Sinh viên góp sức bảo tồn, quảng bá dân ca quan họ

Tại Hà Nội có một địa chỉ quen thuộc được nhiều thế hệ sinh viên yêu mến dân ca quan họ thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ đam mê, đó là Câu lạc bộ (CLB) Quan họ sinh viên Kinh Bắc (SVKB). 12 năm qua, những hoạt động thiết thực của CLB đã góp phần gìn giữ và lan tỏa giá trị của dân ca quan họ.

Câu hát quan họ giữa lòng Thủ đô

Buổi tối cuối tuần, nhận lời mời của chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, Chủ nhiệm CLB Quan họ SVKB, chúng tôi có mặt tại số nhà 35 Trần Đại Nghĩa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) để tham dự buổi sinh hoạt của CLB. Đây vốn là căn nhà của bà Ngô Kim Thanh, nguyên cán bộ Trường Đại học Xây dựng. Vì cảm tình với những hoạt động của CLB Quan họ SVKB nên bà cho CLB mượn làm nơi sinh hoạt hằng tuần.

Ngay tại phòng khách tầng 1 có khoảng 20 sinh viên ngồi chật kín và hướng sự chú ý khi thầy Nguyễn Hữu Duy (Phó trưởng đoàn Nghệ thuật 2, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh) xuất hiện. Hơn 10 năm nay, thầy Duy thường xuyên đến dạy hát miễn phí cho CLB Quan họ SVKB. Sau những lời hỏi thăm công việc, học tập, thầy Duy bắt đầu cất giọng giảng ấm áp: “Thưa các bạn, hôm nay, tôi sẽ hướng dẫn các bạn học làn điệu quan họ lời cổ là bài “Mời trầu”. Bài hát thuộc hệ thống “giọng vặt”, do nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi ở thôn Ngang Nội, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh truyền dạy. Trước hết, bài hát thể hiện phong tục tập quán tốt đẹp của người xưa khi có cơi trầu tiếp khách. Cùng với đó, người quan họ cũng gửi gắm tình cảm, tâm sự của mình qua câu hỏi: “Ai ơi có thấu? Người ơi có nhớ?”…

Một tiết mục biểu diễn Câu lạc bộ Quan họ Sinh viên Kinh Bắc

Sau khi giảng qua nội dung bài hát, thầy Duy bắt đầu hát mẫu, rồi dựa trên tài liệu, thầy tách từng câu để hướng dẫn cách hát. Đôi tay cầm bộ gõ, thầy Duy ngắt rõ nhịp nội, nhịp ngoại, những chữ cần phát âm “tròn vành rõ chữ” thường dễ bị nhầm lẫn như “cái cơi có đựng”, “mắt” hay những đoạn luyến láy cần thiết. Cứ thế, sau mỗi câu thầy hát mẫu, tiếng hát học trò lại vang theo trong trẻo, lảnh lót giữa đêm xuân.

Sau khi hát chung, mỗi người sẽ tự hát riêng cả bài. Các thành viên sẽ cùng nhận xét, bổ sung cho nhau. Phùng Lương Duy, sinh viên năm thứ ba Trường Đại học Thương mại mới tham gia CLB Quan họ SVKB được hai tháng nhưng giọng hát đã bắt đầu vững hơn, chia sẻ: “Thời gian đầu, em còn mắc những lỗi khá cơ bản của người hát như ngắt nhịp chưa đúng, hát chưa rõ chữ. Có những câu hát nghe theo thói quen nhưng khi học mới biết mình hát sai như trong bài “Tương phùng tương ngộ”, chữ “lần thần” thành “lẩn thẩn” làm sai hoàn toàn ý nghĩa câu hát”.

Lan tỏa tình yêu quan họ

Thành lập năm 2007, trải qua 12 năm hoạt động, đón tiếp khoảng hơn 300 thành viên, CLB Quan họ SVKB đã tạo dựng môi trường gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cho nhiều thế hệ sinh viên. Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ với chúng tôi: “Hình thành dựa trên ý tưởng của Ban Văn nghệ (Hội đồng hương SVKB), những người yêu thích dân ca quan họ đã sáng lập ra CLB với mong muốn lan tỏa trong cộng đồng sinh viên đang sinh sống tại Hà Nội tình yêu với làn điệu dân ca quê hương”.

Giúp chúng tôi hiểu rõ hơn, Trần Thị Phương, sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Thương mại kể lại trải nghiệm của chính mình. Là thành viên đội văn nghệ nhà trường, Phương thường sử dụng trang phục quan họ để biểu diễn. Điều khó khăn nhất với em là khi vấn chiếc khăn mỏ quạ không thể vuông vắn mà cứ cụp xuống rất xấu. Từ những chuyến đi trải nghiệm cùng CLB Quan họ SVKB tại làng Diềm (xã Hòa Long, TP Bắc Ninh), được hai liền chị Nguyễn Thị Sang, Nguyễn Thị Thềm dạy cách vấn khăn, mặc áo năm thân, Phương và các thành viên đã biết cách sử dụng trang phục của người quan họ. Không những vậy, các thành viên còn được hai cụ nghệ nhân Nguyễn Thị Bàn, Ngô Thị Lịch kể về quá trình học hát và biểu diễn quan họ xưa.

Hoạt động mà Phương chia sẻ với chúng tôi là một trong những hoạt động ngoại khóa của CLB Quan họ SVKB. Định kỳ, thành viên của CLB được trải nghiệm tại nhiều di tích lịch sử lớn ở Bắc Ninh, Bắc Giang để tìm hiểu lịch sử của quê hương quan họ. Ngoài ra, CLB thường xuyên tham gia biểu diễn tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Ngân hàng, Học viện Kỹ thuật Quân sự, các chương trình tình nguyện của Hội đồng hương SVKB, trình diễn tại phố đi bộ Hồ Gươm… Đây là những hoạt động thiết thực của CLB Quan họ SVKB trong việc giới thiệu dân ca quan họ đến đông đảo các bạn trẻ tại Hà Nội.

Trong các thành viên của CLB, chúng tôi đặc biệt chú ý đến Sho Yamaoka, người Nhật Bản, là sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Được các bạn giới thiệu, Sho Yamaoka tham gia CLB Quan họ SVKB với mong muốn được trải nghiệm văn hóa dân gian của Việt Nam. Dù giọng hát còn cứng, chưa rõ chữ nhưng anh rất cố gắng để hoàn thành nội dung hát của mình. Sho Yamaoka còn “khoe” với chúng tôi hình ảnh mặc áo the, khăn xếp biểu diễn trong một chương trình của CLB. Sho Yamaoka và nhiều bạn trẻ dù không phải người Bắc Ninh nhưng đều tích cực đóng góp vào hiệu quả của CLB.

Ông Nguyễn Quốc Triệu, Chủ tịch Hội đồng hương Bắc Ninh tại Hà Nội chia sẻ: “Hoạt động của CLB Quan họ SVKB không chỉ có ý nghĩa trong việc truyền dạy, chia sẻ đam mê quan họ mà còn là địa chỉ kết nối hữu ích cho các bạn sinh viên đang học tập tại Hà Nội. Những năm qua, CLB đã góp phần giới thiệu hình ảnh đẹp về con người và quê hương Bắc Ninh với nhiều hoạt động ý nghĩa”.

Bài và ảnh: NGUYÊN ĐỨC

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/sinh-vien-gop-suc-bao-ton-quang-ba-dan-ca-quan-ho-569639