Sinh viên sư phạm tự đóng học phí công tác trong ngành giáo dục đủ 5 năm được bồi hoàn chi phí đào tạo

Cùng với trình UBTVQH cho ý kiến về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Chính phủ đã xây dựng Dự thảo Nghị định về chính sách tín dụng và hoàn trả khoản vay tín dụng đối với học sinh, sinh viên sư phạm.

Theo đó, tín dụng sư phạm là chính sách cho vay đối với học sinh, sinh viên sư phạm để hỗ trợ chi trả chi phí đào tạo phục vụ cho việc học tập, sinh hoạt trong thời gian theo học ngành đào tạo giáo viên.

Về nguyên tắc, việc cho vay tín dụng phải bảo đảm đủ để trả học phí và chi phí sinh hoạt cho toàn khóa học của học sinh, sinh viên và học sinh, sinh viên không phải trả khoản vay tín dụng nếu làm việc trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định.

Việc cho vay được thực hiện theo phương thức cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình là người trực tiếp vay vốn và có trách nhiệm trả nợ Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp học sinh, sinh viên sư phạm mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động, được trực tiếp vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội nơi nhà trường đóng trụ sở.

Điều kiện vay vốn là học sinh, sinh viên sư phạm phải cam kết làm việc trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định, đang sinh sống trong hộ gia đình cư trú hợp pháp tại địa phương nơi cho vay.

Với học sinh, sinh viên năm thứ nhất phải có giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận được vào học của cơ sở đào tạo; học sinh, sinh viên từ năm thứ hai trở đi phải có xác nhận của cơ sở đào tạo về việc đang theo học tại trường và không bị xử phạt hành chính trở lên về các hành vi: cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp, buôn lậu.

Theo đề xuất, sinh viên sư phạm công tác trong ngành sư phạm đủ 5 năm được bồi hoàn kinh phí đào tạo. Ảnh: infonet.vn

Mức vốn cho vay phải đảm bảo đủ để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí cho học sinh, sinh viên sư phạm trong toàn khóa học. Cụ thể, về học phí, mức vay bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo nơi sinh viên theo học. Về sinh hoạt phí, được vay tối đa 3,5 triệu đồng/tháng/sinh viên và thời gian vay không quá 10 tháng/năm học.

Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ quy định mức cho vay cụ thể đối với học sinh, sinh viên căn cứ vào mức thu học phí của từng trường và sinh hoạt phí theo vùng. Lãi suất cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên sư phạm là 0,5%/tháng.

Đáng quan tâm, học sinh, sinh viên ra trường làm trong ngành sư phạm tối thiểu trong thời gian 5 năm sẽ không phải hoàn trả khoản vay tín dụng sư phạm. Nếu trong vòng 2 năm sau khi tốt nghiệp, sinh viên không công tác trong ngành sư phạm sẽ phải hoàn trả khoản vay này. Kinh phí hoàn trả bao gồm khoản vay tín dụng và lãi suất của khoản vay.

Trường hợp học sinh, sinh viên sư phạm hoặc gia đình người học không hoàn trả thì Ngân hàng Chính sách xã hội có quyền khởi kiện theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định học sinh, sinh viên sư phạm không vay tín dụng sư phạm mà tự đóng học phí trong thời gian theo học, sau này nếu làm trong ngành sư phạm đủ 5 năm sẽ được bồi hoàn chi phí đào tạo. Mức bồi hoàn chi phí đào tạo bằng mức cho vay tín dụng (gồm học phí và sinh hoạt phí theo quy định).

H.L

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/sinh-vien-su-pham-tu-dong-hoc-phi-cong-tac-trong-nganh-giao-duc-du-5-nam-duoc-boi-hoan-chi-phi-dao-tao-120346.html