Sinh viên Việt Nam đạt giải cao cuộc thi tìm kiếm công nghệ quan trắc hiện đại cho sông Mekong

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, chiều 3-4 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Lào ở thủ đô Viêng Chăn, Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) đã tổ chức lễ trao giải cuộc thi công nghệ quan trắc hiện đại cho sông Mekong.

Nhóm sinh viên Đại học Cần Thơ (nhóm 5 người) vui mừng nhận giải trong cuộc thi tìm kiếm công nghệ quan trắc hiện đại cho sông Mekong. Ảnh: Phạm Kiên/Phóng viên TTXVN tại Lào

Nhóm sinh viên Đại học Cần Thơ (nhóm 5 người) vui mừng nhận giải trong cuộc thi tìm kiếm công nghệ quan trắc hiện đại cho sông Mekong. Ảnh: Phạm Kiên/Phóng viên TTXVN tại Lào

Đây là cuộc thi đầu tiên do MRC phát động dành cho sinh viên các trường đại học khu vực, nhằm tìm kiếm thiết kế công nghệ bền vững và hiệu quả để giám sát mực nước, lượng mưa, độ ẩm đất và chất lượng nước sông Mekong.

Tham dự lễ có đại diện lãnh đạo MRC quốc tế, cùng 14 đội đến từ 11 trường đại học, thuộc 4 quốc gia thành viên MRC gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, trong đó Việt Nam có 4 trường gồm Đại học Thủy Lợi, Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ban Tổ chức cho biết, bên cạnh mục tiêu chính nhằm tìm ra giải pháp bền vững và tối ưu hóa chi phí, cuộc thi cũng là cơ hội để phát triển năng lực chuyên môn cho những người trẻ, đồng thời thúc đẩy niềm tin rằng người dân lưu vực sông Mekong có thể tự giải quyết các vấn đề của Mekong thông qua đổi mới, sáng tạo về công nghệ.

Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao giải 4 giải nhất và 4 giải nhì, trong đó các đội từ Trường Đại học Thủy Lợi và Trường Đại học Cần Thơ giành được hai giải nhì cho các đề tài giám sát mực nước và đo độ ẩm đất.

Chia sẻ với các phóng viên TTXVN sau khi nhận giải, em Nguyễn Lê Hồng Nhung, sinh viên ngành Nông nghiệp Công nghệ cao, Trường đại học Cần Thơ cho biết em và các bạn trong nhóm cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi có được sự đóng góp nhỏ nhoi cho dòng sông quê hương. Trong thời gian tới, các em sẽ cố gắng hoàn thiện hệ thống quan trắc độ ẩm một cách tốt nhất để giúp người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long, cũng như nông dân vùng hạ lưu sông Mekong, nắm được độ ẩm của đất và từ đó có thể quản lý tốt hơn đất đai.

MRC đang duy trì khoảng 250 trạm quan trắc theo dõi các yếu tố ảnh hưởng đến dòng sông lớn nhất Đông Nam Á bao gồm thủy văn, lượng mưa, chất lượng nước, sức khỏe sinh thái, nghề cá và hạn hán. Tuy nhiên, hầu hết công nghệ quan trắc hiện nay phụ thuộc vào trang, thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài - thường đắt đỏ và đôi khi lạc hậu.

Sản phẩm của cả 14 trường sau đó sẽ được trưng bày tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Lào để lãnh đạo các nước MRC và quan khách tham dự Hội nghị cấp cao MRC thăm quan. MRC cũng có kế hoạch sẽ phối hợp với các đội chiến thắng để triển khai các công nghệ của họ trên dòng sông Mekong.

Theo Báo Tin tức

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5411/202304/sinh-vien-viet-nam-dat-giai-cao-cuoc-thi-tim-kiem-cong-nghe-quan-trac-hien-dai-cho-song-mekong-3942255/