Sơ đồ hóa kiến thức giúp học tốt môn Địa lý thi THPT quốc gia

Cô Hoàng Thị Thủy Hương, tổ trưởng tổ Địa - Giáo dục công dân- Thể dục - Giáo dục quốc phòng (Trường THPT Cẩm Khê, Phú Thọ), hướng dẫn học sinh hệ thống hóa kiến thức môn Địa lý, đồng thời chia sẻ tiến trình bài ôn tập giúp tăng hiệu quả học, ôn thi môn Địa lý trước kỳ thi THPT quốc gia.

Ảnh minh họa/internet

Ảnh minh họa/internet

3 phần kiến thức lớn

Cô Hoàng Thị Thủy Hương cho biết: Bài học Địa lí có sự lô gic, khoa học. Chương trình lớp 12 được cấu tạo gồm ba phần kiến thức lớn

Phần I. Địa lí tự nhiên: Giới thiệu khái quát về vị trí địa lí của nước ta, bốn đặc điểm chung của tự nhiên Việt Nam; đề ra những vấn đề nổi bật và biện pháp khai thác, bảo vệ tự nhiên trong những năm gần đây.

Phần II. Địa lí dân cư: Chương trình nêu ba vấn đề nổi bật hiện nay về dân cư nước ta: các đặc điểm dân số và vấn đề phân bố dân cư chưa hợp lí của nước ta; vấn đề lao động và việc làm từ đó đưa ra sáu hướng giải quyết tốt hơn vấn đề việc làm; vấn đề đô thị hóa, những tác động tích cực và vấn đề cần khắc phục của việc phát triển đô thị hóa ở nước ta.

Phần III: Địa lí kinh tế: Đây là phần chiếm nhiều thời lượng nhất trong chương trình Địa lí của sách giáo khoa lớp 12; bao gồm 2 đơn vị kiến thức chính:

Tìm hiểu một số vấn đề phát triển và phân bố ba ngành: nông nghiệp – lâm nghiệp – ngư nghiệp, công nghiệp – xây dựng, dịch vụ. Trong từng ngành lại tìm hiểu một số ngành kinh tế tiêu biểu.

Tìm hiểu về địa lí các vùng kinh tế: giới thiệu khái quát về từng vùng kinh tế, các vấn đề nổi bật về phát triển kinh tế của từng vùng (thế mạnh, hình thành cơ cấu, phát triển hạ tầng...)

Phần cuối: Địa lí địa phương

Hình thành sơ đồ hóa kiến thức

Để học sinh dễ ghi nhớ kiến thức môn Địa lý, cô Hoàng Thị Thủy Hương hướng dẫn học sinh bằng cách ôn tập bằng sơ đồ tư duy dưới hình thức đơn giản nhất: sơ đồ hóa kiến thức nhằm khái quát hóa kiến thức từng phần, từng bài. Trong quá trình hình thành sơ đồ, cô Hương tiến hành theo trình tự sau đây:

Bước 1: Yêu cầu học sinh phải có đủ dụng cụ học tập: bút màu đỏ, màu xanh, màu đen, thước kẻ, giấy A4 và kẹp giấy A4.

Bước 2: Tiến trình bài ôn tập:

Giáo viên bắt đầu bằng giao nhiệm vụ về nhà của buổi ôn tập hôm trước: Chia lớp thành các nhóm (thường là theo bàn), số lượng nhóm còn tùy thuộc vào nội dung của chủ đề:

Chủ đề tự nhiên chia lớp thành 12 nhóm với 6 nội dung: Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ, 4 nội dung về 4 đặc điểm tự nhiên Việt Nam, sử dụng và bảo vệ tự nhiên.

Chủ đề dân cư chia lớp thành 6 nhóm tìm hiểu 3 nội dung: đặc điểm dân số, đặc điểm nguồn lao động, đô thị hóa.

Chủ đề các ngành kinh tế: chia lớp thành 8 nhóm với 4 nội dung: chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ngành nông nghiệp, ngành công nghiệp, ngành dịch vụ.

Chủ đề các vùng kinh tế: Chia lớp thành 9 nhóm: 7 vùng kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm, kinh tế biển

Giáo viên giao nhiệm vụ về nhà cho nhóm: đọc lại các bài tương ứng, hệ thống kiến thức toàn bài bằng các sơ đồ tư duy.

Những lưu ý khi vẽ sơ đồ: Sơ đồ mang tính khái quát nhưng cần đảm bảo đầy đủ nội dung bài học, chọn lọc từ ngữ đặc trưng của vấn đề trình bày. Cần tận dụng cỡ chữ, màu sắc khi thể hiện các cấp độ của luận điểm, đặc điểm trong từng sơ đồ để học sinh dễ ghi nhớ khi học. Sơ đồ nên đơn giản về hình thức dễ theo dõi, dễ học, in đậm hoặc đổi màu những từ khóa.

Bước 3: Tiến trình giờ ôn tập:

Đại diện các nhóm nội dung lên bảng trình bày, các nhóm khác bổ sung, giáo viên chuẩn hóa kiến thức cho điểm hoặc học sinh tự đánh giá cho bạn điểm.

Quá nhiều nội dung trong một chủ đề, giáo viên có thể chọn những bài tiêu biểu yêu cầu học sinh phô tô làm tư liệu, giáo viên chữa những sơ đồ dung lượng lớn, khó.

Giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng những trang Átlat tương ứng với nội dung bài học.

Học sinh luyện tập theo tài liệu trắc nghiệm: Sách tài liệu ôn tập THPT Quốc gia môn Địa lí, Nhà xuất bản Giáo dục, 2017 của cùng nội dung.

Giáo viên giao thêm tài liệu cho học sinh về nhà làm cùng nội dung ôn tập trên lớp và sơ đồ kiến thức của buổi học sau.

Với sơ đồ tư duy này, sau khi kết thúc đợt ôn tập học sinh sẽ có cuốn sách thứ 2 do tự mình biên soạn, có cái nhìn tổng thể với toàn bộ chương trình 12. Học sinh sẽ có kiến thức khái quát nhất, kiến thức rộng. Tuy nhiên kiến thức chuyên sâu của các vấn đề thì sơ đồ này chưa giải quyết được, để làm được câu hỏi vận dụng thấp và cao còn hạn chế, đòi hỏi học sinh cần thực sự chăm chỉ đào sâu thêm kiến thức ở nhà.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/so-do-hoa-kien-thuc-giup-hoc-tot-mon-dia-ly-thi-thpt-quoc-gia-3922258-v.html