Sinh viên Nhân văn 'chở' tri thức đến với đồng bào Mường

Đoàn tình nguyện đã mang đến cho một trong những xã nghèo nhất của huyện Lạc Sơn những tủ sách giá trị và ý nghĩa

Nơi chúng tôi đến là một xã vùng cao thuộc huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình có cái tên ấn tượng – xã Tự Do. Người dân nơi đây kể lại rằng, do xã nằm ở khu vực miền núi quá sâu và hiểm trở nên thời Pháp thuộc, mảnh đất này không bị thực dân xâm chiếm và đặt ách cai trị. Cái tên Tự Do ra đời từ đó. Miền đất hoang sơ đầy khó khăn nhưng cũng vô cùng tươi đẹp này đã mang đến cho đoàn chúng tôi – những sinh viên của Đội tình nguyện Enactus Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội (Enactus USSH) một hành trình trải nghiệm đầy ý nghĩa.

“Chở” tri thức, nhắn gửi yêu thương

Chỉ trong 2 tuần chuẩn bị và kêu gọi, chúng tôi quyên góp được rất nhiều quần áo, sách vở, đồ dùng học tập... Một ngày trước khi lên đường, Đội còn nhận được khá nhiều sách quyên góp từ một bạn sinh viên cùng tấm bưu thiếp với lời nhắn: “Nhờ chị chuyển lời đến các em nhỏ ở trên đấy: Tri thức là điều tuyệt diệu nhất, đừng bao giờ để nó tuột khỏi tay!”.

Những khâu chuẩn bị cuối cùng cho chuyến đi tình nguyện vùng cao đã sẵn sàng

Đội tình nguyện lên đường với một bầu nhiệt huyết căng tràn

Những tình cảm, tấm lòng ấm áp ấy khiến chúng tôi vô cùng cảm động và tiếp thêm động lực để cả đội cố gắng hoàn thành thật tốt mục tiêu của chuyến đi. Vượt quãng đường gần 150km từ Hà Nội đến huyện Lạc Sơn, các thành viên đến từ ngôi trường USSH lại tiếp tục vượt qua quãng đường núi lầy lội gần 10km. Những khó khăn phải vượt qua không làm chúng tôi nhụt chí, khi phía trước là bao ánh mắt đang mong chờ chúng tôi “chở” tri thức, “chở” những tấm lòng từ miền xuôi gửi lên.

Đoàn tình nguyện đã phải vượt qua quãng đường 10km đường núi lầy lội

Chính sự mong chờ của các em nhỏ và người dân nơi đây đã tiếp thêm quyết tâm cho đoàn

Trải nghiệm sau mỗi bước chân

Đội đã mang đến cho một trong những xã nghèo nhất của huyện Lạc Sơn nhiều món quà giá trị và ý nghĩa. Enactus USSH đã trao tặng “Tủ sách tri thức” cho Nhà văn hóa xã Tự Do, “Tủ sách thiếu nhi” cho 3 trường THCS, Tiểu học và Mầm non của xã với tổng số 600 đầu sách, 300 quyển tạp chí, 200 quyển vở cùng một số đồ chơi, đồ dùng học tập. Đội còn chuẩn bị 40 phần quà gồm quần áo và bánh kẹo tặng cho các hộ gia đình của xóm Khướng, xã Tự Do.

Chuyến đi này không chỉ là hoạt động tình nguyện mà còn là cơ hội để Enactus USSH quan sát, học từ thực tế, khám phá những điều mới lạ từ một miền đất mới. Để gần gũi và hiểu hơn đời sống của người dân địa phương, Đội Enactus USSH đã chia thành các nhóm đến từng hộ dân trong xóm Khướng, thăm hỏi và trao những túi quà nhỏ mà chứa đựng rất nhiều tình cảm của người miền xuôi. Qua mỗi bước chân chúng tôi đi là những câu chuyện, những lời tâm sự rất chân thành và xúc động của người dân về cuộc sống hàng ngày của họ, những phong tục, tập quán đẹp của người dân tộc Mường...

Bạn Đỗ Thị Thùy Linh, thành viên Đội Enactus USSH chia sẻ: “Chưa có chuyến đi nào mình có dịp tiếp xúc và gần gũi với người dân địa phương như lần này. Có đi bộ quãng đường gần 10km, đến thăm từng gia đình trong xóm Khướng mình mới hiểu thấu những khó khăn, vất vả của bà con nơi đây”.

Những tủ sách được trao đi

Món quà nhỏ trao đến những hoàn cảnh khó khăn

Phần lớn các thành viên của Đội Enactus USSH đều ấn tượng nhất với tình cảm của đồng bào nơi đây. Miền đất vùng núi rừng Tây Bắc nghèo khó, thiếu thốn vật chất nhưng rất ấm áp tình người. Họ chu đáo giúp đỡ chúng tôi hoàn thành tốt các hoạt động. Họ tận tình tiếp đón những người khách miền xuôi sống trong nhà mình. Nụ cười của người phụ nữ Mường, những giọt nước mắt cảm động, cái nắm tay cảm ơn của những người dân... Tất cả đều để lại trong lòng mỗi chúng tôi những dấu ấn đặc biệt.

Chị Đỗ Quỳnh Anh, Chủ tịch đội Enactus USSH bày tỏ: “Khi chia tay xóm Khướng, xã Tự Do, thấy nhân dân bùi ngùi, lưu luyến, chúng tôi biết rằng đã làm được những điều mà mình mong đợi”.

Chúng tôi nói lời tạm biệt nơi đây, hẹn một ngày những nụ cười, những yêu thương trở lại.

Nguồn Tiin: http://tiin.vn/chuyen-muc/thien/sinh-vien-nhan-van-cho-tri-thuc-den-voi-dong-bao-muong.html