Số ca mắc mới COVID-19 ở Ấn Độ cao kỷ lục, vì sao?

Nhìn lại lịch sử chống dịch của Ấn Độ, vào tháng 2/2021, số ca mắc mới trong một ngày của Ấn Độ đã từng giảm xuống dưới 10.000. Tuy nhiên, những ngày gần đây, số ca mắc mới được xác nhận ở Ấn Độ đột ngột tăng trở lại.

Các tín đồ diễu hành trong Lễ hội Kumbh Mela

Tính đến cuối giờ ngày 16/4, theo số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ, trong 24 giờ, đã có thêm 233.943 ca mới được xác nhận mắc COVID-19, mức cao kỷ lục trong một ngày, đưa tổng số bệnh nhân lên hơn 14,52 triệu trường hợp, thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ. Số người Ấn Độ chết vì COVID-19 đã tới 175.673, đứng thứ 3 thế giới sau Mỹ và Brazil.

Vào tháng 2 năm nay, số ca COVID-19 tăng thêm hàng ngày của Ấn Độ đã giảm xuống dưới mốc 10.000. Tuy nhiên, khi các hoạt động kinh tế dần khởi động lại, công tác phòng chống dịch của người dân bị lơi lỏng. Các cuộc tụ tập quy mô lớn như bầu cử địa phương, đặc biệt là lễ hội tôn giáo đã góp phần làm dịch bệnh lây lan mạnh.

Tại thành phố Haridwar ở bang Uttarakhand, hàng vạn người đã tập trung bên bờ sông Hằng để cầu nguyện và tắm trong nước để chào mừng “Lễ Kumbh Mela”. Kumbh Mela được biết đến là lễ hội tôn giáo lớn nhất trên thế giới. Theo Reuters, những người theo đạo Hindu tin rằng việc tắm ở sông Hằng linh thiêng có thể “gột rửa mọi tội lỗi của con người” và những người tham gia vào các nghi lễ tắm trong lễ Kumbh Mela sẽ “được cứu rỗi khỏi vòng luân hồi của sự sống và cái chết”. Lễ hội này kéo dài suốt vài tuần hàng năm và thu hút đông đảo tín đồ đạo Hindu.

Các cơ quan truyền thông Ấn Độ dự đoán rằng lễ Kumbh Mela năm nay sẽ thu hút tổng cộng từ 100 triệu đến 150 triệu tín đồ đạo Hindu tham gia. Vào ngày 12/4, bắt đầu “Ngày thánh tắm” đã đưa nghi lễ tôn giáo này lên cao trào. Trong vòng ba ngày, hàng triệu tín đồ đã ngâm mình xuống sông Hằng để tắm, trong đó riêng ngày 14 đã có 943.000 người đã “xuống nước”.

Theo Reuters, một số các quan chức Ấn Độ thậm chí không quan tâm đến nguy cơ dịch bệnh liên quan đến sự kiện lễ Kumbh Mela. Ông Siddharth Chakrapani, một thành viên của ban tổ chức lễ hội, tuyên bố: “Đức tin là điều quan trọng nhất đối với người theo đạo Hindu”, các tín đồ tin rằng “Mẹ sông Hằng có thể cứu họ khỏi đại dịch”.

Đài Al Jazeera của Qatar đã đề cập rằng việc chính phủ Ấn Độ “quan tâm” đến Lễ hội Kumbh Mela đã bị các chuyên gia y tế cộng đồng chỉ trích, nhưng chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi từ chối hủy bỏ cuộc tụ tập do e ngại ảnh hưởng của các thế lực tôn giáo.

Việc tập trung đông người như vậy đã gây ra sự lây lan virus quy mô lớn ở địa phương. Các quan chức ở Uttarakhand, nơi có thành phố Haridwar, nói với AFP rằng hơn 1.000 người đã được chẩn đoán nhiễm SARS-CoV-2 trong số 50.000 mẫu xét nghiệm được thu thập tại thành phố trong hai ngày 12 và 13/4. Tháng trước, số ca mắc mới trong một ngày ở thành phố này cơ bản chỉ từ 25 đến 30 ca.

