Sợ chip gián điệp, công ty Mỹ đòi 'di tản' nhà máy linh kiện khỏi TQ

Hàng loạt công ty công nghệ Mỹ đòi nhà cung cấp Đài Loan đổi nơi sản xuất các linh kiện như cáp nguồn và dây cắm điện, lo Trung Quốc gài thiết bị để đánh cắp dữ liệu.

Lite-On Technology đang xây dựng một nhà máy mới tại Đài Loan để sản xuất linh kiện cho những hệ thống máy chủ.

Hàng loạt khách hàng của họ là các hãng công nghệ ở Mỹ đã yêu cầu cơ sở sản xuất phải được di dời khỏi Trung Quốc đại lục. Một lãnh đạo của Lite-On Technology cho biết các đối tác lo ngại rủi ro tình báo mạng từ Bắc Kinh, theo Nikkei Asian Review.

Một trường hợp tương tự ở Đài Loan là Quanta Computer, công ty chuyên cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu và máy chủ cho nhiều tập đoàn công nghệ Mỹ, trong đó có Facebook và Google. Nguồn tin cấp cao trong công ty tiết lộ yếu tố an ninh là lý do Quanta Computer dời nhà máy về Đài Loan hoặc sang nước khác, không tiếp tục duy trì cơ sở ở đại lục.

"An ninh mạng, thuế quan và rủi ro địa chính trị là ba nguyên nhân chủ đạo", người này cho biết.

Chính quyền Mỹ từ lâu luôn nghi ngờ chuỗi cung ứng linh kiện từ Trung Quốc. Ảnh: Getty.

Chính quyền Mỹ từ lâu luôn nghi ngờ chuỗi cung ứng linh kiện từ Trung Quốc. Ảnh: Getty.

Nỗi sợ cắm điện là mở cửa cho tin tặc

Quyết tâm triệt tiêu tận gốc rủi ro an ninh, các công ty Mỹ đang tạo áp lực thay đổi cơ sở sản xuất cho cả những linh kiện nhỏ nhất. Nhiều công ty Đài Loan phải chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bất chấp chi phí sản xuất tăng cao.

"Nhiều công ty Đài Loan di dời sản xuất khỏi Trung Quốc để tránh các lệnh áp thuế của Washington. Công ty chúng tôi cũng đặt ưu tiên hàng đầu là giải tỏa những lo ngại an ninh cho đối tác tại Mỹ", một lãnh đạo của Lite-On Technology cho biết.

Trên thực tế, vẫn chưa có trường hợp tấn công mạng nào được ghi nhận lợi dụng các linh kiện điện nguồn cho máy chủ. Tuy nhiên, giới chuyên gia về an ninh mạng cho rằng các công ty Mỹ có lý do chính đáng để lo ngại rủi ro bị xâm nhập và đánh cắp dữ liệu thông qua linh kiện ngoại nhập.

"Các công ty Mỹ lo ngại là hoàn toàn hợp lý. Về khía cạnh kỹ thuật, cách tấn công này vẫn khả thi. Không quá khó để tin tặc lợi dụng hệ thống cung cấp điện hoặc cáp nguồn để đánh cắp dữ liệu từ các máy chủ", Tien Chin-wei, phó giám đốc Viện Công nghệ An ninh mạng tại Đài Bắc, cho biết.

Các máy chủ được ví von là "nhà kho" dữ liệu trong nền kinh tế kỹ thuật số. Cấu trúc của hệ thống điện phức tạp hơn các thiết bị điện tử tiêu dùng thông thường như máy tính hay điện thoại thông minh. Giới chuyên gia cảnh báo rất khó để phát hiện chip gián điệp "không đặt mà có" trong quá trình sản xuất linh kiện cho hệ thống điện.

"Nếu máy chủ có lỗ hổng an ninh và chip gián điệp trong hệ thống cấp điện được kích hoạt, đường dây cấp điện có thể được sử dụng như một kênh truyền dữ liệu", Philippe Lin, chuyên viên nghiên cứu các rủi ro an ninh mạng tại Trend Micro, cho biết.

Ngoài một số mục tiêu phổ biến như máy chủ, trung tâm dữ liệu hay cơ sở hạ tầng liên lạc viễn thông, kiểu tấn công gián điệp thông qua cáp nguồn còn đe dọa cả những thiết bị điện tử cá nhân. Theo Philippe Lin, đã có trường hợp cáp sạc nhanh miễn phí ở các điểm dịch vụ công cộng tại Trung Quốc xâm nhập dữ liệu trên điện thoại thông minh.

Chấp nhận tốn kém để đảm bảo an toàn

Các đối tác của Lite-On thêm lo sợ sau một bài viết vào năm 2018 trên Bloomberg Businessweek, cáo buộc chính phủ Trung Quốc bí mật cài đặt chip gián điệp trong dây chuyền cung cấp trung tâm dữ liệu cho các công ty công nghệ Mỹ.

Phía Bắc Kinh đã phủ nhận các cáo buộc do thám. Nhiều tập đoàn như Amazon hay Apple cũng đặt nghi vấn về thông tin trong bài viết.

"Dù nội dung bài viết đó có đúng hay không, những đối tác tại Mỹ vẫn muốn siết chặt hơn nữa các biện pháp đảm bảo an ninh. Ngoài ra, họ cũng không muốn làm phật lòng chính phủ của Tổng thống Donald Trump", lãnh đạo tại Lite-On cho biết.

Bloomberg Businessweek năm 2018 từng có bài điều tra cáo buộc Trung Quốc cài "siêu chip" nhỏ bằng mảnh vỡ hạt gạo để đánh cắp thông tin của các công ty Mỹ. Ảnh: Security Land.

Công ty Đài Loan đang đầu tư gần 324 triệu USD để xây dựng một cơ sở và trung tâm nghiên cứu mới ở thành phố Cao Hùng, dự kiến bắt đầu hoạt động từ tháng 6. Cơ sở này theo tính toán ban đầu sẽ sản xuất linh kiện điện tử cho ôtô. Tuy nhiên, với kế hoạch mới, nhà máy chuyển đổi sang sản xuất linh kiện cung cấp điện cho máy chủ, giải tỏa sự lo ngại của các đối tác Mỹ.

Trong năm 2018, nhiều nhà cung cấp dịch vụ cho máy chủ và trung tâm dữ liệu như Quanta, Inventec hay Wistron cũng bắt đầu di dời cơ sở sản xuất linh kiện sang Đài Loan hoặc các nước khác. Động cơ ban đầu của việc di dời là tránh các lệnh áp thuế của Mỹ nhắm vào những mặt hàng linh kiện và thiết bị mạng. Yếu tố an ninh giờ đây đã trở thành ưu tiên hàng đầu cho nhiều nhà sản xuất Đài Loan.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia công nghệ, việc di dời nhà máy ra khỏi Trung Quốc cũng không đảm bảo loại bỏ tất cả rủi ro gián điệp. Nếu thật sự tin tặc Trung Quốc theo đuổi cách thức xâm nhập này, luôn có cách để họ chi phối quy trình sản xuất dù nhà máy đặt ở đâu.

"Mọi kết nối giữa linh kiện, bo mạch chủ và hệ thống năng lượng đều có thể trở thành lỗ hổng an ninh để bí mật cài đặt những thiết bị gián điệp. Bạn chỉ có thể cắt giảm hoặc quản lý rủi ro, nhưng loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa sẽ là nhiệm vụ bất khả thi", Tien Chin-wei nhận định.

Lê Thanh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/so-chip-gian-diep-cong-ty-my-doi-di-tan-nha-may-linh-kien-khoi-tq-post923463.html