SMC – Câu chuyện kế thừa và điểm nhấn doanh nghiệp

SMC vừa trải qua biến cố lớn về nhân sự chủ chốt, đó là sự ra đi đầy bất ngờ và tiếc nuối của cố Chủ tịch Nguyễn Ngọc Anh. Song, không vì thế mà SMC chững lại và nhà đầu tư vẫn có thể yên tâm vào triển vọng tương lai của Công ty.

Sự ra đi đầy tiếc nuối của cố Chủ tịch và lớp kế thừa

Ông Ngọc Anh điều hành SMC từ khi Công ty mới thành lập vào năm 1988. Sau cổ phần hóa, ông là một trong năm cổ đông sáng lập và liên tục giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty đến khi biến cố xảy ra.

Sau gần 30 năm hoạt động, dưới sự điều hành của ông Nguyễn Ngọc Anh, SMC đã trở thành đơn vị có quy mô vốn chủ sở hữu hiện tại lên đến 1.160 tỷ đồng, gồm 7 công ty con và 2 công ty liên doanh với đối tác Nhật Bản, sản lượng thép gia công và phân phối năm 2017 dự kiến đạt 1,1 triệu tấn.

Vai trò quan trọng của ông càng thể hiện rõ nét khi đưa SMC vượt qua khó khăn năm 2015 và đạt kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2016 và nửa đầu 2017. Do vậy, việc ra đi bất ngờ của ông là mất mát rất lớn của Công ty và khiến không ít cổ đông, nhà đầu tư quan ngại.

Người được bầu thay thế cương vị Chủ tịch HĐQT của SMC hiện nay là bà Nguyễn Thị Ngọc Loan – cổ đông sáng lập, và vị trí Tổng giám đốc được nắm giữ bởi ông Võ Hoàng Vũ – với gần 16 năm gắn bó cùng SMC. Có thể nói, những người kế thừa ông Nguyễn Ngọc Anh hiện nay đều là những người có thâm niên cùng SMC, có nhiều kinh nghiệm, tâm huyết, đã cùng đồng hành, và hiểu rất rõ về doanh nghiệp.

Điều này cũng lý giải vì sao sau biến cố, SMC đến nay vẫn hoạt động ổn định, phát triển và đạt kết quả kinh doanh khả quan. Tính đến hết quý 3 năm 2017, SMC thực hiện hơn 210 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành vượt 45% kế hoạch lợi nhuận cho cả năm 2017.

SMC: Phân phối chuyên nghiệp – Gia công chuyên biệt – Sản xuất có chọn lọc

Trong những năm qua, thị trường thép toàn cầu chứng kiến xu hướng bảo hộ mạnh mẽ với các rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại, và điều tra chống phá giá nhằm ngăn cản động thái tăng cường xuất khẩu nguồn cung thép dư thừa từ Trung Quốc. Việt Nam cũng ban hành nhiều mức thuế cao hoặc thuế chống bán phá giá với hầu hết các mặt hàng thép như thép không gỉ, thép hình, phôi thép, thép gân vằn, thép cuộn, tôn mạ kẽm, tôn mạ màu, thép cán nguội. Điều này đã tạo thuận lợi hơn cho các nhà sản xuất thép trong nước nhưng đồng thời cũng tạo ra bất lợi cho các công ty thương mại nếu không có quan hệ gắn chặt với các nhà sản xuất trong nước vì ít lựa chọn nguồn nhập khẩu hơn.

Xuất phát điểm là đơn vị thương mại chuyên phân phối thép xây dựng, SMC với sản lượng kinh doanh lớn và chính sách nhất quán – là nhà phân phối thép chuyên nghiệp – có quan hệ gắn kết với các nhà sản xuất thép lớn trong nước nên luôn được ưu đãi tốt trong hoạt động và tận dụng được cơ hội từ các chính sách bảo hộ khi thị trường thép trở nên minh bạch và ít rủi ro hơn so với trước đây. Công ty hiện là đối tác phân phối lớn của thép Hòa Phát, VNsteel, Pomina, VinaKyoei, Posco SS ở mảng thép xây dựng; Formosa Hà Tĩnh, CSC Sumikin, Posco Vina, Tôn Nam Kim… ở mảng thép dẹt.

Đồng thời, tại Việt Nam, tiêu dùng thép ban đầu tập trung vào lĩnh vực xây dựng dân dụng và cơ sở hạ tầng với các sản phẩm thép thanh vằn và tôn lợp là chính. Tuy nhiên, theo xu hướng ngày càng phát triển của thị trường và xã hội, tiêu dùng thép trong lĩnh vực cơ khí chính xác, công nghiệp phụ trợ, xe máy, ô tô, điện tử, điện gia dụng … với ứng dụng của các sản phẩm thép dẹt như cán nóng, cán nguội, thép phủ mạ cao cấp sẽ tăng lên đáng kể. Đây là các lĩnh vực cần công đoạn gia công chuyên biệt với yêu cầu cao về độ chính xác và chất lượng. Tại Việt Nam, lĩnh vực này chủ yếu được đầu tư bởi các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc như Sumitomo Corp, POSCO, JFE Shoji với tiềm lực tài chính, kinh nghiệm và chuỗi quan hệ kết nối tốt với các doanh nghiệp đồng hương.