Theo Reuters, một số khách sạn gần đó đã được chuyển đổi thành trung tâm cách ly, ví dụ như khách sạn Sachin International cạnh sông Hằng, đã tiếp nhận hơn 150 ca nhiễm COVID-19, trong khi chỉ có 72 phòng. Một bác sĩ địa phương tiết lộ rằng ít nhất bốn khách sạn khác đã được thay đổi chức năng tương tự.

Một quan chức cấp cao của Uttarakhand thẳng thắn chỉ ra rằng Lễ hội Kumbh Mela rõ ràng đã trở thành một sự kiện siêu lây lan và chính phủ Ấn Độ đã bất lực trong việc kiểm soát tình hình: “Đã biến thành một sự kiện siêu lây nhiễm. Thành phố chật hẹp không đủ chỗ để xét nghiệm cho hàng trăm nghìn người, và chính phủ cũng không có đủ thiết bị và nhân lực để tiến hành”.

Các quan chức Ấn Độ tiết lộ với Đài Truyền hình thủ đô NDTV rằng, Lễ hội Kumbh Mela năm 2021 sẽ không được rút ngắn và sẽ tiếp tục cho đến ngày 30/4. Theo NDTV, một người hành hương Ấn Độ đã nói khi được phỏng vấn rằng: “Chúng tôi không sợ (coronavirus) và Đấng Tối cao sẽ ban phước cho chúng tôi. Chúng tôi muốn dự lễ và không khí của lễ hội rất tuyệt”.

Ngay từ ngày 21/3, Bộ Y tế Ấn Độ đã cảnh báo việc một lượng lớn người hành hương tụ tập trong lễ Kumbh Mela, có thể khiến số người mắc bệnh tăng vọt. Để đối phó với "làn sóng thứ hai" của dịch bệnh, Ấn Độ, một nhà sản xuất vaccine lớn, đang phải vật lộn với việc tiêm chủng.

Tờ New York Times chỉ ra rằng nhiều người dân Ấn Độ đang lo lắng về tác dụng phụ của vaccine, thậm chí còn nghi vấn vaccine này là một âm mưu của chính phủ. Theo báo cáo, với tốc độ tiêm chủng hiện nay, phải mất khoảng 10 năm nữa Ấn Độ mới có thể tiêm chủng cho 70% dân số cả nước.

Đài phát thanh NPR Mỹ gần đây đưa tin rằng ít nhất sáu bang ở Ấn Độ đã báo cáo tình trạng thiếu vắc-xin. Khoảng 700 trung tâm tiêm chủng ở bang Odisha ở miền đông đã đóng cửa vào tuần trước. Tại một số điểm tiêm chủng vẫn tiếp tục mở cửa, lượng vắc-xin dự trữ chỉ đủ dùng trong 2 ngày.

Để đối phó với tình hình dịch bệnh nghiêm trọng trong nước và tình hình căng thẳng về nguồn cung vắc-xin, Chính phủ Ấn Độ đã chuyển số vắc-xin dự kiến xuất khẩu ban đầu thành cung cấp trong nước. Nhà sản xuất vắc-xin, Viện Huyết thanh của Ấn Độ, cho biết chuỗi sản xuất “rất căng thẳng” và kêu gọi chính phủ Ấn Độ tăng cường tài trợ. Theo báo cáo, để giảm bớt sự thiếu hụt nguồn lực y tế, các thành phố New Delhi và Mumbai đã quyết định chuyển một số khách sạn và phòng tiệc thành bệnh viện tạm thời để điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ hơn.

Ngày 15, chính quyền trung ương Ấn Độ yêu cầu tất cả các bang sử dụng hợp lý oxy y tế để tránh lãng phí. Cùng ngày Bộ Y tế cho biết khả năng sản xuất ôxy y tế hiện vẫn bình thường và có đủ dự trữ, nhưng thách thức hiện tại là làm thế nào để vận chuyển ôxy y tế từ các bang ít cần thiết hơn đến các bang có nhu cầu cao hơn.

Thu Thủy

Theo Đa Chiều

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/so-ca-mac-moi-covid-19-o-an-do-cao-ky-luc-vi-sao-post1328948.tpo