Sinh viên nghèo chật vật với cơm áo và học phí

Vất vả từ nhỏ, cuộc sống hiện tại nhiều gian nan, Nguyễn Thị Minh Phương và Nguyễn Thị Huyền Thương vẫn nỗ lực học tập, đỗ đại học điểm cao với ước vọng vươn lên đổi đời.

Hiện là sinh viên năm nhất, ĐH Y Hà Nội, Nguyễn Thị Huyền Thương ở xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương (Thái Bình), phải lăn lộn đi làm thêm để trang trải cuộc sống.

Phấp phỏng về tương lai

Thương cho biết em sinh ra trong gia đình thuần nông làm lụng quanh năm cũng chỉ đủ ăn. Bố lại nghiện rượu nên gia đình lâm vào túng bấn, con cái sớm chịu cảnh tréo ngoe.

Năm Thương 10 tuổi, bố bị thêm bệnh rối loạn tâm thần phải nhập viện, từ đó gánh nặng cơm áo đè trĩu đôi vai mẹ. Một mình mẹ ngược xuôi chăm sóc bố, chạy vạy tiền viện phí.

“Nợ nần chồng chất, mẹ nhận khoán tới 1,5 mẫu ruộng để cày cấy lo cho bố và hai anh em ăn học”, Thương nói.

Nữ sinh nhớ hình ảnh mẹ trong mắt cô là lúc nào cũng cắm mặt xuống ruộng vườn. Ký ức tuổi thơ của cô là nhiều lần khóc thét, sợ hãi khi bố lên cơn cầm dao đuổi mẹ chạy khắp xóm làng. Những trận chửi rủa không lý do, những bữa cơm chan đầy nước mắt. Cả nhà cứ bìu ríu lấy nhau sống qua ngày trong căn nhà nhỏ cũ nát như thế…

Sinh viên ĐH Y Hà Nội Nguyễn Thị Huyền Thương. Ảnh: Tiền Phong.

Vì thế, ngoài giờ học, Thương không bao giờ la cà mà sớm về cơm nước cho bố, để mẹ yên tâm làm đồng. Mùa gặt, mùa cấy, Thương cũng trầm mình giữa ruộng để phụ mẹ một tay. Làm lụng không ngơi tay chân nhưng cả gia đình vẫn luôn sống trong cảnh túng thiếu.

“Lắm hôm thấy khổ quá, em bật khóc. Mẹ động viên, khóc sẽ không giải quyết được gì nhưng sáng hôm sau ngủ dậy lại thấy hai mắt mẹ sưng húp”, Thương kể.

Thương mẹ, cô quyết tâm học tập. Ước mơ trở thành bác sĩ nhưng sợ thành gánh nặng cho mẹ, Thương từng dự định sẽ thi một ngành nào đó học nhanh chóng để sớm ra trường đi làm kiếm tiền phụ mẹ. Tuy nhiên, mẹ và anh trai an ủi, cô quyết tâm thi vào ngành Y. Kỳ thi THPT quốc gia 2017, cô đỗ ĐH Y Hà Nội với 29,25 điểm.

Tuy nhiên, học phí trường Y cao, cộng với khoản tiền nhà, sinh hoạt phí đắt đỏ nơi thành phố khiến Thương không khỏi hoang mang.

Cô nói: “Học phí 1,5 triệu/tháng đóng cả kỳ, tiền nhà đợt đầu đều dựa vào đồng lương ít ỏi của anh trai”. Nhập học xong, cô xin đi làm gia sư với mức phí 100.000 đồng/2 giờ dạy.

“Mỗi tháng, chịu khó dạy tuần 3 buổi, mình cũng tiết kiệm đủ để trang trải được tiền ăn, tiền điện nước. Tuy nhiên, học Y thời gian kéo dài, năm 3 trở đi lịch học dày đặc cộng với thực tập ở các viện không biết mình sẽ xoay xở ra sao”, Thương nói.

Tuy nhiên, Thương chia sẻ, đỗ được vào trường Y, chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa cô mừng lắm. Vì rồi đây, cô sẽ trở thành bác sĩ, chữa bệnh được cho nhiều người và biết đâu bố cô sẽ đỡ bệnh hơn cho mẹ đỡ khổ.

Làm giúp việc nuôi giấc mơ xa

Sinh năm 1999, Phạm Thị Minh Phương, sinh viên năm nhất, Học viện Tài chính (quê ở thành phố Thái Bình) cũng có tuổi thơ dữ dội vì nhà nghèo, bản thân bệnh tật, bố mất sớm nhưng em vẫn nỗ lực từng ngày để vươn lên.

Phương kể sinh ra cô đã mang trong mình bệnh tim bẩm sinh khiến mẹ nuôi cô rất cơ cực. Năm lên 12 tuổi, cô được chương trình “Trái tim cho em” hỗ trợ mổ thành công, nhưng sức khỏe không cải thiện nhiều. Những lúc làm việc hơi quá sức, cô lại bị hụt hơi, ngồi thở dốc.

Sinh viên Phạm Thị Minh Phương (Học viện Tài chính) . Ảnh: Tiền Phong.

Không lâu sau đó, bố là chỗ dựa vững chãi trong gia đình cũng đột ngột ra đi. Ít năm sau, mẹ lấy chồng khác, Phương được bà ngoại đem về nuôi. Tuổi thơ hay ốm yếu lại thiếu thốn tình cảm của bố mẹ khiến Phương nhiều lúc rớt nước mắt vì buồn tủi.

Tuy nhiên, cô tâm sự, mình chưa từng thôi hy vọng về tương lai. Năm 2017, Phương thi đỗ vào Học viện Tài chính nhưng mẹ cũng nghèo, trong tay không có tiền cho con nhập học. Quyết tâm theo đuổi giấc mơ học hành, cô làm thủ tục vay vốn và kiếm việc đi làm thêm để trang trải.

Sau khi vay được tiền nộp học phí, chưa có kinh nghiệm, kiến thức nên Phương tìm việc đơn giản như giúp việc theo giờ. Cô kể: “Mỗi ngày đi làm giúp việc 3 giờ, mình được trả 80.000 đồng tiền công. Mỗi ngày chi cho tiền ăn khoảng 30.000 đồng bao gồm bữa sáng, trưa, và tối”.

Cô chia sẻ, một suất cơm ở căng tin cũng có giá 15.000 đồng nên đa số bữa sáng và bữa chiều cô ăn mì tôm cho tiết kiệm. Tự tin vào chính mình, cô dự định sau khi ra trường sẽ khởi nghiệp bằng cách mở nhà hàng kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống.

“Mình vốn yêu thích nấu ăn và chỉ có kinh doanh mới đem lại nhiều lợi nhuận”, cô tính toán.

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/sinh-vien-ngheo-chat-vat-voi-com-ao-va-hoc-phi-post796739.html