Số ca mắc sốt xuất huyết tăng đột biến ở Long An

Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh Long An ghi nhận hơn 2500 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ. Tỉnh đã phát hiện 466 ổ dịch sốt xuất huyết, tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Theo Sở Y tế tỉnh Long An, mặc dù công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết được triển khai thường xuyên, nhưng hiện nay số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn liên tục gia tăng, cao gấp nhiều lần so với các năm trước.

Thành phố Tân An là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao trên địa bàn tỉnh Long An. Hiện nay, toàn thành phố đã ghi nhận hơn 300 ca mắc sốt xuất huyết, tăng khoảng 4 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Bệnh sốt xuất huyết tăng cao ở Cần Giuộc. Ảnh Thất Huy

Bệnh sốt xuất huyết tăng cao ở Cần Giuộc. Ảnh Thất Huy

Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh Long An ghi nhận hơn 2.500 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh phát hiện 466 ổ dịch sốt xuất huyết, tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Ngoài Thành phố Tân An, các địa phương có số ca mắc sốt huyết tăng cao là các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc.

Theo Sở Y tế tỉnh Long An, một trong những nguyên nhân khiến sốt xuất huyết gia tăng trong thời gian gần đây là do công tác vệ sinh môi trường còn hạn chế và sự thờ ơ của người dân trong việc diệt loăng quăng, muỗi.

Đáng chú ý là tại các điểm nguy cơ cao như khu vực đông dân cư, khu nhà trọ, bệnh sốt xuất huyết hầu như không được người dân để ý. Thói quen sinh hoạt thiếu ngăn nắp, đồ đạc, vật dụng vứt bừa bãi trong nhà, ngoài đường, nhất là chai, lọ, chum, vại, hộp, lốp xe cũ… gặp mưa trở thành vật chứa nước, là nơi lý tưởng cho lăng quăng và muỗi sinh sôi.

Theo đại diện Sở Y tế tỉnh Long An, bệnh sốt xuất huyết do muỗi truyền sang người hiện tại chưa có thuốc đặc trị và chưa có vắc xin phòng bệnh. Do đó, diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng tránh muỗi đốt bằng cách xoa thuốc chống muỗi, nằm màn, che đậy, úp sấp các vật dụng chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, dọn rác quanh nhà là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất.

Cụ thể, để phòng chống sốt xuất huyết, người dân cần hàng tuần chủ động thực hiện diệt bọ gậy; che đậy các dụng cụ có khả năng đọng nước trong và xung quanh nhà; ngủ nằm màn tránh muỗi đốt kể cả ban ngày; tích cực phối hợp với địa phương trong các chiến dịch diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi. Đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng nghi sốt xuất huyết như sốt cao kéo dài trên 2 ngày, đau đầu, đau cơ khớp, chảy máu chân răng... để được khám, tư vấn; không nên tự ý điều trị tại nhà...

Hiện nay, để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, ngành Y tế tỉnh Long An đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất số ca mắc bệnh mới, không để bệnh bùng phát trên diện rộng. Đồng thời, cơ quan chuyên môn đã chủ động với các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, tổng vệ sinh, phun thuốc diệt muỗi... nhằm kiểm soát tại cộng đồng các yếu tố nguy cơ, trọng điểm là giám sát ngăn không để phát sinh loăng quăng, muỗi./.

Phạm Cường

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/khoa-giao/so-ca-mac-sot-xuat-huyet-tang-dot-bien-o-long-an-530698.html