Số ca nhiễm đậu mùa khỉ chạm ngưỡng 14.000 trên 70 quốc gia

Theo Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus của Tổ chức Y tế Thế giới WHO hôm 20/7, tình hình bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu đang diễn biến phức tạp với 14.000 trường hợp mắc bệnh được xác nhận và 5 ca tử vong tại châu Phi.

WHO sẽ họp lần 2 để ra quyết định có nên nâng mức cảnh báo đậu mùa khỉ lên mức cao nhất hay không. Ảnh: Reuters

Theo Reuters trích dẫn lời WHO, hầu hết các trường hợp mắc bệnh ghi nhận được tới hiện nay đều ở châu Âu, đặc biệt là giữa những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới. Họ thường ở độ tuổi trẻ và chủ yếu ở các khu vực thành thị. Ngoài ra, tổng số 5 ca tử vong đều xảy ra tại châu Phi – khu vực mà đậu mùa khỉ thường được phát hiện nhất.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu cho biết tính đến thứ Hai, 7.896 trường hợp được xác nhận đã được báo cáo từ 27 quốc gia trong khu vực này. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Tây Ban Nha với 2.835 ca, Đức với 1.924 ca, Pháp với 912 ca, Hà Lan với 656 ca nhiễm và Bồ Đào Nha với 515 trường hợp mắc đậu mùa khỉ.

New York, tâm chấn của đợt bùng phát ở Mỹ với hơn 460 trường hợp, đã tiêm hoặc lên lịch tiêm cho 21.500 mũi vaccine của mình. Hồi cuối tuần trước, 9.200 mũi vaccine đậu mùa khỉ đầu tiên cũng đã được tiêm một cách nhanh chóng với hàng dài nam giới từ 20 đến 40 tuổi xếp hàng để được tiêm.

Tuy vậy, số ca nhiễm trên toàn thế giới vẫn đang gia tăng rất nhanh và đã chạm ngưỡng 14.000 tại hơn 70 quốc gia. Trong bối cảnh này, WHO sẽ triệu tập lại ủy ban chuyên môn về bệnh đậu mùa ở khỉ vào 21/7 để ra quyết định xem đợt bùng phát hiện nay có trở thành tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu hay không.

Trước đó vào ngày 23/6, Straits Times cho biết WHO đã triệu tập một ủy ban khẩn cấp gồm các chuyên gia để quyết định xem bệnh đậu mùa khỉ có tạo thành tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu hay không. Tuy nhiên, đa số tư vấn cho ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng tình hình tại thời điểm đó vẫn chưa đạt đến mức độ nghiêm trọng để được nâng mức cảnh báo.

Lần này, ủy ban sẽ mở cuộc họp lần 2 để ra quyết định. Nếu đạt được sự đồng thuận, đây sẽ là mức báo động cao nhất mà tổ chức này có thể đưa ra. WHO sau đó cũng sẽ đưa ra các đề xuất và các khuyến nghị tạm thời nhằm ngăn ngừa và giảm sự lây lan của dịch bệnh cũng như quản lý phản ứng sức khỏe cộng đồng toàn cầu.

Ủy ban sẽ xem xét các xu hướng và dữ liệu mới nhất, mức độ hiệu quả của các biện pháp đối phó và đưa ra các khuyến nghị cho các quốc gia và cộng đồng nên làm gì để giải quyết lần bùng dịch này. Tuy nhiên bất kể quyết định của ủy ban là gì, ông Tedros vẫn khẳng định "WHO sẽ tiếp tục làm mọi thứ có thể để hỗ trợ các quốc gia ngăn chặn sự lây truyền và cứu sống bệnh nhân".

Một người đàn ông đang được tiêm vaccine đậu mùa khỉ tại Montreal, Quebec, Canada. Ảnh: Reuters

Ở một diễn biến khác, ông Tedros cũng cho biết WHO đang xác nhận, mua sắm và vận chuyển các kit xét nghiệm tới nhiều quốc gia có dịch nhưng công cụ hữu hiệu nhất trong cuộc chiến này là thông tin. Việc cung cấp thông tin đúng đắn và phù hợp với người dân nói chung và các cộng đồng bị ảnh hưởng là vô cùng quan trọng, đặc biệt là để tránh nạn phân biệt kì thị khi số người nhiễm bệnh phần lớn thuộc cộng đồng LGBTQ.

Theo giám đốc các trường hợp khẩn cấp của WHO Michael Ryan, cộng đồng LGBTQ là một trong những cộng đồng có trách nhiệm nhất đã tham gia tích cực vào công tác chống lại HIV. Vì vậy, WHO “ hoàn toàn tin tưởng rằng cộng đồng này có thể và đang tham gia rất chặt chẽ".

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/so-ca-nhiem-dau-mua-khi-cham-nguong-14-000-tren-70-quoc-gia-post8999.html