có tại các nhà trường, sinh viên nên tiếp cận để được hỗ trợ, từ đó hạn chế được những hành vi, kết quả không mong muốn, làm phương hại đến bản thân, gia đình và cả nhà trường.

"Sinh viên cần chia sẻ thẳng thắn với giáo viên, với bạn bè những vấn đề còn băn khoăn, vướng mắc. Thầy cô làm công tác cố vấn học tập sẽ có thể hỗ trợ thêm hoặc đề đạt các ý kiến (nếu vẫn chưa thỏa đáng) lên cấp khoa, cấp trường"- ông Cường nói.

Lê Huyền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/sinh-vien-doi-duoi-giang-vien-hanh-xu-khong-the-xuat-hien-o-giang-duong-2222365.html