Nắm bắt xu hướng trên, từ năm 2008 đến nay, SMC đã đẩy mạnh đầu tư phát triển mảng gia công chế biến các sản phẩm thép dẹt, hiện đang có tổng cộng 3 nhà máy gia công cắt, xả thép cuộn tại KCN Phú Mỹ, KCN Tân Tạo, và KCN Quang Minh – Hà Nội với tổng công suất là 350.000 tấn/năm. SMC hiện là doanh nghiệp nội địa duy nhất tham gia và chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực này, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về chất lượng của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước gồm các doanh nghiệp như Panasonic, Sanyo Haier, Daikin… nhờ đầu tư nghiêm túc vào thiết bị và công nghệ đồng bộ, hiện đại cũng như xác định đúng hướng hoạt động chuyên biệt và chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, SMC cũng phát triển hoạt động sản xuất thép có chọn lọc trong những năm gần đây. Trong đó, nhà máy sản xuất thép mạ kẽm của Công ty tại KCN Phú Mỹ với các công đoạn tẩy rỉ, cán nguội và mạ kẽm công suất 160.000 tấn/năm đã đi vào vận hành từ tháng 9/2017, đồng thời giai đoạn 2 nhà máy ống thép Sendo liên doanh với Hanwa, nâng công suất lên 100.000 tấn/năm, đang được triển khai theo tiến độ và dự kiến hoàn thành trong quý I/2018.

Tăng trưởng bền vững – Đầu tư có chiều sâu

Hiện tại với 3 mảng kinh doanh chính, lãnh đạo SMC cho biết sẽ tiếp tục duy trì quan hệ với các nhà sản xuất thép lớn trong ngành đồng thời tích cực đầu tư có chiều sâu vào mảng gia công sản xuất thép dẹt, định hướng cho sự tăng trưởng bền vững với hiệu quả hoạt động cao hơn và ổn định hơn của Công ty.

Về phân phối thép xây dựng, dù biên lợi nhuận thấp nhưng SMC vẫn duy trì sự tăng trưởng qua các năm, có khoảng cách khá xa và lợi thế kinh doanh tốt so với các doanh nghiệp thương mại khác trong ngành, đặc biệt tại khu vực phía Nam. Đây là mảng kinh doanh cốt lõi từ những ngày đầu thành lập, SMC sẽ vẫn duy trì nguồn lực cho mảng này, đồng thời đang từng bước nghiên cứu phát triển kênh phân phối bán lẻ.

Về hệ thống gia công thép dẹt, đây là mảng kinh doanh ổn định, hiệu suất tốt và có hiệu quả nhất của doanh nghiệp trong những năm gần đây. SMC vẫn đang tiếp tục chú trọng đầu tư, nâng cấp thiết bị, máy móc, nhà xưởng để tăng công suất các nhà máy hiện tại, đồng thời xem xét đầu tư thêm nhà máy mới, mở rộng và hướng tới nhóm khách hàng ở phân khúc cao cấp hơn, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI có đầu tư ngày càng nhiều tại Việt Nam.

Về sản xuất, SMC đầu tư sản xuất có chọn lọc các sản phẩm thép Công ty có thế mạnh qua phân phối. Trong năm 2016 – 2017, Công ty đã lần lượt giới thiệu ra thị trường hai mặt hàng mới là thép ống và thép mạ kẽm. Hoạt động đầu tư vào sản xuất các sản phẩm thép hoặc gắn chặt các quan hệ kinh tế hơn nữa với các nhà sản xuất lớn trong ngành cũng là một định hướng lâu dài. Trong năm 2018-2019, hoạt động đầu tư sản xuất sẽ tiếp tục được mở rộng với giai đoạn 2 cho cả nhà máy ống thép và thép mạ kẽm.

Như vậy, cùng với sự thay đổi của bối cảnh thị trường, SMC đang chuyển dịch một cách bền vững, chắc chắn từ mảng phân phối nhiều rủi ro sang mảng gia công sản xuất ổn định có biên lợi nhuận cao hơn. Qua nhiều năm chuyển đổi, hiện nay mảng gia công sản xuất đã đóng góp đến gần 45% tổng sản lượng, doanh thu và chiếm đến 75% tổng lợi nhuận toàn Công ty.

Một số hình ảnh bên trong nhà máy gia công chế biến thép dẹt của SMC:

Ngọc Điểm

Nguồn NDH: http://ndh.vn/smc-cau-chuyen-ke-thua-va-diem-nhan-doanh-nghiep-20171113030358250p4c147.news