Sinh viên Lào say mê học tiếng Việt

Dưới tán cây xà cừ cổ thụ, gần khu giảng đường Học viện Báo chí và Tuyên truyền là nơi các sinh viên đang say sưa học bài. Mới bước chân đến đầu hành lang, những âm thanh tập đọc tiếng Việt vang lên đồng thanh theo lời dạy của giảng viên.Khi nghe giảng viên ngôn ngữ học Đặng Mỹ Hạnh giới thiệu, chúng tôi mới biết đây là lớp học tiếng Việt của các sinh viên đến từ nước bạn Lào.

Lớp học được mở ra nhằm đáp ứng yêu cầu trang bị kiến thức, nâng cao khả năng nói và viết tiếng Việt cho sinh viên Lào. Khi có nền tảng tiếng Việt, sinh viên sẽ tiếp tục học các chuyên ngành theo chương trình ký kết đào tạo song phương giữa Việt Nam và Lào. Trực tiếp đứng lớp, giảng viên Đặng Mỹ Hạnh tâm sự: “Người nước ngoài khi học tiếng Việt khó khăn nhất là học thanh điệu, vì mỗi quốc gia có cách phát âm khác nhau do ảnh hưởng đặc trưng của ngôn ngữ bản địa. Đối với sinh viên Lào, những âm khó là “ong”, “ung”, “ông” vì đặc trưng phát âm của người Lào âm “o” thường đọc là “oo”. Khi đọc, sinh viên khó khép được môi nên chữ “thong dong” đọc là “thoong doong”, “trông ngóng” đọc là “troong ngoóng”.

 Một giờ học tiếng Việt của sinh viên Lào tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Một giờ học tiếng Việt của sinh viên Lào tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Để giúp sinh viên Lào có thể phát âm tốt tiếng Việt, một trong những phương pháp hiệu quả là duy trì việc luyện tập bằng thanh điệu. Trong tiếng Việt có 6 thanh điệu đặc trưng tạo cho ngôn ngữ nói có thể lên bổng xuống trầm với những cung bậc khác nhau. Áp dụng quy tắc thanh điệu, khi học, sinh viên kết hợp sử dụng động tác tay với việc phát âm, chẳng hạn dấu sắc đi lên, dấu nặng đi xuống, dấu huyền hơi chéo xuống, dấu hỏi cua vòng, dấu ngã uốn lượn tay, thanh ngang đưa sang ngang. Phương pháp này mang lại hiệu quả cao, giúp sinh viên thuận lợi hơn trong quá trình học tiếng Việt.

Khi sang Việt Nam, nhiều sinh viên khả năng giao tiếp, vốn từ còn rất hạn chế. Muốn nói cho các em hiểu, giảng viên phải giải thích cặn kẽ bằng những từ đơn giản kết hợp với diễn tả bằng hành động, lấy ví vụ minh họa để sinh viên dễ hiểu. Chittaphone, sinh viên Khóa K38A1, chia sẻ: “Trong những giờ tập đọc, ngoài việc học phát âm các từ thông thường, cô giáo còn giới thiệu những câu ca dao, tục ngữ của Việt Nam cho cả lớp biết. Ca dao, tục ngữ ngắn gọn có vần điệu, dễ đọc, dễ nhớ nhưng để hiểu được lại rất khó bởi vì mỗi chữ đều ẩn chứa bên trong rất nhiều tầng nghĩa sâu sắc”. Khi cô giáo hướng dẫn đọc bài ca dao: “Bây giờ mận mới hỏi đào/ Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?”, có sinh viên băn khoăn hỏi: “Mận với đào là ai vậy? Cây cối cũng biết tỏ tình ạ?”. Cô Đặng Mỹ Hạnh liền mỉm cười giải thích: “Đó là biện pháp nhân hóa, “mận” là chàng trai, “đào” là cô gái. Đây là cách thể hiện lời tỏ tình tế nhị, khéo léo của chàng trai đối với cô gái”.

Việc học tiếng Việt không đơn thuần là biết một ngôn ngữ mà ẩn chứa đằng sau đó là cả một nền văn hóa, vì mỗi con chữ đều mang hàm nghĩa sâu sắc. Dù gặp những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu nhưng các sinh viên của xứ sở hoa Chăm Pa vẫn kiên trì tập đọc, tập viết từng chữ, từng câu. Bởi họ hiểu rằng ngôn ngữ chính là “chìa khóa” mở ra một nền văn hóa mới, giúp họ hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam. Sau này, khi trở về nước, mỗi người sẽ là những nhịp cầu xây đắp tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc mãi bền vững.

Bài và ảnh: VŨ DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/sinh-vien-lao-say-me-hoc-tieng-viet-573358