Sinh viên vướng nạn lô đề: Rước bão về quê

TP - Sau những giấc mơ bạch thủ, những toan tính làm giàu theo kiểu chiều cấy tối gặt bất thành, nhiều SV đã tự thiêu nhân cách, tương lai của mình cũng như kỳ vọng của cha mẹ.

>> Sinh viên vướng nạn lô đề: Giấc mơ 'bạch thủ' Không ít sinh viên “găm” xe để đánh đề Ảnh: M.Tôn Đưa con từ Thái Nguyên xuống thành phố học tại một trường danh tiếng, bố mẹ Vinh rất tự hào. Trường của Vinh được bao cấp toàn bộ nhưng hàng tháng bố mẹ cậu vẫn cấp tiền cho con chi tiêu thêm. Sẵn tiền, Vinh chơi bời rồi sa đà vào lô đề lúc nào không hay. Quy định của trường mỗi tuần chỉ được ra ngoài một ngày chủ nhật, nhưng Vinh đã kịp thiết lập đường dây riêng. Chỉ cần gọi điện báo số, trúng hay trượt cuối tuần ra thanh toán với chủ đề. Thua nhiều, Vinh mang thẻ học viên đi “cắm”. Đến năm cuối chuẩn bị tốt nghiệp, số nợ lên đến gần trăm triệu, không có tiền trả, chủ nợ mang thẻ vào trường báo cáo chắc chắn bị đuổi học, sự nghiệp sẽ dừng lại vĩnh viễn. Không còn cách nào khác, Vinh về cầu cứu gia đình. Nghe số nợ, mẹ Vinh chết ngất. Bố cậu đành cay đắng bán đi nửa ha đất trồng chè lấy tiền chuộc thẻ cho con. Bán vườn, nguồn thu nhập không còn, bố cậu phải xuống Hà Nội làm thuê lấy tiền nuôi hai đứa em dưới Vinh đang đi học trung học. Đến thăm nhà bà Phai, nhiều người ngạc nhiên khi thấy cửa hàng đại lý hàng tiêu dùng lớn nhất khu thị trấn G ở một huyện thuộc Hà Nội, giờ chỉ như một hàng xén nhỏ bày bán đồ lặt vặt. Bà Phai rầu rĩ kể về Minh (SV năm II khoa Du lịch - CĐTMDL), con trai mình: “Nó đi học không phải đóng góp gì, được hưởng chế độ con thương binh. Vậy mà đánh lô, đánh đề nợ lên đến 80 triệu. Xe cộ, máy tính bán sạch rồi bỏ vào Bình Dương trốn. Ai ngờ chủ nợ biết nhà, tìm lên tận đây. Giấy tờ vay nợ toàn chữ con mình viết, lại cả chứng minh thư thì cãi làm sao được”. Cùng xóm bà Phai, bà Thái cũng vừa phải hóa giá căn nhà đang ở với giá 300 triệu để trả nợ cho con rể. N., con gái duy nhất của bà Thái, lấy chồng khi đang là SV năm thứ II ĐHVH, hai vợ chồng trẻ con sống lệ thuộc bố mẹ nhưng lại muốn làm giàu bằng trò may rủi. Chồng N. tham gia đủ các hình thức cờ bạc, mong có ngày lên đời nhờ vận đỏ. Càng đánh lại càng thua, đến khi vỡ nợ cậu ta dắt vợ về thẳng thừng tuyên bố: “Nếu mẹ không giúp con trả nợ thì con đành bỏ vợ để trốn đi, coi như đã chết”. Nhìn con gái bụng chửa vượt mặt, vừa ngồi ôn thi học kỳ vừa khóc, bà Thái dứt ruột bán căn nhà và cả dãy chuồng nuôi gà thịt. Trả nợ xong chỉ đủ tiền mua mảnh đất nhỏ không có tiền xây nhà mới. Hết cách làm ăn, bà đành khăn gói theo con về Hà Nội thuê một căn phòng nhỏ gần chợ Thành Công làm chỗ ở và bán xôi sáng. Nhiều đêm bà Thái khóc thầm: “Không biết đến bao giờ mới ngẩng đầu lên với thiên hạ được”. Ngược lại với các phụ huynh trở thành nạn nhân của cơn bão lô đề, ông Dân (thị xã ST – HN) lại góp phần “gieo gió” từ khi có cậu con trai đi học trường CĐTHPL (Hà Nam). Kiên – con trai ông – sau một năm đi học đã kịp thành thạo tất cả các “ngón nghề” của dân lô đề chuyên nghiệp. Cậu mang trò chơi mới này về quê phổ biến, không ngờ được ông bố chơi thử rồi “nghiện” hơn cả con. Không muốn ra ngoài đánh, ông Dân lập bảng luôn ở nhà, vừa ghi cho khách vừa thỏa mãn đam mê của mình. Có lần ham ăn, ông ôm con 29 vì chắc mẩm nó không về. Tối hôm đó, kết quả giải đặc biệt lại về đúng đuôi 29, ông Dân phải mang sổ đỏ đi “cầm” lấy 50 triệu trả tiền trúng cho khách. Để gỡ lại số tiền đã mất, ông mở rộng mạng lưới khách hàng, chia ra những “chân rết” nhỏ với phần trăm hoa hồng cao hơn nơi khác, thậm chí nếu là khách quen, ông có hình thức khuyến mại giảm 10 phần trăm tiền đánh. Phan Tú (ĐHTN) học ngành CNTT, có kiến thức về công nghệ cao, cậu đã kịp nghĩ cách ứng dụng vào trò lô đề. Tú lập một trang web trên mạng, lấy luôn tên quê mình: lslodexxx.com cho các đồng hương cùng vào trao đổi cách thức, kinh nghiệm chơi. Hội đồng hương lô đề cắt cử người làm admin, thông tin được cập nhật từng phút để đưa ra dự đoán kết quả trong ngày. Khoảng 5-6 giờ chiều là quãng thời gian sôi động nhất của diễn đàn, ở tỉnh nào sốt con gì, điểm lô chỗ nào cao nhất đều được thông báo đầy đủ. Anh họ Tú là một chủ đề có máu mặt của Lạng Sơn. Từ khi có trang web này, việc làm ăn có vẻ thuận lợi vì dễ dàng so sánh giữa các tỉnh để san bảng khi một con bạc nào đó khát nước đánh to. Tú làm quản trị mạng kiêm vai trò trung gian giữa người chơi và chủ đề, có trách nhiệm nhận điện thoại báo số, thu bảng, trả tiền trúng và đòi nợ… Mặc dù rất am hiểu nhưng Tú tuyệt nhiên không bao giờ đánh thử một con đề, cậu bảo: “Cái này chỉ cần dính một lần là không dứt ra được. Em đi làm để hưởng hoa hồng thôi, mỗi tháng đều đều cũng kiếm được 20 triệu”. Minh Tôn Email: phamphonglan@gmail.com

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/tianyon/index.aspx?articleid=174169&channelid=4